Đá bóng bằng... phần mềm
Công ty phần mềm Đức SAP là một "ông trùm" trong lĩnh vực phân tích dữ liệu bóng đá. Vậy nên, không ngạc nhiên khi người Đức áp dụng công nghệ vào từng khía cạnh nhỏ nhất của môn thể thao vua.
Họ có trong tay Penalty Insights, phần mềm chuyên phân tích thói quen đá penalty của cầu thủ. Tất cả những cử chỉ nhỏ nhất từ lấy đà, ánh mắt, cách sút bóng đều được ghi lại một cách tỉ mỉ.
Nhờ đó, ĐT Đức có thể đoán được đối phương sẽ sút về hướng nào, giúp tăng tỉ lệ cản phá thành công của thủ môn trong loạt luân lưu 11m. Bên cạnh đó, những thông số về thủ môn đội bạn cũng cho phép cầu thủ Đức lựa chọn tốt hơn khi đá penalty.
Ở tầm rộng hơn, HLV Joachim Loew có trong tay Match Insights - phần mềm phân tích chi tiết trận đấu. Với các tính toán khoa học, thời gian giữ bóng của ĐT Đức giảm từ 3,4 giây xuống còn 1,1 giây. Lối chơi tấn công biến hóa cũng từ đây mà hình thành.
Với công nghệ tiên tiến trong tay, Cỗ xe tăng tự tin sẽ áp chế được mọi đối thủ. Những gì họ làm được trọng vài năm qua cho thấy tham vọng trên không phải là không có cơ sở.
Công nghệ lạc lối
Các phần mềm phân tích làm tăng sức mạnh của ĐT Đức. Tuy nhiên, khi sai số diễn ra, Cỗ xe tăng sẽ phải nhận hậu quả.
Tại Euro 2016, sai số đã lần xuất hiện trong 2 trận đấu liên tiếp khi Boateng và Schweinsteiger để chạm tay trong vòng cấm, biếu không cho đối thủ những quả penalty.
Cỗ máy hoàn hảo của ĐT Đức cũng đã bị sứt mẻ nghiêm trọng khi Gomez, Khedira, Boateng chấn thương, Hummels bị treo giò còn Muller, Gotze "tàng hình" dẫn đến việc họ thất thủ trước ĐT Pháp.
Chấn thương của Boateng làm Joachim Loew "vỡ kế hoạch".
Nhớ lại một chút về trận gặp Italia. Trong loạt sút luân lưu 11m, Neuer thừa nhận các cầu thủ đối phương đã thực hiện không theo thói quen và khiến anh gặp khó khăn. Ngày hôm đó, Penalty Insights chẳng giúp gì nhiều cho Cỗ xe tăng.
Tại sao hệ thống mà người Đức xây dựng lại bỗng nhiên lỗi nhiều như vậy?
Yếu tố đầu tiên là tính chính xác. Dù có tính toán, thống kê chi tiết đến đâu, các phần mềm cũng chỉ mang tính chất dự đoán. Mà trên sân cỏ, các tình huống diễn ra luôn khác nhau.
Người Đức không thể dự đoán được Griemann lại chơi hay đến như vậy, cũng giống như cách họ để Balotelli "dắt mũi" 4 năm trước. Các cá nhân bùng nổ đem tới sự khó lường cho bóng đá. Và khi "lệch tủ", Cỗ xe tăng phản ứng có phần kém linh hoạt.
Yếu tố còn lại nằm ở những người thực hiện lối chơi. Đành rằng Đức chịu nhiều chấn thương, thẻ phạt trước Pháp. Nhưng kỳ thực, họ vẫn chơi lấn lướt chứ chẳng hề lép vế.
Chỉ có điều, cầu thủ trên sân không phải là robot và khó mà thực hiện 2 động tác y hệt nhau một cách chính xác.
ĐT Đức không có lực lượng tốt như thời điểm World Cup 2014.
Ví dụ như khi nhảy lên tranh bóng, Schweinsteiger bình thường chắc chắn không giơ cánh tay lên hớ hênh như vậy, đặc biệt là trong vòng cấm.
Sau thất bại hôm nay, người Đức sẽ cải tiến phần mềm, tối ưu mọi thứ. Tuy nhiên, trước khi nghĩ đến tương lai, họ phải chấp nhận rằng hệ thống của mình không "vô đối" như lầm tưởng và có thể bị vượt mặt bất cứ lúc nào.