Nghị định áp dụng đối với các loại tàu bay có người lái bay trên vùng trời Việt Nam
Bộ Tư pháp đang thẩm định dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định thể thức bay chặn (ngăn chặn không cho máy bay tiếp tục vi phạm), bay kèm (dẫn dắt máy bay đến khi kết thúc vi phạm), bay ép (ép buộc máy bay vi phạm phải hạ cánh tại sân bay của Việt Nam) đối với các tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam. Dự thảo do Bộ Quốc phòng xây dựng.
Theo Bộ Quốc phòng, những năm qua, các đơn vị quân đội đã triển khai, thực hiện tốt chức năng của Bộ Quốc phòng về công tác quản lý vùng trời, quản lý các hoạt động bay, xử lý kịp thời các tình huống, bảo đảm an toàn cho hoạt động hàng không dân dụng và quân sự. Các đơn vị không quân thường xuyên tổ chức bay huấn luyện nội dung bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm.
Tuy nhiên, do chưa được quy định bằng các văn bản quy phạm pháp luật, chưa có cơ sở pháp lý để các lực lượng thuộc các Bộ, ngành khác nhau hiệp đồng tổ chức huấn luyện, diễn tập nên khi có tình huống liên quan đến vụ việc vi phạm trong vùng trời xảy ra còn gặp khó khăn, vướng mắc về cơ sở pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn trong phối hợp thực hiện.
Bên cạnh đó, từ thực tiễn về tình hình các vụ việc vi phạm về chế độ bay, quy tắc bay, khu vực cấm bay và khu vực hạn chế bay xảy ra trong thời gian qua và trong hời gian tới, trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, dự báo các hoạt động bay sẽ gia tăng nhanh chóng cả về số lượng, kiểu loại, tính chất và cường độ, đặt ra những khó khăn, thách thức không nhỏ cho công tác quản lý, bảo vệ vùng trời.
Tính chất hoạt động bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay tương đối phức tạp. Việc phát hiện các vi phạm, xác minh hành vi vi phạm yêu cầu phải được sự phối hợp nhịp nhàng giữa các lực lượng liên quan thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải, các Bộ, ngành và địa phương liên quan để kịp thời đưa ra quyết định xử lý chính xác.
Vì vậy, để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ vùng trời, sẵn sàng xử lý kịp thời các tình huống trên không, cần có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể việc sử dụng lực lượng không quân để bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm hạ cánh.
Nghị định áp dụng đối với các loại tàu bay có người lái bay trên vùng trời Việt Nam có hành vi vi phạm quy định về hoạt động bay; các tổ chức, cá nhân người Việt Nam và nước ngoài có hoạt động bay trong vùng trời Việt Nam và các cơ quan, đơn vị quản lý khai thác cảng hàng không, sân bay tại Việt Nam.
Các tình huống thực hiện bay chặn, bay kèm, bay ép hạ cánh
Nghị định quy định cụ thể về phương pháp, cách thức bay chặn, bay kèm và bay ép tàu bay vi phạm từ khi phát lệnh cho lực lượng bay chặn, bay kèm, bay ép cất cánh, tiếp cận tàu bay vi phạm; thiết lập tốc độ, giữ khoảng cách phù hợp bảo đảm an toàn và phi công của tàu bay vi phạm đủ nhìn thấy để tiếp nhận thông tin từ tàu bay bay chặn, bay kèm, bay ép.
Sau khi thiết lập tốc độ và khoảng cách, tiến hành phát ký, tín hiệu nhằm làm cho phi công vi phạm tiếp nhận thông tin và điều chỉnh hành vi vi phạm.
Trường hợp tàu bay bị bay chặn, bay kèm là khi tàu bay bay vào vùng trời Việt Nam chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép bay.
Đang bay trong vùng trời Việt Nam nhưng bay vào khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay hoặc không tuân thủ quy tắc bay.
Vi phạm chế độ bay nhưng không chấp hành hướng dẫn của cơ quan điều hành bay.
Trường hợp tàu bay bị bay ép hạ cánh tại các cảng hàng không, sân bay là khi tàu bay đang bay trong vùng trời Việt Nam bị can thiệp bất hợp pháp.
Tàu bay không thực hiện đúng phép bay hoặc khi đang bị bay chặn, bay kèm trong vùng trời Việt Nam nhưng không chấp hành hiệu lệnh của tàu bay bay chặn, bay kèm thì sẽ bị các lực lượng chức năng của Việt Nam tiến hành bay ép hạ cánh tại các cảng hàng không, sân bay để xử lý theo các quy định của pháp luật.
Phương thức bay chặn, bay kèm, bay ép hạ cánh các tàu bay vi phạm
Tàu bay bay chặn, bay kèm tiếp cận tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam thực hiện theo phương thức sau:
Tàu bay bay chặn, bay kèm tiếp cận tàu bay vi phạm từ phía sau bên trái hoặc bên phải phù hợp với điều kiện cơ động, quan sát sau đó thiết lập tốc độ và khoảng cách phù hợp bảo đảm an toàn, phát ra các ký, tín hiệu và hành động; đồng thời bảo đảm cho phi công (tổ bay) của tàu bay vi phạm có thể tiếp nhận các ký, tín hiệu và hành động từ tàu bay bay chặn, bay kèm.
Sau khi tàu bay vi phạm nhận được thông tin cần thiết và chấm dứt vi phạm, tàu bay bay chặn, bay kèm thoát ly khỏi khu vực.
Tàu bay bay ép tiếp cận tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam thực hiện theo phương thức sau:
Tàu bay bay ép tiếp cận tàu bay vi phạm từ phía sau bên trái hoặc bên phải phù hợp với điều kiện cơ động, quan sát sau đó thiết lập tốc độ và khoảng cách phù hợp bảo đảm an toàn, phát ra các ký, tín hiệu và hành động; đồng thời bảo đảm cho phi công (tổ bay) của tàu bay vi phạm có thể tiếp nhận các ký, tín hiệu và hành động yêu cầu hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay được chỉ định.
Sau khi tàu bay vi phạm hạ cánh an toàn tại cảng hàng không, sân bay được chỉ định, tàu bay bay ép thoát ly khỏi khu vực hoặc hạ cánh theo mệnh lệnh của chỉ huy bay quân sự.