Đây là sản phẩm thuộc Dự án "Nghiên cứu thiết kế, chế thử mẫu trạm radar thụ động định vị mục tiêu theo phương pháp TDOA" của Viện Radar (Viện KH&CN Quân sự - Bộ Quốc phòng) do TS. Trần Văn Hùng làm chủ nhiệm.
Được biết, Dự án này còn có sự tham gia tích cực của một số đơn vị thuộc Bộ Khoa học & Công nghệ và đã được nghiệm thu từ trung tuần tháng 11/2014, sau gần 4 năm triển khai.
Tại Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X (2015-2020) tháng 9 vừa qua, Bộ Quốc phòng đã chính thức giới thiệu hệ thống radar thu động chuyên săn máy bay tàng hình này.
Việc nghiên cứu chế tạo radar RTh đã góp phần quan trọng trong việc phát hiện sớm, cảnh báo và cung cấp chính xác tọa độ mục tiêu cho các đơn vị hỏa lực phòng tránh, đánh trả có hiệu quả những cuộc tiến công của kẻ địch, đặc biệt là các loại phương tiện bay tàng hình.
"Nội thất" có thiết kế rất hiện đại, bố trí khoa học không kém các tổ hợp radar trinh sát thụ động hàng đầu thế giới. Ảnh: Truyền hình QPVN.
Khắc tinh của máy bay tàng hình
Radar RTh định vị mục tiêu theo phương pháp TDOA - nguyên lý phát hiện mục tiêu tiên tiến nhất thế giới hiện nay, đã được áp dụng trong việc nghiên cứu, chế tạo những tổ hợp khí tài trinh sát thụ động hàng đầu thế giới như Kolchuga-M (Ukraine), Vera-NG (CH Séc).
Đây là phương pháp đo đạc chênh lệch thời gian, phát hiện và bám sát nguồn bức xạ vô tuyến dựa trên vi sai thời gian lan truyền của sóng điện từ từ nguồn bức xạ đến các đài thu.
Mỗi tổ hợp radar RTh gồm 4 khí tài thành phần, trong đó có 3 đài thu kế bên, bố trí sao cho tạo thành một tam giác cân và 1 trạm trung tâm nằm ở chính giữa, có nhiệm vụ tổng hợp giao hội, đồng bộ mọi tín hiệu thu về.
Tổ hợp này sẽ âm thầm lặng lẽ thu tín hiệu vô tuyến phát ra từ mục tiêu, qua đó tính toán, xác định và cung cấp tham số về cả khoảng cách, góc phương vị, độ cao cho các đơn vị hỏa lực tiêu diệt các mục tiêu, kể cả những loại máy bay tàng hình hiện đại nhất.
Radar thụ động RTh do Viện Radar nghiên cứu chế tạo thành công. Ảnh: QĐND.
Những ưu điểm vượt trội của RTh
Khác với radar chủ động phải phát sóng để sục sạo tìm mục tiêu, RTh là radar thụ động, nó không hề phát sóng, mà chỉ thu tín hiệu vô tuyến phát ra từ mục tiêu, do vậy xác suất bị đối phương dùng vũ khí diệt radar chế áp là rất thấp.
Nhờ đó, tăng đáng kể khả năng sống sót và đặc biệt hơn là nó hầu như thoát khỏi sự đeo bám, gây nhiễu quyết liệt bởi các khí tài gây nhiễu của đối phương bởi chính đối phương cũng khó biết được mình đang bị theo dõi để làm khó cho RTh trong quá trình hoạt động.
Radar thụ động RTh có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, bất kể ngày hay đêm, tạo thành "lưới trời" cực kỳ tinh nhuệ, khắc tinh đối với mọi loại phương tiện bay tàng hình, kể cả những máy bay thế hệ mới như J-21, J-31, F-22, F-35 hay B-2.
Khi tích hợp, đồng bộ tình báo bay với các loại radar chủ động và thụ động khác có trong mạng cảnh giới đường không, RTh góp thêm một phần quan trọng vào việc phát hiện và cung cấp cảnh báo sớm từ xa đối với các mục tiêu có bức xạ vô tuyến điện từ.
Nhìn vào "nội thất" của RTh được Truyền hình Quốc phòng Việt Nam giới thiệu trong phóng sự "Khai thác làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại" có thể thấy thiết kế, trang bị không hề thua kém so với bất kỳ loại radar thụ động hiện đại nhất trên thế giới nào.
Kíp trắc thủ đang trong phiên trực ban vận hành radar RTh do Việt Nam nghiên cứu chế tạo. Ảnh: Truyền hình QPVN.
Phát hiện sớm, chính xác kiểu loại mục tiêu bay, dự kiến trước được đường bay, thủ đoạn tác chiến và âm mưu của đối phương sẽ giúp các đơn vị hỏa lực có thời gian chuyển cấp sớm, đánh nhanh, rút nhanh, tạo bất ngờ, diệt địch hiệu quả mà vẫn bảo toàn lực lượng.
Đó chính là một trong những yêu cầu cao nhất của thế trận tác chiến phòng không, nhất là trong điều kiện chiến tranh phi đối xứng, khi đối phương mạnh hơn ta nhiều, chỉ có phòng tránh, đánh trả hiệu quả mới khiến đối phương phải chùn bước.
Tại sao RTh chưa cơ động?
Không giống như 2 loại khí tài (radar) trinh sát thụ động Kolchuga-M và Vera-NG rất hiện đại mà Việt Nam nhập khẩu từ Ukraine và CH Séc là phiên bản đặt trên khung gầm xe tải việt dã 6x6 có khả năng cơ động cao, dường như RTh chưa có khả năng này.
Nguyên nhân có thể là do đã có 2 loại khí tài cơ động nên RTh không nhất thiết phải là loại cơ động mà là bản cố định.
Thứ nhất, bản thân radar thụ động khó bị đối phương phát hiện để chế áp bằng nhiễu hoặc tiến công trực tiếp nên có cơ động hay không cũng chẳng ảnh hưởng nhiều lắm tới khả năng bảo toàn lực lượng và thế trận "lưới trời" đã giăng sẵn.
Thứ hai, do được chế tạo trong nước nên chủ động về công nghệ là ưu thế lớn và có thể sản xuất hàng loạt với số lượng lớn, giá thành chấp nhận được, đủ để trang bị rộng khắp tạo thành lưới thiên la địa võng, các trạm, đài bổ trợ hoặc tích hợp liên hoàn với nhau.
Nói thế không có nghĩa RTh không cơ động được, mà đúng ra là chưa, khả năng triển khai, thu hồi nhanh của nó sẽ được hoàn thiện và việc đặt lên khung gầm xe vận tải việt dã bất kỳ không phải quá khó, trong tầm tay của những nhà khoa học Việt Nam.
Hy vọng, trong tương lai gần, RTh và các thế hệ kế tiếp hiện đại hơn sẽ được trang bị số lượng lớn, xứng đáng với vai trò quan trọng vào thế trận phòng không quốc gia, kiên quyết Không để Tổ quốc bất ngờ vì những tình huống trên không.