Khi phụ nữ trẻ 'lười' làm mẹ

Vân Sơn - Uyên Phương |

Áp lực kinh tế, công việc bận rộn… là những lý do khiến không ít phụ nữ ngại sinh con. Nhiều phụ nữ trẻ lựa chọn không sinh con để tập trung công việc và tận hưởng cuộc sống.

Sợ sinh con

Mặc dù con gái đã hơn 10 tuổi nhưng chị Trần Thị Nhi (35 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TPHCM), vẫn kiên quyết không sinh thêm con. Dù nhiều người động viên, tranh thủ tuổi còn trẻ nên sinh thêm để gia đình thêm vui nhưng chị Nhi vẫn kiên quyết “kế hoạch” và không sinh thêm.

“Nuôi một đứa trẻ bây giờ tốn kém hơn cả một người trưởng thành. Vợ chồng tôi đều là viên chức nhà nước, tổng thu nhập chỉ khoảng 30 triệu đồng/tháng, trong đó 1/3 số tiền dành để lo chi phí ăn uống, học hành cho con. Nếu có thêm con, gánh nặng cơm áo gạo tiền đều đội thêm, trong khi thu nhập không tăng thêm đồng nào. Hơn nữa, tôi cũng không sẵn sàng trở lại làm mẹ “bỉm sữa” khi đã được tự do nhiều năm” - chị Nhi nói.

Khi phụ nữ trẻ 'lười' làm mẹ- Ảnh 1.

TPHCM là một trong 21 tỉnh thành có mức sinh thấp nhất cả nước. Ảnh: Vân Sơn

Lấy chồng đã hơn 8 năm nhưng chị Lê Thị Minh Trang (32 tuổi, quê Trà Vinh), vẫn chưa mặn mà với việc làm mẹ. Mỗi năm, hai vợ chồng đều dành thời gian đi du lịch. Nếu chồng không sắp xếp được thời gian, chị Trang sẽ đi cùng hội bạn thân. Chị Trang tâm sự, lấy chồng khi mới 25 tuổi, lúc đó công việc chưa ổn định nên cả hai quyết định hoãn sinh con để tập trung sự nghiệp. Bốn năm sau, công việc thuận lợi, chị được bổ nhiệm chức trưởng phòng Đối ngoại một công ty xuất nhập khẩu của nước ngoài, lương vài nghìn USD/tháng. Dù hai bên nội ngoại đã sốt ruột muốn bồng cháu, nhưng chị Trang đang “say” việc, có con lúc này đồng nghĩa với việc mọi cố gắng, nỗ lực thời gian qua coi như đổ sông đổ biển.

“Tôi thích trẻ con nhưng không có nghĩa phải sinh con vào lúc này. Trong khi công việc đang tiến triển, tôi rất được trọng dụng và có khả năng thăng tiến những vị trí cao hơn… nên tôi bàn với chồng trì hoãn sinh con. Hiện, hai vợ chồng đều rất hài lòng với cuộc sống hiện tại, mỗi năm du lịch đến vài quốc gia, tận hưởng cuộc sống tự do cho hết tuổi trẻ. Có thể vài năm nữa tôi sẽ thay đổi quyết định, lúc đó mang bầu sinh con cũng chưa muộn” - chị Trang nói.

Ngoài ra, không ít phụ nữ sợ sinh con còn do rất nhiều nguyên nhân khác như sợ xấu, sợ mất dáng, sợ ảnh hưởng công việc; thậm chí sợ mất chồng trong thời gian ở cữ, chăm sóc con nhỏ...

Nhiều hệ lụy

Ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TPHCM cho biết, thành phố đang xếp trong nhóm 21 tỉnh, thành có mức sinh thấp trong cả nước. Số liệu năm 2023 cho thấy, số con trung bình của một người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở TPHCM là 1,32 con. Trong điều kiện kinh tế thành phố tiếp tục phát triển, tốc độ đô thị hóa cao, sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng thì mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Theo đại diện Chi cục Dân số, các nguyên nhân khiến phụ nữ “lười sinh con” xuất phát từ áp lực công việc khiến phụ nữ ít có thời gian chăm sóc con; chi phí để nuôi một đứa trẻ quá lớn so với thu nhập của người lao động; ngày càng nhiều phụ nữ quan tâm đến sự nghiệp và sắc đẹp hơn khi có nhiều con sẽ bất lợi cho sự thăng tiến và nhan sắc của người mẹ…

Theo phân tích của ông Trung, mức sinh thấp làm suy giảm nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ, thiếu hụt lao động trong tương lai sẽ ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, chi phí cho chính sách khuyến khích sinh sẽ gây áp lực lên nguồn ngân sách của thành phố. Nếu mức sinh hợp lý, nguồn ngân sách được sử dụng cho đầu tư nâng cao chất lượng dân số sẽ góp phần vào sự phát triển bền vững của thành phố.

Theo Sở Y tế năm 2023 tại TPHCM, tỷ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt 85%, tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc đạt 82%; tỷ số giới tính khi sinh duy trì ở mức 106 đến 107 trẻ nam/100 trẻ nữ; tuổi thọ trung bình của người dân TPHCM là 76,5 tuổi (cả nước 73,7 tuổi).

Theo cơ sở dữ liệu do Công an TPHCM cung cấp, năm 2023 trên địa bàn có hơn 1,1 triệu người trên 60 tuổi (chiếm tỷ lệ 12%). Mức sinh thấp, mức chết thấp và tuổi thọ trung bình tăng cao khiến TPHCM đã bước nhanh vào tiến trình già hóa dân số .

Già hóa dân số khiến thời gian sống sau nghỉ hưu tăng lên, làm gia tăng áp lực lên hệ thống y tế và hệ thống trợ cấp lương hưu. Già hoá dân số làm cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động giảm đi, cơ cấu nghề nghiệp sẽ thay đổi, gánh nặng kinh tế cho người lao động trẻ cao hơn. Tất cả những hệ luỵ trên nếu không được giải quyết thỏa đáng sẽ là thách thức lớn cho sự phát triển của thành phố trong tương lai gần.

Cải thiện mức sinh

Để giải quyết tình trạng mức sinh thấp, nhân ngày Dân số thế giới (ngày 11/7), ngành y tế TPHCM đã tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ nâng cao chất lượng dân số tại vùng có mức sinh thấp trên địa bàn. Sở Y tế kêu gọi người dân cùng chung tay, đồng tình ủng hộ thực hiện thông điệp “Mỗi gia đình, mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con”. Việc sinh đủ hai con sẽ góp phần cải thiện mức sinh của thành phố, kéo dài được thời kỳ cơ cấu dân số vàng, làm chậm lại quá trình già hóa dân số.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, nhằm nâng cao chất lượng dân số, ngành y tế thành phố sẽ triển khai các chương trình cung cấp thông tin, tư vấn cho cộng đồng về kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản trước khi kết hôn và trong giai đoạn thai kỳ; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại trạm y tế.

Ngành y tế đặt mục tiêu trên 50% cặp nam nữ có nhu cầu kết hôn sẽ được khám, tư vấn về sức khỏe sinh sản; 80% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản, vị thành niên và thanh niên được cung cấp thông tin và thụ hưởng các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số; 100% người cao tuổi được thụ hưởng các gói khám sức khỏe tại trạm y tế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại