Trẻ con luôn hiếu động và đôi khi có những hành động mất kiểm soát khiến cha mẹ tức giận và phải răn đe bằng cách nói "không được làm như vậy".
Tuy nhiên, đó có phải là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề của trẻ?
Theo nghiên cứu của các chuyên gia thì việc nói "không" theo hướng cấm đoán và răn đe có thể không mang lại hiệu quả như bạn mong đợi.
Thay vào đó, bạn có thể lựa chọn những cách nói với con khác để có thể giáo dục con mình một cách hiệu quả hơn mà vẫn kết nối được tình cảm của mình với trẻ thay vì chỉ nói "không" một cách nghiêm khắc.
1. Kết nối với cảm xúc và hành động của con
Lý do lớn nhất để các phụ huynh chọn một câu trả lời khác thay vì nói "không" với trẻ là để kết nối với nhau.
Thay vì nói "không được" khi trẻ thực hiện một điều gì đó. Hãy thử nói với trẻ rằng "Mẹ hiểu con. Mẹ cảm nhận được những gì con đang cố gắng làm.
Tuy nhiên, mọi thứ đều có giới hạn và nên thực hiện một cách chậm rãi".
Hãy để cho trẻ biết rằng, bạn hiểu được cảm xúc và hành động của trẻ. (Ảnh minh họa)
Ví dụ như, trẻ cố đánh lại bạn khi bạn mắng trẻ. Thay vì nói rằng: "Con không được đánh mẹ". Bạn hãy thử ngăn tay của trẻ lại và nói với con: "Con tức giận và đánh mẹ sao?
Mẹ có thể cảm nhận được con thất vọng như thế nào, nhưng đó không phải là lý do để con đánh người.
Thay vào đó, con hãy nói cho mẹ nghe về những gì con đang cảm thấy, điều đó có thể giúp chúng ta giải quyết được vấn đề".
2. Sử dụng những từ mang nhiều thông tin hơn
Thay vì chỉ nói "không" với trẻ, hãy sử dụng nhiều từ ngữ hơn để giải thích lý do mà trẻ không nên hành xử như vậy. Khi được giải thích rõ, trẻ sẽ hiểu được bản chất của vấn đề và thay đổi cách cư xử.
Ví dụ, trẻ tiến đến bàn ăn và mang theo hàng tá đồ chơi để vừa chơi vừa ăn.
Thay vì nói "Con không được làm như vậy", bạn hãy thử nói với trẻ rằng: "Khi ngồi vào bàn ăn, chúng ta sẽ ngồi thật nghiêm chỉnh và không mang theo bất cứ thứ gì như đồ chơi.
Cũng giống như bố mẹ sẽ không sử dụng điện thoại và những vật dụng khác vào bữa ăn".
3. Giải thích lý do tại sao
Hãy luôn giải thích cho trẻ lý do tại sao trẻ không được làm một hành động nào đó. (Ảnh minh họa)
Trẻ em luôn có những thắc mắc và cũng có những yêu cầu về lý luận cụ thể. Vì vậy, một từ "không" mà bố mẹ nói ra sẽ không thể nào thỏa mãn được trẻ nếu không kèm theo lời giải thích.
Ví dụ khi trẻ cố gắng với lấy một cái bình thủy tinh cắm hoa để làm đồ chơi. Thay vì nói "Không, đừng chạm vào đó".
Bạn có thể thử "Đó không phải là đồ chơi của con, vì vậy hãy để nó lên giá. Nó rất dễ vỡ nếu chúng ta chạm vào hoặc sử dụng nó làm đồ chơi".
4. Giữ cho cuộc đối thoại mở
Cho dù là ở tuổi bao nhiêu, thì mỗi khi bị ai đó nghiêm khắc nói không được làm gì thì phản ứng của mỗi cá nhân luôn là dần khép kín lại và có xu hướng nổi loạn hơn.
Vì vậy, thay vì để mọi thứ trở nên khó kiểm soát, hãy giữ mọi thứ có xu hướng mở để có thể tiếp cận được suy nghĩ và hành động của cả hai bên.
Hãy cố gắng giữ mọi cuộc đối thoại mở để bạn và trẻ có thể tiếp cận được suy nghĩ và hành động của nhau. (Ảnh minh họa)
Ví dụ, khi trẻ xô ngã một người bạn để lấy chỗ đứng. Thay vì nói: "Không được", bạn hãy thử "Con muốn có một chỗ rộng hơn sao?
Mẹ hiểu, nhưng như thế là không được. Con có thể nói chuyện với bạn cơ mà. Bây giờ hãy thử hỏi xem bạn ấy có làm sao không?".
5. Thay đổi lời nói cho từng thời điểm cụ thể
Trẻ em có xu hướng bỏ qua lời nói của bạn nếu như bạn nói quá nhiều lần.
Điều đó sẽ khiến trẻ cảm thấy như đó chỉ là một tiếng ồn bình thường và không quan tâm, và rồi trẻ cũng sẽ bắt đầu nói không với cha mẹ, anh chị em và bạn bè.
Ví dụ như trẻ đang muốn ăn bánh quy ngay trước bữa ăn.
Thay vì nói "Không được ăn món tráng miệng trước bữa ăn", bạn hãy thử "Bây giờ chúng ta sẽ ăn một vài món ngon, vì thế hãy để bánh quy lại sau khi ăn xong nhé !"
6. Giữ thái độ trung lập và không phán xét
Nếu như bạn liên tục nói "không" với trẻ một cách khắc nghiệt, theo thời gian trẻ sẽ dần nghĩ rằng tất cả mọi thứ mình làm và kể cả bản thân mình đều xấu.
Thay vào đó, bạn hãy giúp cho trẻ hiểu được hết những hành vi của mình, dù rằng có những lúc hành vi đó có tí sai lệch, nhưng suy cho cùng đó cũng chỉ là một cách mà trẻ đã lựa chọn để tìm hiểu về thế giới.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn để cho trẻ tự nhiên làm những điều mình muốn mặc dù nó sai trái, mà là bạn phải ở bên cạnh để giúp trẻ hiểu được vấn đề.
Hãy giúp cho trẻ hiểu được hậu quả của những hành vi của mình. (Ảnh minh họa)
Ví dụ, khi trẻ cố tình ném quả bóng vào cửa kính, thay vì nói "Không được làm vậy", bạn có thể nói với con rằng: "Con nghĩ rằng việc ném bóng vào cửa sổ là một trò vui sao?
Mẹ hiểu. Nhưng chúng ta chỉ nên chơi bóng trong nhà một cách nhẹ nhàng để không làm vỡ bất cứ thứ gì, và cửa kính cũng không phải là đồ chơi".
7. Nói rằng điều đó không được phép nhưng theo một cách khác
Trẻ em có thể lặp lại những việc đã bị cấm đoán trước đó mặc dù cha mẹ đã rất nghiêm khắc. Điều đó không có nghĩa là trẻ hư hỏng mà là nhận thức của trẻ về hành vi của mình chưa được chính xác.
Thay vì nói "không" với mọi hành vi của trẻ, bạn có thể thử những từ khác như "Dừng lại", "Đứng yên",... để điều chỉnh hành vi của trẻ một cách đơn giản nhưng vẫn hiệu quả.
Nguồn: Mother