Khi sinh viên nói không với tiền mặt
Biết tin đỗ đại học, Đinh Khánh Linh (tân sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) không khỏi vui sướng. Xuống Hà Nội nhập học ngày 9/9 mới đây, bên cạnh lời dặn dò của bố mẹ phải ăn uống đầy đủ, sinh hoạt điều độ, học tập chăm chỉ... thì một điều nữ sinh cũng được phụ huynh nhắc đi nhắc lại: tiền nong phải luôn phải giữ trong tài khoản, cần lắm thì mới rút ra, lúc rút thì không được quá nhiều, lớ ngớ lại "mất tiền như chơi".
Thành thật mà nói, Linh đã nghe lời dặn dò trên hàng trăm, thậm chí hàng ngàn lần nhưng mỗi khi có cơ hội, bố mẹ Linh lại nhắc vì họ tin "mưa dầm thấm lâu". Bố mẹ Linh cho rằng, con mới chân ướt chân ráo xuống Hà Nội, nhiều thứ còn bỡ ngỡ. Nếu không cất giữ tài sản cẩn thận, rất dễ trở thành "con mồi" của những đối tượng xấu hay sơ suất làm rơi tiền.
Trước đó, chị của Linh cũng từng học tập Hà Nội nhưng thời chị của Linh không phổ biến tiền chuyển khoản như bây giờ, mỗi lần bắt xe xuống Hà Nội, cô lại được bố mẹ dặn phải "cất tiền trong giày, trong ống quần" để đảm bảo an toàn. Giờ đây, Linh không còn phải làm những cách thức "giữ của" đấy nữa, vì tiền nong cô bạn hiện đều nằm trong tài khoản.
Đỗ Ánh Tuyết là sinh viên năm 3 Học viện Tài chính. Dù đã có tài khoản ngân hàng từ năm nhất đại học nhưng đến thời điểm hiện tại, Ánh Tuyết vẫn không biết cách rút tiền ở cây ATM như thế nào. Bởi lẽ, mọi giao dịch nữ sinh này thực hiện từ trước đến nay đều bằng hình thức chuyển khoản.
"Ngay từ khi vào năm nhất đại học, trường mình đã mở cho sinh viên 2 thẻ ngân hàng. Trong đó nhà trường nêu rõ, một thẻ để nhận tiền học phí, khi nào có đợt nộp thì sinh viên chuyển khoản vào đó, còn thẻ khác để sinh viên nhận tiền học bổng, khen thưởng... nếu có.
Dù nhà trường có tạo cho mình 2 thẻ nhưng mình vẫn tự mình làm thêm 1 thẻ ngân hàng nữa để đa dạng các phương thức hơn. Do đó, mọi giao dịch của mình đều chỉ gói gọn trong chiếc điện thoại có kết nối mạng mà thôi. Thật sự, mình ít khi cầm tiền mặt ra ngoài lắm", Tuyết bày tỏ.
Ảnh Tuyết ít khi cầm tiền mặt ra ngoài
Từ tiền mua mớ rau, gửi xe 3-4k, đến tiền mua đồ tạp hóa, trang thiết bị vật phẩm có giá trị lên đến hàng trăm, hàng triệu đồng... Ánh Tuyết đều chuyển khoản. Đến đâu, cô bạn cũng hỏi: "Cô ơi có mã QR không ạ?"; "Cô ơi có nhận tiền chuyển khoản không ạ"... Theo quan sát của nữ sinh, hiếm lắm mới có nơi từ chối nhận tiền bằng hình thức này.
Tương tự Minh Đức (sinh viên năm 3, Học viện Tài chính), dù đã được nhà trường mở sẵn cho 2 tài khoản ngân hàng khi mới vào trường, nam sinh cũng tự đăng ký mở thêm 2 tài khoản ở các ngân hàng khác. Lý giải về điều đó, do đã đi làm thêm nên công ty yêu cầu nam sinh mở thêm một tài khoản nữa để nhận lương hàng tháng, còn cái còn lại là do Minh Đức đã mở từ lúc thi xong đại học.
Tổng cộng lại, nam sinh có đến 4 tài khoản ngân hàng khác nhau. Trong đó, một tài khoản để nộp học phí cho trường, một tài khoản để nhận học bổng, tiền thưởng các loại khi có thành tích tốt, tài khoản khác dùng để tiết kiệm tiền, còn tài khoản cuối dùng để chi tiêu hàng tháng.
"Thỉnh thoảng ngân hàng nào cần bảo trì hay gặp lỗi là mình lại có ngân hàng khác dự phòng, nên cứ vô tư ra đường không cần cầm tiền mặt thôi. Có ngân hàng có hạn mức tối thiểu để thực hiện một giao dịch là 10k, nhưng có ngân hàng chuyển 1k cũng được. Đó chính là một phần lý do để mình tạo nhiều tài khoản ngân hàng", Đức nói thêm.
Vô vàn lợi ích
Việc sinh viên nói không với tiền mặt, tích cực sử dụng tiền chuyển khoản mang lại rất nhiều lợi ích cho chính bản thân các bạn. Đầu tiên, sinh viên không cần phải mang theo tiền bên mình, hay ra đường suốt ngày nơm nớp lo lắng bị rơi tiền hoặc bị móc túi. Giờ đây, mọi thứ được tích hợp trong một chiếc điện thoại nhỏ gọn, kết nối mạng là có thể mua sắm mọi thứ. Chỉ cần thực hiện một tổ hợp các động tác đơn giản: Giơ máy - quét QR - nhập số tiền cần chuyến - ấn chấp nhận... thế là "ting ting", giao dịch được thực hiện thành công.
Kể từ khi thay đổi phương thức sử dụng tiền sang chuyển khoản, Giang Ngọc Anh (sinh viên năm 3 trường Đại học Tài nguyên và Môi trường) cảm thấy an tâm hơn hẳn khi ra ngoài. Trước kia, Ngọc Anh không ít lần làm rơi tiền hay quên ví ở nhà do sơ suất, bất cẩn của bản thân. Nhưng từ khi để toàn bộ tiền trong tài khoản, tình trạng này gần như không xảy ra với nữ sinh nữa.
"Mình thấy hình thức này an toàn hơn so với việc cầm tiền mặt đấy. Ngoài ra, thời gian chuyển tiền rút gọn chỉ còn trong tích tắc, vèo cái là thực hiện giao dịch thành công rồi ", nữ sinh cho biết.
Chuyển khoản thay vì dùng tiền mặt, Giang Ngọc Anh cảm thấy an tâm hơn hẳn khi ra ngoài
Đối với các bậc phụ huynh, họ cũng dễ dàng hơn rất nhiều trong việc chuyển tiền hàng tháng hay đóng học phí cho con và gia tăng cảm giác an tâm, không còn lo con bất cẩn đánh mất tiền.
"Mình thấy việc giữ tiền trong tài khoản ở thời điểm hiện tại vừa an toàn lại vừa tiện lợi, vì bọn mình sẽ không phải rút tiền các thứ cồng kềnh như trước nữa. Bây giờ ở đây chẳng có mã QR chuyển khoản, chỉ cần điện thoại có mạng là đi đâu, làm gì cũng được hết", Khánh Linh nói.
Có bất lợi không?
Dù đem lại nhiều lợi ích, nhưng theo các bạn sinh viên, việc chi tiêu chủ yếu bằng ví điện tử cũng mang đến một vài bất lợi. Chẳng hạn như trường hợp của cô bạn Vũ Trịnh Phương Thanh (sinh viên Học viện Ngân hàng) trong đợt săn sale 9/9 vừa qua, cô bạn đã mua đến cả tiền triệu hàng khác nhau. Một phần là vì cô bạn sử dụng hình thức chuyển khoản trực tuyến, cứ có cái gì rẻ rẻ, hay hay là lại bấm vào mua và thanh toán ngay, do đó không biết mình đã tiêu bao nhiêu, chi như thế nào hay âm vào tiền ra sao.
"Mấy đợi săn sale cứ 'ưng mắt' cái gì là mình không thể cưỡng lại mà đoạt liền cái đó. Vì sử dụng hình thức chuyển khoản trước, nên mình không áng chừng được bản thân đã chi tiêu bao nhiêu. Nhiều khi lố tiền lên khá nhiều, nếu sử dụng tiền mặt mình nghĩ bản thân sẽ cân đo đong đếm cẩn thận hơn chứ không vung tay quá chán như này. Bây giờ còn 'sương sương' 4 đơn hàng chờ mình lấy nữa", Phương Thanh nói.
Đó còn chưa kể đến có lúc ngân hàng gặp lỗi, không chuyển khoản được, nếu không có tài khoản ngân hàng dự phòng hay tiền mặt thì người dùng gặp rất nhiều rắc rối. Thậm chí, nhiều khi mạng chập chờn, có khi đứng cả 15 -20 phút vẫn không thể chuyển khoản được.
Nguyễn Minh Hùng (sinh viên năm 3, trường Đại học Phenikaa) kể về một lần tài khoản bị lỗi "dở khóc dở cười" của mình: "Hôm đó mình tổ chức sinh nhật cùng bạn bè tại một quán ăn, ăn uống xong xuôi ra gửi tiền thì đúng 'ú òa', tài khoản ngân hàng của mình thông báo bảo trì và không thể thực hiện giao dịch. Lúc đó mình đứng người, mặt xịt keo luôn, may có bạn bè đi cùng nên chúng nó giúp mình chuyển khoản. Không lúc đó cả nhóm phải ở lại để rửa bát, dọn dẹp cho quán để trừ tiền nợ mất".
Rồi một lần khác, Minh Hùng đang đi trên đường như bị hết xăng, vào đổ xăng tại một cây xăng gần đó thì nhận được thông là không nhận tiền chuyển khoản: "Lúc đó túng quá rồi, không còn cách nào khác phải nhờ một người cùng đổ xăng là mình chuyển khoản cho họ còn họ đưa cho mình tiền mặt. Nếu không dắt bộ về nhà mất".
Đương nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó. Việc dễ tiêu tiền lố hay khó kiểm soát được mình đã tiêu gì do tiền trong tài khoản chỉ là "một con số mơ hồ" cũng buộc các bạn trẻ phải học cách quản lý chi tiêu cẩn thận. Nhiều ngân hàng cũng như các ví điện tử hiện tại đều tích hợp tính năng quản lý chi tiêu, mỗi lần chuyển khoản, một một giao dịch thu chi cộng trừ trong tài khoản đều có thể lưu lại tự động giúp bạn nắm được tình hình tài chính của mình từ đó cân đối các khoản lại.