Trong lúc khí hậu ngày càng cực đoan và thế giới vừa trải qua tháng 6 nóng nhất lịch sử, các nhà khoa học đang tăng áp lực lên Liên hợp quốc để yêu cầu ngành quốc phòng công khai lượng khí thải từ các hoạt động và chấm dứt quyền miễn trừ lâu dài đối với lĩnh vực quân sự. Báo cáo được công bố trên tạp chí Nature ước tính, tỷ lệ phát thải khí nhà kính toàn cầu từ các hoạt động quân sự rơi vào khoảng từ 1 - 5%, tương đương với ngành hàng không và vận tải biển.
Theo ước tính của các chuyên gia, trong năm 2022, quân đội các nước nằm trong số những ngành tiêu thụ nhiên liệu lớn nhất thế giới, tạo ra 5,5% tổng khí thải nhà kính toàn cầu , tương đương hàng trăm triệu tấn khí thải carbon .
Về cơ bản, hoạt động quân sự ở nước ngoài như triển khai máy bay, tàu thuyền và các hoạt động huấn luyện không cần được báo cáo lượng khí thải quân sự theo Nghị định thư Kyoto năm 1997 và Thỏa thuận chung Paris năm 2015. Lý do là vì dữ liệu về năng lượng quân đội sử dụng có thể làm suy yếu an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, nhiều nhóm vận động hay chuyên gia môi trường đã chỉ ra rằng trong 12 tháng đầu tiên của cuộc xung đột ở Ukriane, thế giới ghi nhận sự gia tăng ròng 120 triệu tấn khí nhà kính, tương đương với lượng khí thải hàng năm của Singapore, Thụy Sĩ và Syria cộng lại.
Tiêm kích F-16 cất cánh tại căn cứ không quân Osan của Mỹ ở Pyeongtaek, Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap/EPA)
Ông Lennard de Klerk, chuyên gia thống kê phát thải carbon Hà Lan, nhận định: "Chắc chắn có rất nhiều điều có thể được thực hiện để khử carbon trong các hoạt động quân sự, vVí dụ như những lựa chọn về nhiên liệu sinh học. Xã hội dân sự đã ứng dụng điều này trong nhiều thập kỷ qua, nên đã đến lúc quân đội phải cùng nhau hành động và bắt tay vào giải quyết vấn đề này".
Trong 5 tháng đầu năm 2023, đã có tổng cộng 17 báo cáo về khí thải quân sự được các tổ chức môi trường, học giả công bố. Con số này cao gấp 3 lần số lượng báo cáo của năm 2022 và bằng tổng 9 năm trước cộng lại.
Cơ quan khí hậu của Liên hợp quốc cho biết, hiện không có kế hoạch cụ thể nào để sửa đổi hướng dẫn về cách tính lượng khí thải quân sự. Tuy nhiên, quân đội một số nước có dấu hiệu sẵn sàng thay đổi.
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết đang thiết lập phương pháp để tính toán lượng khí thải quân sự của của 31 nước thành viên.
Cơ quan Hậu cần Quốc phòng Mỹ chia sẻ, lượng phát thải vào năm 2022 đã giảm xuống 48 triệu tấn so với 51 triệu tấn của năm trước đó.
Một trong những công nghệ giảm khí thải quân sự lớn nhất hiện nay là sử dụng các phương tiện bay không người lái.