"Nói là làm" – Trò chơi không hề vô hại
"Like là làm" hay "Nói là làm" – Một trào lưu bắt đầu nở rộ sau vụ lời thách thức của một anh chàng tên N.T trên Facebook vào tối 20/9.
Nguyên văn lời thách thức là "Bức hình này đủ 40k like tôi đổ xăng từ trên người xuống, lấy hộp quẹt tự đốt người rồi nhảy cầu Tân Hóa! Đủ like sẽ làm, tôi nói là làm. Share mạnh để có cái hay hấp dẫn mà xem."
Sau khi dòng trạng thái này nhận được hơn 90k like thì anh chàng đã thực sự giữ lời hứa của mình bằng cách châm lửa lên người rồi nhảy thật nhanh xuống kênh Tân Hóa để dập lửa.
Liên tục sau đó, nhiều bạn trẻ hớn hở vì tìm được cách "tăng like" đơn giản đến không ngờ, họ nhiệt tình bắt chước với nhiều phiên bản "Nói là làm" lố lăng khác: Cởi đồ trên đường, khỏa thân chạy trong trường, tắm với… phân.
Điều lạ lùng là những post tưởng chừng vô bổ và nhảm nhí này lại thu hút một lượng like đáng kinh ngạc lên đến hàng chục nghìn.
Mọi thứ tưởng như chỉ dừng lại ở sự khó chịu, chướng tai gai mắt thì hôm nay, khi một cô bé học trò chỉ mới lớp 8 phải nhập viện cấp cứu sau khi tẩm xăng đốt một góc trường học đã khiến dư luận ái ngại trước những mối nguy tiềm tàng phía sau lời thách thức vô bổ này.
Cô bé tên Ngọc H., SN 2003, là học sinh một trường THCS ở Khánh Hòa, gia đình H. có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ đều làm ruộng.
Nhưng vì một phút nông nổi tuyên bố "Đủ like sẽ đốt trường" mà H. phải đi cấp cứu ở bệnh viện Ninh Hòa do bỏng nặng ở hai chân.
Nữ sinh châm lửa đốt ngay trước cửa phòng y tế của trường. Ảnh cắt từ clip
Phía sau hành động của H. là hàng nghìn cái like ủng hộ của những học sinh khác.
Người ta xem clip cũng có thể nghe thấy những lời khích tướng lạnh lùng như "đốt nhanh đi, sao đứng đó hoài vậy", một nam sinh còn bồi thêm "không đốt là mày ăn đòn đó!" nên cô bé liền xách theo bịch xăng vào trường và đốt.
Trong tất cả comment bên dưới post "Nói là làm" của các bạn trẻ, thật khó để tìm được những lời ngăn chặn và khuyên nhủ thật lòng. Người ta chỉ hăm hở like rồi đốc thúc chủ nhân của bài viết hãy thực hiện lời hứa của mình.
Hôm nay một cô bé đã gom đủ nghìn cái like để cả gan đốt trường học, ai có thể dám chắc rằng ngày mai không có một cô cậu bé nào khác làm điều gì nguy hiểm hơn, thậm chí bất chấp luật pháp chỉ vì trót tuyên bố với đám đông bạc bẽo kia?
"Những cái like là yếu tố gián tiếp gây nên hậu quả khôn lường"
Xung quanh vấn đề này, dưới góc nhìn của một chuyên gia tâm lý, thạc sĩ Đào Lê Hòa An - Ủy viên BCH T.Ư Hội Tâm lý học xã hội VN cho rằng những bạn trẻ đăng clip làm chuyện dại dột để câu like là thể hiện cái tôi trình diễn, bản sắc cá nhân nhưng lại mang tính cường điệu hóa và thách thức nhằm được mọi người biết đến. Điều này sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ dẫn đến xung đột và dẫn đến nhiều hệ lụy liên quan.
Trào lưu "Nói là làm" nở rộ trên facebook các bạn trẻ.
Theo chuyên gia tâm lý, ở tuổi mới lớn, ai cũng có nhu cầu được khẳng định bản thân. Nhưng không phải ai cũng có đủ tài năng để sớm khẳng định mình.
"Việc nhiều bạn trẻ "câu like" bằng lời hứa tự đốt mình có thể đã trải qua một quá trình lâu dài đối diện với những mâu thuẫn khác nhau, đó là muốn thể hiện sự khác biệt của bản thân nhưng năng lực không đáp ứng được.
Từ đó những mâu thuẫn này sẽ tích tụ qua từng ngày, khiến bạn ấy thiếu tỉnh táo và đưa ra quyết định bồng bột", Ths. Hòa An phân tích.
Qua đây vị chuyên gia tâm lý cũng nêu rõ hành động tự đốt mình, đốt trường để "câu like" giúp cá nhân những bạn trẻ đã đạt được nhu cầu "được nhiều người biết đến".
Tuy nhiên những bạn trẻ này không hề lường trước được những hậu quả để lại sau những trò "câu like" vô bổ như thế.
"Với clip dùng xăng đốt trường, tôi có hai vấn đề muốn nói: Thứ nhất các bạn học sinh hay có câu cửa miệng (đặc biệt là khi đến các kì thi) là ngày mai "trường cháy" thì khỏi phải đi học, đi thi.
Đây là một "ước mơ bông đùa" và không ai để ý đến "hậu quả thực sự" của nó.
Thứ hai, khi xem qua clip này tôi nghĩ các em không hình dung đến hậu quả mà nó để lại. Việc tẩm xăng đốt không chỉ ảnh hưởng đến một mình bạn đó mà còn ảnh hưởng đến nhiều người.
Clip cho thấy các em thật sự không biết cách ứng phó đến tình huống đó khi hô hoán lấy nước để dập lửa bùng phát do xăng.
Các em không có tầm nhìn chiều sâu về sự việc mà mình đang làm. Vấn đề ở đây là các em chọn cách thể hiện mình chịu sự tâm lý đám đông.
Chính cái yếu tố này làm cho các bạn trẻ có tính thách thức, rồi thực hiện những điều gây sốc", thạc sĩ cho biết.
Ths. Đào Lê Hòa An.
Nói về đám đông nhiệt tình like, thạc sĩ Hòa An cho rằng có hai dạng like. Một là đám đông tò mò, bị thu hút. Và hai là… thấy ghét nên bấm để coi sự "chơi ngông" của chủ thớt đến mức độ nào.
"Họ không có bất cứ trách nhiệm, chịu sự ràng buộc hoặc liên luỵ gì khi sự việc xảy ra mà lại có "phim hay để xem" nên cứ vô tư mà like. Đây là những cái like "gián tiếp" gây nên những hậu quả khó lường cho cộng đồng.
Thiết nghĩ đã đến lúc phải thấy được trách nhiệm trong từng cái like hoặc comment của mình trên MXH, vì có lẽ nếu không đủ lượt like như lời tuyên bố (chứng tỏ không ai để ý đến mình) thì mục đích gây sự chú ý hoặc muốn được nổi tiếng bằng những trò gây sốc sẽ không được thực hiện".
Xem lại những clip "câu like" trong thời gian qua, chuyên gia tâm lý Đào Lê Hòa An cũng nhắn nhủ cần thông minh và đủ tỉnh táo để trình diễn bản sắc cá nhân.
Mạng xã hội thể hiện sinh động tâm lý của con người, cho thấy cá tính của người dùng.
Theo đó, trang cá nhân cũng là "bộ mặt" của người dùng và việc thể hiện nó như thế nào là tùy thuộc vào cá nhân bạn, đừng để vì những phút nông nổi mà để lại hậu quả khôn lường.