Thời gian gần đây, liên tục các clip lan truyền trên mạng về các hành vi bạo lực sân cỏ, thậm chí tử vong ở giải VĐQG Indonesia. Người ta thực sự cảm thấy lo lắng cho các nền bóng đá kém phát triển sẽ đoản mệnh, khi luật chơi không được tôn trọng, thứ bóng đá văn minh chưa được phổ cập.
Bóng đá Việt Nam cũng chẳng là ngoại lệ khi trong quá khứ và cả hiện tại, vẫn chưa thoát ra được các vấn nạn liên quan đến bạo lực. Thế mới có danh xưng “Võ- lít”! Anh Khoa của SHB Đà Nẵng là một trong số ít ỏi ấy và thực tế, tác nhân Quế Ngọc Hải đã phải nhận hình thức kỷ luật thích đáng, dù Hải Quế có thanh minh "chỉ là vô tình đặt gầm giầy... nhầm chỗ" (!?)
Trên thế giới, với ngay cả các giải đấu hàng đầu cũng không thiếu các trường hợp cầu thủ gãy đôi chân sau một tình huống tranh chấp hay va chạm. Nhưng như đã nói, ở đó họ đã và đang chơi thứ bóng đá văn minh, cầu thủ giữ mình rất kỹ, giữ chân cho đồng nghiệp.
Nhưng, chấn thương - dù thường trực với một môn thể thao nặng tính đối kháng, vẫn chỉ là nguồn cơn rất nhỏ dẫn đến việc cầu thủ phải giải nghệ. Bóng đá còn là một nghề nguy hiểm, đầy cám dỗ. Cơn bão tiêu cực 2005 đã cuốn phăng không biết bao nhiêu cầu thủ và trọng tài giỏi. Các tệ nạn xã hội bủa vây khiến cầu thủ thân bại danh liệt, thậm chí là thân tàn ma dại
Ở Việt Nam, Lê Công Vinh là một trường hợp hiếm hoi biết "giữ mình", nhưng cũng phải giải nghệ ở tuổi 31. Vinh chuyên nghiệp là thế, nhưng cũng chỉ là “chú cừu” ở vai trò quản lý bóng đá. Cho nên, anh phạm những nguyên tắc ngớ ngẩn như vừa phát ngôn thiếu chuẩn mực, chẳng khó hiểu.
Song, cũng cần chia sẻ với người trẻ, Vinh mới 32 tuổi và ở tuổi đó mà có thể ngồi ghế quyền chủ tịch, điều hành đội bóng, cũng là chuyện xưa nay hiếm.
Trở lại câu chuyện chúng ta đề cập ở đầu bài viết. Nói gì thì nói, thứ bóng đá trong trẻo, đẹp đẽ và sạch sẽ luôn được khuyến khích, ở bất kỳ đâu trên thế giới túc cầu. Công Phượng và đồng đội không tự nhiên hút khán giả trở lại sân bóng, sau một thời gian dài các khán đài nguội lạnh.
Nó trước nhất phải bắt đầu từ thứ bóng đá mà họ chơi, đam mê và tận hiến với nghề. Không (hay chưa) thành công cũng thành nhân. Thứ bóng đá xấu xí phải bị triệt tiêu, để tuổi nghề với người hoạt động bóng đá được kéo dài, thay vì cảm giác yểu.
Duy tâm một chút thì nghề nào cũng có "tổ". Ngoan và được tổ đãi, đấy là may và ngược lại. Nếu bạn phản lại tổ nghề với bất cứ lý do nào, biểu hiện nào, thì đừng mong sự nghiệp sẽ vượng. Đã có đủ những tấm gương, những bài học nhãn tiền vẫn chưa ráo mực.
Trái bóng tròn, nhưng không cẩn thận nó cũng sẽ có hình viên đạn, "bắn thủng" những ai không trân trọng nó.