Mỹ phẩm dùng cho trang điểm là vật dụng không thể thiếu của nhiều chị em - Ảnh: D.LIỄU
Theo bác sĩ Phạm Cao Kiêm - nguyên trưởng khoa thẩm mỹ, Bệnh viện Da liễu trung ương, mỹ phẩm bao gồm chất tẩy rửa cơ thể, chất dưỡng ẩm, chất khử mùi, bộ sản phẩm trang điểm, kem đánh răng được sử dụng hằng ngày, thường xuyên.
Khi sử dụng mỹ phẩm, một số hóa chất có trong mỹ phẩm có thể thấm qua da với số lượng đáng kể, đặc biệt là khi mỹ phẩm để lại trên da trong một thời gian dài.
Mỹ phẩm gây ung thư như thế nào?
"Hiện tại Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng của các loại mỹ phẩm có thể gây ra ung thư như thế nào. Tuy nhiên, một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy việc sử dụng một số loại hóa chất có thể làm tăng nguy cơ gây ung thư, phổ biến nhất là ung thư da.
Bên cạnh đó, những sản phẩm dưỡng da kém chất lượng cũng có thể gây ra nhiều biến chứng khác như nhiễm trùng da, ảnh hưởng sắc tố da, gây mụn, các loại dầu gội đầu kém chất lượng có thể gây viêm da đầu, rụng tóc...
Hiện đã có quy định về danh mục chất không được sử dụng, nếu được sử dụng thì quy định hàm lượng cho phép. Tuy nhiên việc kiểm soát lại không hề dễ dàng", bác sĩ Kiêm nhận định.
Theo bác sĩ Kiêm, mặc dù có quy định về các chất cấm trong mỹ phẩm nhưng không phải sản phẩm nào cũng ghi đầy đủ thành phần. Vì vậy, rất khó để người tiêu dùng có thể lựa chọn sản phẩm.
"Các chất hóa học không dễ đọc, dễ nhớ, vì vậy nhiều người tiêu dùng không thể biết được sản phẩm mỹ phẩm mình sử dụng có chứa chất cấm hay không.
Bởi vậy, để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, người tiêu dùng nên lựa chọn những sản phẩm có uy tín trên thị trường. Tránh mua, sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, có thể sử dụng các sản phẩm làm đẹp tự nhiên, ít hóa chất để sử dụng an toàn", bác sĩ Kiêm khuyến cáo.
Nhiều người bị ảnh hưởng bởi mỹ phẩm
Bác sĩ Lê Thái Vân Thanh, khoa da liễu - thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết nhiều người cho rằng dầu gội, sữa tắm, các sản phẩm chăm sóc da, trang điểm... sử dụng ngoài da, không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nhưng thực tế nếu chất lượng những sản phẩm này không đảm bảo, nguy cơ thẩm thấu qua hệ tuần hoàn, ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Ngoài ra ảnh hưởng trước mắt như gây kích ứng da đã ghi nhận nhiều.
Trong quá trình khám chữa bệnh tại khoa da liễu - thẩm mỹ da, bác sĩ Vân Thanh gặp nhiều nhất các trường hợp sử dụng các sản phẩm chăm sóc da và bị kích ứng ngay, hoặc bị dị ứng sau 2-3 tuần đến 3 tháng sử dụng.
Người bệnh đến bệnh viện trong tình trạng khô da, tróc vảy, nổi mề đay, da sần sùi và ngứa. Nhiều bệnh nhân không biết những mỹ phẩm sử dụng trước đó lại gây ra tình trạng này. Khi được giải thích, nhiều bệnh nhân thắc mắc: "Tôi chỉ sử dụng mỹ phẩm ở mặt mà dị ứng cả người?".
Điều đáng nói là nhiều bệnh nhân chỉ nghe người nổi tiếng quảng cáo "đã sử dụng" nên mua, sử dụng theo.
Cũng có không ít người không biết mỹ phẩm từng dùng có thể gây những triệu chứng trên da, nên khi dị ứng lại tưởng bị mắc giun, sán và đi khám.
Trước thực tế này, bác sĩ Thanh khuyên khi thấy có bất kỳ triệu chứng gì trên da cần ngưng các loại mỹ phẩm đang sử dụng, sau 1-2 ngày không thấy đỡ thì cần đến chuyên khoa da liễu khám ngay. Trong trường hợp triệu chứng trên da rầm rộ thì cần đến bác sĩ khám để được tìm nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Hàng loạt mỹ phẩm bị thu hồi vì chứa chất cấm
Đầu năm 2022, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) công bố thu hồi 1.468 phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm, trong đó có nhiều thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng. Ngoài một số sản phẩm thu hồi tự nguyện vì lý do thương mại, một số sản phẩm khác bị thu hồi do có chứa chất cấm gây ảnh hưởng sức khỏe.
Mới đây, Unilever đã thu hồi một số loại dầu gội đầu khô dạng xịt của một số thương hiệu Dove, Nexxus, Suave, TIGI và Tresemme tại Mỹ vì nghi ngờ có chứa benzen, một loại hóa chất có thể gây ung thư. Hiện Việt Nam thực hiện hài hòa quy định về quản lý mỹ phẩm theo Hiệp định chung ASEAN. Nhiều chất quy định không được sử dụng trong mỹ phẩm như: Biphenyl-2-ol; 2-Chlorobenzene-1,4-diamine (hay còn gọi là 2-Chloro-p-Phenylenediamine), muối sulfate và muối dihydrochloride; Lyral (HICC); Atranol; Chloroatranol...