Khi ngành giáo dục “nói không” với quà tặng Ngày Nhà giáo Việt Nam

ĐẶNG CHUNG |

Không nhận hoa, nhận quà dưới mọi hình thức; không tổ chức tiếp khách, tiếp đón phụ huynh, học sinh tại nhà giáo viên… là những quy định tại một số nơi nhân dịp kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11.1982 – 20.11.2017).

Trang trọng nhưng tiết kiệm

Ngày 20.11 hằng năm, mỗi thầy cô giáo đều rộn ràng trong không khí của ngày tri ân. Học sinh, sinh viên mong muốn gửi tới thầy cô những món quà để tỏ lòng biết ơn.

Về phía ngành giáo dục, vì mong muốn tổ chức lễ tri ân tiết kiệm, không rình rang, không “làm khó” phụ huynh, nhiều địa phương đã ra các văn bản tuyên bố không nhận hoa, quà, tiếp khách trong ngày này.

Ngày 9.11, Sở GDĐT tỉnh Khánh Hòa thông báo tới các Phòng GDĐT, các trường học trực thuộc tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2017 tại trường học trang trọng nhưng hết sức gọn nhẹ, lưu ý không tổ chức văn nghệ, liên hoan…

Đặc biệt, thầy cô giáo không tiếp đón học sinh và cha mẹ học sinh đến chúc mừng tại nhà riêng.

Thay vào đó, giáo viên, cán bộ tổ chức đi thăm hỏi các nhà giáo lão thành, có hoàn cảnh khó khăn, đang chịu nhiều thiệt hại do bão, lũ gây ra.

Sở GDĐT Quảng Nam cũng vừa có thông báo đến các Phòng GDĐT, đơn vị trực thuộc với nội dung: Để 20.11 thực sự là ngày hội của các thầy, cô giáo và học sinh, Sở GDĐT yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện một số nội dung như: Đối với những đơn vị bị ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua, khẩn trương dọn dẹp vệ sinh, sớm ổn định nền nếp dạy học; tham mưu với cấp ủy, chính quyền để thăm hỏi, động viên thầy cô giáo vượt qua khó khăn.

Tại TPHCM, Sở GDĐT cũng có văn bản với nội dung không tổ chức đón tiếp các đoàn đến chúc mừng và không nhận hoa, quà tặng chúc mừng tại trụ sở cơ quan.

Ông Lê Hồng Sơn – GĐ Sở GDĐT TPHCM – cho biết, lý do chỉ nhận thiếp chúc mừng qua thư điện tử, vì ngành giáo dục thành phố mong muốn có một mùa lễ kỷ niệm trên tinh thần thân ái và tiết kiệm.

Không để việc tặng quà bị “biến tướng”

Đánh giá về việc tuyên bố không nhận quà tặng, không tổ chức liên hoan, mitting, biểu diễn văn nghệ mừng Ngày Nhà giáo ở một số địa phương, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội – cho rằng đây là hành động thể hiện tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí của ngành GDĐT, rất đáng ủng hộ và nhân rộng.

Còn theo GS-TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, với truyền thông tôn sư trọng đạo của dân ta, việc tặng quà cho thầy cô là việc làm không xa lạ, thậm chí thể hiện sự trân trọng, biết ơn với người đã có công dạy dỗ mình.

Việc tặng quà chỉ đáng lên án khi nó bị biến tướng, trở thành động cơ mưu cầu thực dụng, thương mại hóa. Khi tặng quà bị biến tướng, nó sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình phụ huynh và ảnh hưởng xấu tới cả xã hội.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại