Khi ông Putin cất "quả đấm sắt" để trình diễn "uy lực ngầm" và chiến thuật mới

Trương Mạnh Kiên |

Các chiến thuật "nắm đấm sắt" dường như không còn được Điện Kremlin ưa chuộng, thay vào đó là sự pha trộn tinh vi hơn giữa sức mạnh mềm và đe dọa quân sự ngầm.

Binh sĩ Armenia và binh sĩ gìn giữ hòa bình Nga.

Binh sĩ Armenia và binh sĩ gìn giữ hòa bình Nga.

Vứt bỏ “quả đấm sắt”

Cuộc chiến tàn khốc giữa AzerbaijanArmenia ở khu vực Nagorno-Karabakh đã chuyển thành một thỏa thuận đình chiến do quân đội Nga thực thi.

Đối với Nga, từ lâu vốn được biết đến là thế lực thống trị ảnh hưởng ở khu vực Caucasus, vai trò kiến ​​tạo hòa bình giống như một công tắc thay đổi - một thử nghiệm và là cơ hội mới để quốc gia này tiếp tục duy trì ảnh hưởng của mình ở các vùng đất thuộc Liên Xô cũ.

“Họ nói rằng mọi thứ sẽ ổn thôi”, Svetlana Movsesyan, 67 tuổi, người Armenia, sống ở thủ phủ Stepanakert của Nagorno-Karabakh, nói với tờ The New York Times. “Tôi tin vào Vladimir Vladimirovich Putin".

Tổng thống Nga được ghi nhận là đã làm mọi cách để ngăn chặn cuộc chiến khiến hàng nghìn người thiệt mạng hồi tháng 9 vừa qua, trong cuộc giao tranh ác liệt nhất mà miền Nam Caucasus từng chứng kiến ​​trong thế kỷ 21.

Khi ông Putin cất quả đấm sắt để trình diễn uy lực ngầm và chiến thuật mới - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Nhưng ông Putin đã làm như vậy mà không dùng đến “quả đấm sắt” truyền thống mà Nga thường sử dụng trong các cuộc xung đột khu vực khác ở thời hậu Xô Viết như căng thẳng ở Gruzia và Ukraine.

Trên thực tế, những chiến thuật mạnh tay đã biến những quốc gia nói trên thành kẻ thù không đội trời chung với Nga. Các nhà phân tích cho rằng Điện Kremlin cảm thấy cách thức đó không còn hợp thời. Quốc gia này đang ngày càng áp dụng sự pha trộn tinh vi hơn giữa quyền lực mềm và cứng.

Hành động mềm mỏng của Điện Kremlin đã được thể hiện trong cuộc khủng hoảng gần đây của Belarus, nơi Nga hạn chế can thiệp trực tiếp và chỉ đưa ra sự ủng hộ nồng nhiệt đối với Tổng thống Aleksandr G. Lukashenko.

Trong các cuộc đàm phán chấm dứt chiến tranh gần đây, ông Putin đã dựa vào uy lực từ sức mạnh quân sự của Nga để buộc cả hai bên phải nhượng bộ trong cuộc xung đột nhưng vẫn duy trì sự tin tưởng đối với cả hai bên.

Nga có hiệp ước phòng thủ với Armenia, nhưng ông Putin khẳng định điều đó không áp dụng với vấn đề Nagorno-Karabakh. Bên cạnh đó, ông cũng duy trì quan hệ cá nhân chặt chẽ với Tổng thống Ilham Aliyev của Azerbaijan.

Chiến lược này dường như đã mang lại hiệu quả tức thì, cung cấp cho Điện Kremlin một chỗ đứng quân sự trong khu vực, đưa Armenia vào quỹ đạo ảnh hưởng vừng chắc của Nga mà không khiến Azerbaijan rời xa.

“Đây là một cơ hội để đóng vai người gìn giữ hòa bình theo đúng nghĩa cổ điển”, Andrei Kortunov, chuyên gia tại Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga cho biết. “Tôi muốn hy vọng rằng chúng ta đang chứng kiến một quá trình học hỏi và sự thay đổi trong chiến lược của Nga trong không gian hậu Xô Viết”.

Đòn bẩy còn thiếu

Sau một phần tư thế kỷ thất bại về mặt ngoại giao, Azerbaijan bắt đầu cuộc tấn công vào ngày 27/9 để chiếm lại khu vực Nagorno-Karabakh bằng vũ lực và đạt được lợi thế nhanh chóng một phần nhờ vào các máy bay không người lái tinh vi do Israel và Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất.

Nguy cơ một trận chiến lớn nổ ra và thương vong hiện hữu, Tổng thống Putin đã nỗ lực môi giới một lệnh ngừng bắn. Azerbaijan vô tình bắn rơi một máy bay trực thăng của Nga, càng mở ra lý do để Moscow can thiệp.

Tổng thống Nga đưa ra một tối hậu thư cho Azerbaijan mà nhiều người cho rằng đó là lời cảnh báo sẽ có hành động quân sự.

Cùng đêm đó, một tên lửa không rõ xuất xứ đã bắn vào một khu vực trống ở Baku, theo các nguồn tin Azerbaijan. Một số người nghi ngờ rằng đó là tín hiệu từ Nga với thông điệp họ đã sẵn sàng tham chiến và có khả năng gây ra thiệt hại đáng kể.

Vài giờ sau, ông Putin tuyên bố một thỏa thuận hòa bình, và Tổng thống Azerbaijan lên truyền hình thông báo rằng mọi hoạt động quân sự sẽ dừng lại.

Thủ tướng Nikol Pashinyan của Armenia cho biết ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận lệnh ngừng bắn nếu không muốn đối mặt với viễn cảnh đổ máu nhiều hơn trên chiến trường.

Khi ông Putin cất quả đấm sắt để trình diễn uy lực ngầm và chiến thuật mới - Ảnh 3.

Cuộc chiến ở Nagorno-Karabakh đã gây ra những thiệt hại đáng kể cho cả hai bên.


Azerbaijan coi thỏa thuận này như một chiến thắng, khi phần lớn lãnh thổ do Armenia kiểm soát ở Nagorno-Karabakh được trả lại cho Azerbaijan. Nhưng Baku cũng phải thỏa hiệp với việc cho phép gần 2.000 quân Nga hoạt động như những người gìn giữ hòa bình đóng quân trên lãnh thổ Azerbaijan.

Đây là một lợi ích chiến lược đối với Nga, mang lại cho Moscow một chỗ đứng quân sự ngay phía Bắc Iran, nhưng cũng là một rủi ro vì nó đặt quân đội Nga vào giữa một trong những cuộc xung đột sắc tộc khó hàn gắn nhất thế giới.

Giờ đây, Nga sẽ đóng vai trò quan trọng trong tương lai của Nagorno-Karabakh, với tình trạng lâu dài của khu vực vẫn chưa rõ ràng.

Tuy nhiên, thỏa thuận mà ông Putin đưa ra dường như cũng phù hợp với Azerbaijan, khi tiếp diễn cuộc chiến cũng sẽ khiến nước này gánh chịu tổn thất và phải đối mặt với viễn cảnh khó khăn hơn vào mùa Đông sắp tới.

“Tôi không nghĩ Azerbaijan cần phải thuyết phục nhiều”, Thomas de Waal, thành viên cấp cao của Carnegie Europe, nêu quan điểm. "Tổng thống Azerbaijan coi trọng mối quan hệ của mình với Nga".

Đối với Armenia, nhiều người đã tìm cách xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với phương Tây trong những năm gần đây, nhưng cuộc chiến này là một lời nhắc nhở khắc nghiệt rằng: Nga vẫn quan trọng đối với an ninh của họ.

Bởi vì đồng minh chính của Azerbaijan - Thổ Nhĩ Kỳ - đặt ra thứ mà người Armenia coi là mối đe dọa hiện hữu, người Armenia đã quay trở lại “vị trí mặc định của mình và thừa nhận Nga là vị cứu tinh”, Richard Giragosian, một nhà phân tích chính trị ở Yerevan, thủ đô của Armenia thừa nhận.

“Armenia hiện đang bị khóa chặt hơn bao giờ hết trong quỹ đạo của Nga, với các lựa chọn hạn chế và thậm chí còn ít chỗ để linh động hơn. An ninh tương lai của Nagorno-Karabakh hiện phụ thuộc vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga, điều này mang lại cho Moscow đòn bẩy mà họ thiếu”, Giragosian kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại