Khí tài đặc biệt chốt ở Miền Trung - Tây Nguyên: Tiêm kích tàng hình không nơi ẩn nấp

Bình Nguyên |

Trung đoàn radar 290 có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời miền Trung, Tây Nguyên và được trang bị nhiều khí tài mới, trong đó có radar săn tiêm kích tàng hình.

Chia sẻ trên Báo PK-KQ, Thượng tá Trịnh Văn Chiến - Chính ủy Trung đoàn radar 290 (Sư đoàn phòng không 375, Quân chủng PK-KQ) cho biết được giao nhiệm vụ SSCĐ, QLVT khu vực miền Trung, Tây Nguyên và trong những năm gần đây, đơn vị được đầu tư nhiều vũ khí trang bị kỹ thuật mới, cải tiến…

1 trong 2 trung đoàn radar đầu tiên: Thành tích xuất sắc

Ngày 21/03/1958, Bộ Quốc phòng đồng thời thành lập 2 trung đoàn cần vụ đối không, trong đó có Trung đoàn radar 290 với nhiệm vụ quản lý vùng trời từ Sông Mã (Thanh Hóa) đến vĩ tuyến 20. Sông Mã trở thành giới tuyến chiến đấu và sự phối hợp chặt chẽ giữa 2 trung đoàn cần vụ đất đối không nên Trung đoàn còn được mang tên là Đoàn Radar Sông Mã.

Trải qua 60 năm ra đời, xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, cánh sóng radar của Trung đoàn ngày càng vươn xa, góp phần cùng quân dân ta đánh thắng các cuộc tập kích của không quân Mỹ và quản lý vững chắc vùng trời miền Trung - Tây Nguyên.

Đúng 0 giờ ngày 10-7-1960, Trung đoàn chính thức phát sóng tham gia quản lý bầu trời Tổ quốc trên chiến trường Quân khu 4.

Khí tài đặc biệt chốt ở Miền Trung - Tây Nguyên: Tiêm kích tàng hình không nơi ẩn nấp - Ảnh 1.

Bảo dưỡng khí tài ở Trung đoàn radar 290. Ảnh: Báo PK-KQ.

Hơn 15 năm liên tục kiên cường bám trụ trên tuyến lửa Quân khu 4, đương đầu với lực lượng không quân nhà nghề của Mỹ, Trung đoàn đã bảo đảm tình báo radar cho các lực lượng phòng không đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất và thứ 2 của Mỹ ở Quân khu 4

Đồng thời, Đoàn radar Sông Mã đã tham gia chiến đấu các chiến trường: Khe Sanh, Đường 9 - Nam Lào, cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng (Lào). Đặc biệt nhất là đơn vị đã tham gia Chiến dịch Phòng không bảo vệ Thủ đô Hà Nội 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972 và tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam.

Ngày 28/02/1967, Đại đội 12 làm nhiệm vụ đã phát hiện chiếc máy bay B-52 đầu tiên của Mỹ. Sau đó, các đơn vị trong Trung đoàn đã liên tiếp phát hiện máy bay B-52 khi chúng xâm phạm vùng trời của ta.

Những kinh nghiệm vềphát hiện máy bay B-52 của Trung đoàn được Quân chủng biên soạn thành tài liệu để các đơn vị học tập. Trong suốt Chiến dịch, Trung đoàn đã phát hiện 129 tốp máy bay, trong đó có 98 tốp là B-52, góp phần cùng các lực lượng làm nên Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không".

Với những thành tích trong kháng chiến chống Mỹ, Trung đoàn 290, Trạm Ra đa 12 và đồng chí Vũ Ngọc Diệu vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân", nhiều tập thể, cá nhân được khen thưởng các danh hiệu cao quý khác.

Cánh sóng ngày càng vươn xa với nhiều khí tài hiện đại

Để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, Trung đoàn được đầu tư nhiều VKTBKT mới, cải tiến… trong đó dáng chú ý nhất chính là tổ hợp radar thụ động Kolchuga-M hiện đại bậc nhất thế giới.

Theo giới thiệu của Công ty Topaz (Ukraine), Kolchuga-M được ví như là"mắt thần" thụ động chuyên bắt máy bay tàng hình, chuyên dùng để phát hiện các mục tiêu bay từ khoảng cách 800km (500 dặm) ở mọi độ cao bằng phương pháp giao hội các tín hiệu sóng điện từ để phát hiện, xác định vị trí, theo dõi, bám sát các loại phương tiện bay, kể cả loại tàng hình.

Mỗi hệ thống Kolchuga gồm 1 đài điều khiển và xử lý tín hiệu trung tâm và 3 đài kế bên có nhiệm vụ thu tín hiệu sóng điện từ, có thể cùng lúc bám sát tín hiệu của 32 mục tiêu với đủ 3 tham số (cự ly, góc tà và phương vị).

Theo tính toán của nhà sản xuất (Topaz), nếu hệ thống Kolchuga-M được đặt ở độ cao 100m và mục tiêu bay ở độ cao 10km thì nó có thể thu tín hiệu và xác định vị trí mục tiêu từ cự ly 450km, còn mục tiêu bay ở độ cao 20km thì cự ly phát hiện đạt tới 620km.

Theo Viện nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) có trụ sở đặt tại Thụy Điển, Việt Nam đã đặt mua 4 tổ hợp khí tài trinh sát điện tử thụ động (radar thu động) Kolchuga từ Ukraina vào năm 2009 và tiếp nhận đủ 4 đài trong giai đoạn 2012-2013.

Trong phóng sự "Làm chủ hệ thống radar Kolchuga" của Truyền hình Quốc phòng Việt Nam cho thấy Bộ đội PK-KQ đã làm chủ khí tài hiện đại.

Khí tài đặc biệt chốt ở Miền Trung - Tây Nguyên: Tiêm kích tàng hình không nơi ẩn nấp - Ảnh 2.

Cabin điều khiển của Kolchuga-M được hợp lý hóa, sử dụng các màn hình hiện đại. Ảnh: Truyền hình QPVN.

Khí tài đặc biệt chốt ở Miền Trung - Tây Nguyên: Tiêm kích tàng hình không nơi ẩn nấp - Ảnh 3.

Đại tá Cao Trung Tuyến - Trung đoàn trưởng Trung đoàn radar 295, Sư đoàn PK 363 khẳng định đơn vị đã làm chủ radar Kolchuga. Ảnh: Truyền hình QPVN.

Việc sở hữu Kolchuga-M, một thành quả khoa học công nghệ thuộc loại tiên tiến bậc nhất thế giới, đã giúp Bộ đội PK-KQ có trong tay loại khí tài "khắc tinh" của máy bay tàng hình, đảm bảo "Không để Tổ quốc bất ngờ vì những tình huống trên không".

Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Trung đoàn Radar 290 (21/03/1958 - 21/03/2018) - Đoàn radar Sông Mã Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, xin kính chúc các đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, rèn luyện, làm chủ vũ khí, khí tài, trang bị, góp phần cùng các lực lượng trong Sư đoàn 375 quản lý vững chắc vùng trời được giao.

Làm chủ radar Kolchuga. Truyền hình QPVN

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại