Mỗi năm chỉ có 12 tháng nhưng một bộ phận người dân đã dành tới gần 30 ngày đầu năm để đi đền nọ, miếu kia, để cầu cúng thánh thần, để dâng sao giải hạn. Khi rất nhiều tiền bạc, thời gian, công sức của người dân dành cho thế giới tâm linh, hẳn nhiên thế giới thực tại sẽ bị kéo chậm lại trong quá trình phát triển.
Năm nay, chuyện vàng mã lại tiếp tục đốt nóng dư luận. Nhưng mặc những ý kiến bàn ra, tán vào, người ta vẫn đốt vàng mã tưng bừng ở khắp mọi nơi.
Tại đền bà Chúa Kho một mâm lễ loại nhỏ gồm vàng mã, hương hoa, xôi oản có giá tầm 200.000 đồng, mâm cỡ trung bình là 400.000 - 600.000 đồng, còn mâm cỡ đại lên đến tiền triệu. Giá nào cũng có.
Có lẽ không ở đâu mà lòng thành của người lễ "quy đổi" rõ ràng như ở đền Bà Chúa Kho... Tiến lễ xong, từng đoàn mâm lớn mâm bé lại được đốt thành tro. Nơi hoá vàng tại đây liên tục được tiếp lửa không ngơi. Tính ra, mỗi năm cả trăm tỷ đồng tiền thật đã được hoá tro.
Khi đồng tiền thật được đưa vào lưu thông nhưng không tạo ra của cải vật chất cho xã hội thực tại mà dùng để mua đồ đốt đi. Đó là một tổn hại lớn cho nền kinh tế.
Lễ hội tại Chùa Hương, TP Hà Nội năm nay cũng sẽ kéo dài 3 tháng. Dự kiến sẽ có khoảng 1,5 triệu du khách hành hương tới đây. 1,5 triệu du khách trong tổng số hơn 80 triệu dân. Đó là một con số quá ấn tượng. Nhưng chúng ta không chỉ có một hội chùa Hương mà còn có lễ hội chùa Yên Tử, Bái Đính, đền Trần và hàng ngàn những lễ hội tại các chùa chiền khác.
Điều đáng suy ngẫm là những lễ hội cực lớn này lại có chung "style" rất giống nhau, đó là người dân tụ về, đốt mã, cầu mong, xin xỏ thánh thần rồi lại trở về nhà. Những lễ hội giống hệt nhau này không thu hút được du khách nước ngoài bởi chẳng mấy ai mong muốn bỏ tiền ra để đến xem và hít khói hương nghi ngút.
Chưa có một số liệu thống kê cụ thể để ước lượng xem một người VN dành bao nhiêu thời gian để đi lễ, hội, dành bao tiền của để cúng bái, hương hoa... để rồi tính ra con số chung cho cả nước. Nếu bài toán này được tính toán thành công, đáp án sẽ là một con số gây shock. Chắc chắn là như vậy.
Nhưng mất tiền thật cho tiền giấy, đô la âm phủ, hương hoa... cũng chưa phải thứ chúng ta thiệt hại lớn nhất. Cái mất lớn hơn đó là những cơ hội phát triển, đầu tư đầy triển vọng mà có thể chúng ta sẽ bỏ lỡ trong những tháng đầu năm.
Nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài không lạ gì chuyện sau Tết âm lịch họ không thể vận hành sản xuất khi nhiều công nhân vẫn mải mê ăn Tết, du hành cầu tài lộc.
Khi ta còn ăn chơi, thế giới đã lột xác
Nhật Bản, một quốc gia có những nét tương đồng về văn hoá với Việt Nam đã trải qua câu chuyện vui xuân quá dài từ hàng trăm năm trước.
Năm 1873, do những đòi hỏi về kinh tế, vì nhận thấy sự tụt hậu của quốc gia mình so với phương Tây, vì những lễ hội Tết nhất quá tốn thời gian, Nhật Bản đã quyết định bỏ Tết. Họ nhận thấy những nước Tây phương với nền trình độ phát triển vượt trội đang bứt tốc quá nhanh, quá mạnh.
Họ nghỉ Tết dương lịch ngắn ngày, ít hội hè, ít thờ cúng, đình đám. Một năm họ không bỏ quá nhiều thời gian cho lễ bái, không tiêu tiền một cách vô ích, mông lung. Vì vậy những quốc gia phương Tây rất cường thịnh, no đủ. Nhật Bản bỏ Tết Âm lịch là quyết định khó khăn nhưng họ đã gặt hái thành tựu lớn một phần nhờ quyết định này.
Chúng ta khó có thể hy vọng sẽ bắt kịp người Nhật về năng suất lao động, nhưng nếu không sớm "qua cơn mê" thì rất có thể chúng ta bị tụt hậu ngay trong khối Asean.
Theo nghiên cứu của Tổng cục Thống kê công bố năm 2017, năng suất lao động của người Việt chỉ bằng 7% so với một người Singapore. Thậm chí trong bảng xếp hạng, năng suất của chúng ta còn kém cả người Lào.
Những con số thống kê này là hệ quả của nhiều yếu tố, trong đó không thể không kể đến nguyên nhân, người lao động dành quá nhiều thời gian để lễ lạt, để cầu xin, để giải hạn, dâng sao, đốt mã...
Trên thế giới, chỉ có những quốc gia cường thịnh bởi phát triển công nghiệp, giao thương, bởi người dân chăm chỉ chứ không có nơi nào giàu lên nhờ chăm lễ bái, đốt vàng mã hương hoa.
Tháng Giêng là tháng ăn chơi. Nhưng đó là câu ca dao cổ, nó không còn phù hợp với một xã hội đang vận động, phát triển rất mạnh như hiện nay.
Nếu không muốn bị bỏ lại phía sau, chẳng còn cách nào khác chúng ta phải hạn chế bớt lễ hội, bớt vàng mã, bớt đồ đạc cho người âm để tập trung cho nền kinh tế thực tại. Lễ hội cũng là cách kích cầu nhưng quan trọng nó phải tạo ra cú hích tiêu dùng để nền kinh tế tiêu dùng của người đang sống phát triển. Không thể năm nào cũng "kích cầu" thị trường nhờ đô la âm phủ.