Sự việc không ai mong muốn - Pam bị lập group antifan đã trôi qua được hơn 1 tuần. Mọi việc gần như không có gì đổi khác. Pam vẫn lên sóng cùng ba mẹ, vẫn vâng lời người lớn cười chào với các fan hay cô chú mà thực chất phần lớn chỉ là màn hình điện thoại. Pam vẫn đến lớp, vẫn về nhà và sống cuộc sống của một idol nhí mà bản thân em cũng chưa ý thức rõ nó có hình thù thế nào.
Khi quan điểm "Khi sự nổi tiếng chưa chắc là món quà" được đưa ra để nói về cuộc sống hiện tại của Pam và những điều em có thể sẽ phải đối mặt khi lớn lên, đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của người lớn trong việc bảo vệ hình ảnh của con trẻ, rất nhiều người đã quyết định cùng lên tiếng.
“Thích Pam nhưng không thích cách bố mẹ em đang xây dựng cho em”, một ý kiến được cho là ngắn gọn nhưng đủ sức khái quát nhìn nhận chung những người ủng hộ quan điểm: Nổi tiếng sớm chưa chắc là món quà dành cho trẻ con nói chung, Pam nói riêng.
Những lập luận cho quan điểm ấy đã được đưa ra rất chi tiết tại đây.
Quan điểm này vẫn thu hút rất nhiều ý kiến chia sẻ, góp ý của những người yêu thương Pam ở hiện tại. Không khó để bắt gặp những status nói về chủ đề này hút hàng trăm, hàng nghìn like. Họ share ý kiến của một ai đó cùng suy nghĩ với mình và cũng bắt đầu nói lên điều mình đang nghĩ, mong có một sự thay đổi nào đó sớm diễn ra, ít nhất là hạn chế tần suất Pam lên sóng “chu chu" để làm vui lòng ai đó mà em thậm chí còn không biết mặt.
Pam chỉ là em bé 2 tuổi, không có trách nhiệm phải “chữa lành” cho ai cả
Bên cạnh những người im lặng tiếp tục like share và tương tác với những nội dung về Pam do Salim đăng tải sau những sự kiện gây khó chịu. Thì cũng có hàng trăm người chọn nói ra suy nghĩ của mình.
Họ không có ác ý tấn công hay công kích một ai, mà ngược lại, rất muốn xây dựng để bảo vệ cô bé đáng yêu. Vì một chuyện tiêu cực đã xảy ra với Pam thì không có gì để chắc chắn rằng không có những điều thứ 2, thứ 3 chẳng mong muốn khác sẽ đến.
“Mình đồng tình với quan điểm sự nổi tiếng chưa chắc đã là điều tốt cho Pam. Mới 2 tuổi thôi mà đã được bố mẹ phong cho danh hiệu đại sứ khách sạn, quảng cáo brand skincare người lớn, để bạn bè đăng tải hình ảnh nhạy cảm của em lên mạng. Đến việc riêng tư như đi du lịch, bố mẹ cũng nhận booking của khách sạn. Nhiều người sẽ nói dùng tiền kiếm được để nuôi bé, nhưng KHÔNG. Có nhiều cách khác mà! Không thể bắt con kiếm tiền để nuôi chính nó bằng những hình ảnh khóc lóc, ăn uống tèm lem, rất không đẹp. Sau này bé lớn lên bé cảm giác ra sao. Nên rất mong bố mẹ em suy nghĩ lại”, Linh Hi bày tỏ.
Ngoài việc đi học mẫu giáo, làm KOL, việc Pam gần như “phủ sóng" ở các kênh từ bố mẹ cho đến công ty gia đình, cũng khiến người xem tự hỏi một em bé 2 tuổi có đang “gánh vác" quá nhiều thứ không thể tưởng tượng nổi hay không?
Số đông đang dần đan xen giữa những suy nghĩ rằng việc Pam xuất hiện với những khoảnh khắc đáng yêu trên MXH chỉ đơn thuần với mục đích là bố mẹ em đang tự hào về con, muốn chia sẻ hình ảnh đáng yêu của con với mọi người hay lưu giữ kỷ niệm. Đâu đó vẫn có yếu tố gây lấn cấn.
“Mình rất thích Pam, cực kỳ thích Pam vì em có ngoại hình quá đáng yêu. Pam cũng rất dễ thương và ngoan ngoãn, lễ phép. Nhưng lâu dần mình bắt đầu thấy không thiện cảm khi em mới 2 tuổi, bố mẹ phong em làm đại sứ cho khách sạn, nhận làm gương mặt thương hiệu cho nhãn hàng, đến việc riêng tư như đi du lịch, bố mẹ Pam cũng nhận booking rồi cho em lên sóng. Điều này khiến mình thấy bố mẹ Pam không còn đơn thuần đăng tải hình ảnh cute hay lưu giữ kỷ niệm của bé nữa rồi”, Thảo Phương bày tỏ.
Đồng tình với quan điểm này, nhiều người cũng cho rằng hình ảnh của Pam đang xuất hiện quá dày đặc. Đồng nghĩa với việc thay vì đi học, đi chơi nhà bóng vô tư như những bạn nhỏ khác cùng lứa tuổi, Pam liên tục phải đi theo bố mẹ dù trời nắng hay mưa, phải diễn hoạt dưới ánh đèn studio và trước hàng loạt máy quay, ống kính,... Không ít người đã bắt gặp khoảnh khắc Pam nằm ngủ gục trên vai mẹ trong thời tiết oi bức hay việc em khóc khi gặp người lạ nhưng vì “chiều fan” mà mẹ vẫn để fan lại gần.
Khánh Ngọc bình luận: “Cảm thấy ba mẹ em đang làm content nhiều quá. Nội dung video nào cũng dạy con lấy lòng mọi người. Có lần em bé khóc khi gặp người lạ (fan của Pamyeuoi), kiểu như bé không muốn lại gần mà mẹ còn để họ tiến tới chỉ vì chiều lòng fan trong khi con khóc um sùm.
Hay cả clip Pam đi tiêm, em bị đau và khóc nấc lên nhưng mẹ vẫn giữ nguyên máy quay để con hoàn thành câu chào các cô, rồi còn bắt con nói “chu chu” chỉ để đổi lại những lời khen dễ thương, đáng yêu trong khi bé nước mắt lã chã. Và rồi những khoảnh khắc đó cũng tràn lan trên khắp các page”.
Cũng chính bởi vậy mà nhiều người cho rằng đây là lý do vì sao đa số người nổi tiếng đều không công khai hoặc khoe ảnh con quá nhiều trên MXH. Bởi một khi chấp nhận làm social là phải chấp nhận cả việc bị soi mói, điều tiếng, thị phi vì… không thể nào làm hài lòng tất cả mọi người.
“Muốn con không bị nhận những ý kiến tiêu cực, hãy để con bình thường như bao đứa trẻ khác. Còn định hướng làm người của công chúng, là đẩy con vào việc có người yêu quý, có người không thích, đó là cuộc sống. Nhiều người nổi tiếng họ chọn giấu kín danh tính con cũng vì vậy, bởi đôi khi một hành động nào đó của bố mẹ không được lòng mọi người, con cái vô tội cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. Mình thích Pam nhưng không thích cách bố mẹ em đang xây dựng cho em”, Minh Tuấn viết.
Chẳng ai biết điều gì có thể sẽ xảy ra, những người xa lạ trên MXH vì rất yêu quý Pam nên họ đang nói ra những lo lắng rất thực tế cho em, mong hình ảnh của em được chính ba mẹ kiểm soát chặt hơn. Không nhất thiết phải quay vlog, cập nhật liên tục cuộc sống 1 ngày, 1 tuần của em đi đâu chơi gì. Không nhất thiết phải duy trì tần suất content về em để tăng tương tác, hay tạo content cùng em chỉ để làm vui lòng ai đó đang ngồi phía sau màn hình điện thoại. Vì Pam chỉ là một em bé đáng yêu 2 tuổi, trách nhiệm của Pam không phải để người lớn vui vẻ hay “được chữa lành”. Những thứ đó quá xa lạ với bất cứ một em bé nào.
“Từ lúc mẹ Pam công khai tên thật Pam với cả ngày tháng năm sinh (trong giấy nhập học cũ) tôi đã thấy giật mình. Đã vậy còn cứ bắt Pam phải chào, rồi còn cho fan chạm vào bé nữa. Bây giờ tôi thấy càng yêu em thì càng nên ngừng tương tác với các content của em. Pam xứng đáng được đối xử và sống như những em bé khác chứ không phải trở thành 1 "sản phẩm chữa lành" như hiện tại”, Chi Vũ viết.
Bố mẹ hãy chậm lại
Ai cũng biết bố mẹ yêu con và thích được đem khoe con với cả thế giới. Việc lập cả tài khoản riêng cho con hay đưa con lên sóng, cùng livestream, làm content xây kênh… giờ không chỉ có nghệ sĩ, KOL hay bố mẹ nào nhiều follow mới nghĩ đến. Mà ngay cả những gia đình bình thường cũng chọn cách này với suy nghĩ có nơi lưu lại kỉ niệm cho con.
Nhưng trong đó, nhiều người lớn coi chiếc tài khoản ấy, những hình ảnh ấy như một “món quà” để tặng khi con lớn lên và đơn giản nghĩ rằng: “Con thật sướng khi sở hữu một tài khoản có cả chục, cả trăm nghìn hay triệu người theo dõi. Điều mà các KOL khác có muốn cũng chưa có được”.
Thế nhưng, có được bao nhiêu bố mẹ đem câu hỏi để hỏi ngược lại con mình: Liệu con có thực sự thích/cần “món quà” đó? Không phải ai cũng thích sự nổi tiếng, không phải ai cũng thích phơi bày toàn bộ cuộc sống của mình với những người xa lạ. Chưa kể, việc yêu thích một ai đó trên mạng chỉ là thứ mang tính thời điểm, không bền vững cũng không có gì đảm bảo “mấy chú dì trên mạng” sẽ yêu thích chúng suốt đời.
Một dân mạng bình luận thế này: “Những người yêu thích Pam phần đông là những người thích trẻ con, thích những em bé xinh xắn, đáng yêu. Và khi Pam lớn lên, họ sẽ tìm những đứa trẻ khác để hâm mộ”.
Thực tế đã chứng minh, sẽ rất khó để những bạn nhỏ nổi tiếng từ sớm vượt qua cái bóng của chính mình hay những áp lực mà cả bố mẹ và người ngoài đặt lên vai. Cứ nghĩ đến điều đó, đâu ai biết bố mẹ của em bé hay chính em bé (ở phiên bản trưởng thành) phải đối diện với điều gì.
Bản thân chúng ta cũng có bao giờ muốn những hình ảnh không hoàn hảo hay một tật xấu nào đó của mình ngày bé bỗng “xì" ra trên MXH hay trước mặt những người mình cho rằng không đủ thân thiết để nhìn thấy chúng. Ngượng ngạo, xấu hổ, oán trách… là những tâm lý sẽ xuất hiện khi ai đó tung ra những bí mật hồi nhỏ mà bạn muốn “giấu đi". Quá khứ cũng cần được “riêng tư", và khi bố mẹ phơi bày tất cả về hình ảnh ấu thơ ấy để “làm content" trong lúc những em bé còn chưa đủ ý thức về nó, không biết lớn lên chúng sẽ phản ứng thế nào?
Hãy chậm lại, dù cho sự yêu thương mến mộ quá lớn của người xung quanh khiến bố mẹ cảm thấy tự hào, nhưng sự hồn nhiên và hành trình lớn lên của con mới là điều cần suy nghĩ thấu đáo.
“Dù không phải là 1 fan cứng của Pam nhưng mình nghiêm túc nghĩ đến tương lai rằng sau này khi em biết dùng điện thoại, em tìm kiếm về mình hồi bé, em sẽ đọc các tin tức về bố mẹ em, về em, em sẽ có cảm giác thế nào. Lúc học lớp 1, bạn bè sẽ đối xử với em sao? Chỉ thế thôi cũng đủ thấy hoảng sợ… Mong tuổi thơ em vui vẻ bình thường như những đứa trẻ khác", Tranh Mạc nói.
“Mình cũng như mọi người, rất thích Pam nên rất mong bố mẹ em có thể chậm lại, lắng nghe những góp ý của người hâm mộ. Những người yêu quý Pam như chúng mình sẵn sàng chờ đợi, cho dù Pam có xuất hiện ít lại nhưng nếu là tốt cho em, mình vẫn luôn ủng hộ”, một bình luận của Kim Nguyễn.