Nhưng, tẩy nốt ruồi ở đâu và sao cho đảm bảo được hai yêu cầu: phải an toàn và đạt hiệu quả thẩm mỹ cao thì lại là điều không phải ai cũng biết…
Nốt ruồi duyên... thực chất là gì?
Nốt ruồi (melanocytic nevi) thực chất là một dạng nevi sắc tố ở da, mỗi người đều có tế bào sản xuất hắc tố rải đều trong da, quyết định màu da sáng, tối khác nhau. Khi các tế bào này tập trung nhiều hơn tại một điểm sẽ tạo nên nốt ruồi.
Nốt ruồi thường xuất hiện từ nhỏ nhưng cũng có khi lớn lên mới mọc, có thể xuất hiện ở các nơi trên cơ thể nhưng vị trí hay gặp là vùng da hở như mặt, cổ, nơi tiếp xúc nhiều với ánh sáng, thường là lành tính nhưng nếu ở các vị trí cọ xát nhiều gây ngứa hoặc chảy máu có thể dẫn đến ung thư hắc tố (melanoma), một dạng ung thư da ác tính.
Rất cần sự tư vấn của bác sĩ
Xử lý nốt ruồi đơn giản, nhưng xử lý an toàn, chính xác, không biến chứng thì không phải cơ sở nào cũng làm được. Hầu hết các cơ sở y tế lớn đều có khoa thẩm mỹ hay laser có dịch vụ tẩy nốt ruồi. Chúng được xử lý bằng đốt điện, tia laser, phẫu thuật. Với các nốt ruồi nhỏ <1cm2 nên điều trị bằng tia laser.
Tẩy nốt ruồi bằng tia laser có nhiều ưu điểm hơn (ít đau, kiểm soát được mức độ sâu của tổn thương, kích thích liền sẹo đẹp...). Với các nốt ruồi >1cm2 nên xử lý bằng phẫu thuật để đảm bảo tính thẩm mỹ.
Tuy nhiên, trước khi tẩy nốt ruồi nên được khám trước (vì có nhiều đặc điểm hình thái giúp BS xác định nốt ruồi lành tính hay ác tính). Nhưng ngay cả bác sĩ, bằng mắt thường cũng khó phân biệt được nốt ruồi lành với các u hắc tố.
Chỉ khi làm xét nghiệm, giải phẫu bệnh lý mới có kết quả chính xác nhất. Nếu là các u hắc tố, bệnh nhân cần được theo dõi, điều trị bằng phẫu thuật bởi không nên tác động vào các u hắc tố (ung thư da) dù bằng phương pháp laser hay đốt điện sẽ kích thích tế bào ung thư phát triển nhanh, xâm lấn và di căn đến nhiều bộ phận khác trên cơ thể.
Các bác sĩ khuyến cáo, muốn xóa nốt ruồi, người bệnh nên đến cơ sở y tế chuyên khoa, có uy tín để được tư vấn, thăm khám và điều trị theo chỉ định của BS. Sau khi tẩy nốt ruồi, nếu thấy có biểu hiện loét, sưng tấy, ngứa, rỉ máu... cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và điều trị.
Những người có quá nhiều nốt ruồi trên cơ thể, nhất là những nốt ruồi có kích thước to nên đi khám định kỳ nhằm phát hiện sớm các u hắc tố.
Thận trọng... hậu làm đẹp
Chị L.A. (Hoàng Mai, Hà Nội) đã đến một bệnh viện có tiếng ở Hà Nội để tẩy nốt ruồi nổi khá lớn trên ngực bằng kỹ thuật đốt laser. Tuy nhiên, 3 tuần sau, vết thương vẫn không lành. Ngực chị sưng tấy, đau đớn và nổi mụn nước...
Chị đi khám da liễu thì được biết đó là bệnh chàm vi trùng (bệnh nhiễm trùng nổi mụn nước thành từng đám, mà xuất phát là từ một vết thương nhỏ). Tuy nhiên, chị không hiểu vì sao mình lại bị nhiễm trùng khi chị đã đi tẩy nốt ruồi ở bệnh viện uy tín và suốt những tuần sau khi tẩy, chị vẫn chăm chỉ dùng cồn và cả ôxy già để sát khuẩn vết thương "cho chắc"!?
Theo các bác sĩ giải thích, thực chất phương pháp tẩy nốt ruồi bằng kỹ thuật laser hay đốt điện là đốt bỏ phần mụn ruồi và tạo ra một vết bỏng nhỏ ở nơi đốt. Các mạch máu bị hở, do đó dịch lỏng chảy ra như một cơ chế tự vệ.
Khi đó, nếu dùng cồn hoặc ôxy già để sát trùng, do khả năng hoạt động mạnh nên chúng sẽ phá vỡ các tế bào non mới hình thành, làm vết thương bị "bỏng hai lần", rất lâu lành.
Chính trong quá trình này, vết thương dễ bị nhiễm trùng và nếu để quá lâu, sẽ gây ra phản ứng chàm hóa, thành bệnh như chị L.A. Do vậy, bác sĩ khuyến cáo sau khi tẩy nốt ruồi, bệnh nhân chỉ cần dùng nước muối sinh lý nhạt (1 phần nghìn) để sát trùng và xanh metylen để làm khô vết thương là đủ.
Xin đừng liều với sức khỏe
Ngày nay, các cửa hàng cắt tóc, thẩm mỹ viện đua nhau mọc lên như nấm và thường tiệm nào cũng kèm theo dòng chữ: Đặc biệt tẩy nốt ruồi "tốc hành", xăm môi, xăm mắt...
Khách vào đây thường được tẩy nốt ruồi với "phương pháp" rất đơn giản. Không cần rửa sạch da bằng thuốc sát trùng, bà chủ thẩm mỹ lấy que tăm thọc vào lọ thuốc có màu hồng đựng trong lọ thuốc nhỏ mắt cũ, không nhãn mác, rồi bôi lên nốt ruồi, chờ ít phút sau lại bôi thêm một lớp nữa.
"Được rồi, em về nhà trong 5 ngày phải giữ chỗ này cho khô mới nhanh lành và không bị sưng đỏ", bà chủ căn dặn. Ít phút sau, nếu nốt ruồi của bạn ửng đỏ, phần nốt ruồi bị lún vừa rát vừa ngứa thì lập tức được trấn an: "Thuốc đang phát huy tác dụng để làm nốt ruồi bị lóc ra, em đừng lo, chị bảo đảm 5 ngày sau sẽ hết".
Nhưng, theo các bác sĩ chuyên khoa khẳng định, "thuốc" tẩy nốt ruồi được sử dụng tràn lan tại các cửa hàng thẩm mỹ, quán gội đầu thực chất là axit loãng, bôi trực tiếp để nốt ruồi bong ra và tan biến bởi nhiệt độ cao nhưng rất dễ gây ra hoại tử da dẫn đến viêm nhiễm.
Một số nơi còn tẩy bằng cách bôi các hóa chất, vôi, pin đèn... các loại "thuốc" tẩy nốt ruồi này đều không đáng tin cậy, có khả năng chứa chì, kim loại nặng... đặc biệt nguy hại cho sức khỏe. Tấy nổt ruồi ở những nơi này vô cùng nguy hiểm, dễ gây biến chứng, để lại sẹo xấu hay các tổn thương sắc tố khác, nguy cơ nhiễm trùng như ngứa, mẩn đỏ, rỉ máu kéo dài... là rât cao, cần phải tránh xa.