Mới đây, tờ Jerusalem Post đăng tải bài phân tích của tác giả Yaakov Katz nhan đề: "When America sneezes, does Israel still get pneumonia?" (Khi Khi Mỹ hắt hơi, Israel sẽ bị viêm phổi?).
Nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn đa chiều trong bối cảnh cuộc "chạy nước rút" giữa 2 ứng cử viên tổng thống Mỹ đang diễn ra và ảnh hưởng của nó đối với Israel nói riêng và Trung Đông nói chung, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.
Khi Mỹ hắt hơi, Israel sẽ bị viêm phổi?
Vào tháng 5/1961, ông lão 74 tuổi David Ben-Gurion (Thủ tướng đầu tiên của Israel) đến nước Mỹ để gặp John F. Kennedy (JFK), tổng thống mới đắc cử.
Cách biệt 30 tuổi, JFK là tất cả những gì mà Ben-Gurion không có đó là cao ráo, đẹp trai, ăn nói khéo léo và được nuôi dưỡng trong một thế giới xa hoa. Đó là một Kennedy với sức hút đủ khả năng lôi cuốn cả nước Mỹ.
Ben-Gurion thì thấp bé, đậm người và nói giọng nặng. Ông là điển hình của một người cứng rắn và một chiến binh, người đã chỉ đường dẫn lối cho đất nước vượt qua những trận chiến mà không ai có thể tưởng tượng rằng họ sẽ giành chiến thắng.
Có một số chủ đề để hai nhà lãnh đạo thảo luận đó là chuyến viếng thăm của các nhà khoa học Mỹ tới lò phản ứng hạt nhân Dimona của Israel, yêu cầu mua vũ khí từ Mỹ của Israel, vai trò của người Nga trong khu vực và hơn thế nữa.
Vào đầu những năm 1960 người Mỹ đã hạn chế bán vũ khí cho Israel, và Ben-Gurion hy vọng ông có thể thuyết phục Kennedy cung cấp các loại vũ khí phòng thủ như hệ thống phòng không MIM-23 Hawk.
Vào cuối cuộc họp của họ tại khách sạn Waldorf Astoria ở New York, Kennedy đã hỏi Ben-Gurion rằng rốt cuộc ông có thể giúp gì cho Israel.
Ben-Gurion đã không ngần ngại trả lời: "Đó là bằng cách trở thành một tổng thống tuyệt vời của nước Mỹ".
Tổng thống Mỹ John F. Kennedy (JFK) và Thủ tướng Israel David Ben-Gurion trong cuộc hội đàm tại Nhà Trắng tháng 5/1961.
Một câu chuyện tương tự cũng được kể về Levi Eshkol, người kế nhiệm cương vị thủ tướng Israel sau Ben-Gurion.
Một ngày nọ, các cố vấn của Levi Eshkol đến gặp ông và thông báo về một đợt hạn hán.
"Ở đâu?" Eshkol hỏi. "Ở Negev (một khu vực hoang mạc và bán hoang mạc nằm về phía nam của Israel)", các cố vấn trả lời.
Vị thủ tướng Israel đáp lời: "Tạ ơn Chúa là nó không phải ở Mỹ, điều này có thể khiến tôi thực sự lo lắng".
Chính Eshkol đã có một nhận xét nổi tiếng khác mà ông dùng để mô tả mối quan hệ giữa Israel và Mỹ đó là: "Khi Mỹ hắt hơi, Israel sẽ bị viêm phổi".
Ý tưởng cốt lõi đằng sau những câu chuyện nói trên được Shimon Peres - người đã ở bên cạnh Ben-Gurion trong những năm đầu của Israel - và ông sẽ truyền đạt thường xuyên trong suốt 60 năm:
"Israel có thể sẽ cần sự giúp đỡ từ Mỹ với một hệ thống vũ khí hoặc thông tin tình báo cụ thể, nhưng cuối cùng thì điều quan trọng là nước Mỹ cần phải mạnh mẽ, bất kể tổng thống là ai hoặc có thể là ai".
Những lời nói của người từng giữ cả các cương vị thủ tướng và tổng thống Israel rất đáng để suy nghĩ trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra trong ít ngày nữa.
Cựu Tổng thống Israel Shimon Peres chào đón Tổng thống Mỹ Barack Obama tại buổi tiệc chiêu đãi được tổ chức để vinh danh ông Obama tại dinh thự của ông Peres ở Jerusalem vào tháng 3/2013.
Mối quan hệ "vai kề vai" của ông Netanyahu và ông Trump
Có những người cho rằng ông Donald Trump sẽ giữ cho nước Mỹ vững mạnh, cũng có những người khác cho rằng ông đã làm suy yếu vị thế của Mỹ trên thế giới và chỉ có ứng cử viên Joe Biden mới có thể khôi phục nước Mỹ trở lại như xưa.
Tuy nhiên đối với Israel, câu hỏi đi sâu hơn và vào cốt lõi của kiểu quan hệ mà nước này muốn duy trì với đồng minh thân cận nhất trên thế giới.
Mối quan tâm của Israel đối với chính trị Mỹ là điều hiển nhiên. Khi tình hình chính trị ở Mỹ trở nên thù địch và phân cực hơn, nhận thức về Israel cũng thay đổi.
Và một điều cần phải được nhấn mạnh là Thủ tướng đương nhiệm Benjamin Netanyahu đã không giúp gì cho tình hình này.
Trong suốt 8 năm của dưới thời Obama, ông Netanyahu đã công khai đối đầu với tổng thống Mỹ, không chỉ vì những bất đồng mà còn vì các mục đích chính trị, để cho cử tri Israel thấy lý do tại sao cần ông vào vị trí lãnh đạo họ, tức là chỉ có ông có thể chống lại kẻ mà ông gọi là "tổng thống thù địch".
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Mỹ Barack Obama vào năm 2016.
Khi ông Trump đắc cử, ông Netanyahu đã không tiếc lời khen ngợi vị tân tổng thống Mỹ. Sau 8 năm "khổ chiến", giờ đây ông phải chứng tỏ rằng chỉ mình ông mới có thể hòa hợp với một tổng thống Mỹ và gặt hái được những lợi ích chiến lược từ người đó.
Ngay từ đầu trong nhiệm kỳ của ông Trump, ông Netanyahu đã gọi vị tân tổng thống Mỹ là "người bạn tuyệt vời nhất" mà Israel từng có trong Nhà Trắng.
Không phải là "một trong những người bạn lớn nhất" mà là "người bạn tuyệt vời nhất".
Điều này có nghĩa là chỉ trong một bình luận duy nhất đó, thủ tướng Israel đã "xóa sổ" 12 người tiền nhiệm của ông Trump trong suốt 72 năm tồn tại của Israel. Không phải Truman, không phải Reagan, không phải Clinton và cũng không phải Bush. Không ai tốt như Trump.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tươi cười với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng vào ngày 25/3/2019 (Ảnh: AP).
Đây có phải là điều mà trách nhiệm của ông phải làm? Chắc chắn là không. Kể từ khi thành lập nhà nước, Israel đã được bảo vệ với sự ủng hộ của lưỡng đảng Mỹ.
Điều đó có nghĩa là bất kể ai đang ngồi trong Nhà Trắng, hay đảng nào kiểm soát Hạ viện hay Thượng viện Mỹ, Israel luôn nhận được sự hỗ trợ cần thiết.
Điều này đã được minh chứng bằng viện trợ quân sự khổng lồ, các hệ thống vũ khí tiên tiến và với sự ngầm hiểu rằng Israel có thể dựa vào quyền phủ quyết của Mỹ tại các phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Sự ủng hộ của lưỡng đảng Mỹ giờ không còn như trước đây và vì các lý do khác nhau. "Cuộc chiến" giữa Netanyahu và Obama cùng quyết định của ông (điều vẫn còn hằn in trong tâm trí của nhiều thành viên Đảng dân chủ Mỹ) đó là phát biểu trước Quốc hội Mỹ chống lại thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 và cách làm "ấm lòng" ông Trump bằng những cách chưa từng có.
Một quyết định của ông Netanyahu có thể làm "mếch lòng" ứng cử viên Biden vào tháng trước đó là khi ông ở Washington để ký thỏa thuận hòa bình với UAE và Bahrain.
Gặp một ứng cử viên khi gần đến kỳ bầu cử và hoàn toàn phớt lờ người kia đơn giản là điều không nên làm khi nói đến mối quan hệ giữa Israel và Mỹ.
Mặt khác, có những xu hướng chuyển dịch đáng lo ngại trong Đảng Dân chủ khi họ đang đi xa hơn khỏi Israel và đến gần các quốc gia thù địch với Tel Aviv.
Ứng cứ viên tổng thống Mỹ Joe Biden ra hiệu khi xuống máy bay ở sân bay Ben-Gurion, Israel khi còn đang trên cương vị Phó Tổng thống Mỹ vào năm 2016 (Ảnh Reuters).
3 "cột trụ" của Israel
Cách đây 15 năm, một trong những lãnh đạo tình báo hàng đầu của Israel đã nói với tôi (tác giả Yaakov Katz) rằng sức mạnh của Israel bắt nguồn từ ba cột trụ chính.
Đầu tiên là Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), quân đội mạnh nhất và sở hữu công nghệ quân sự tiên tiến nhất ở Trung Đông.
Thứ hai là năng lực hạt nhân của Israel. Mặc dù Israel không thừa nhận sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng cũng không phủ nhận. Sự không rõ ràng này càng nâng cao tính răn đe.
Cột trụ thứ ba đó là liên minh chiến lược Israel - Mỹ. Khi mối quan hệ đó bền chặt, kẻ thù của Israel sẽ nhận được thông điệp. Nhưng khi mối quan hệ đó yếu đi, kẻ thù của Israel cũng cảm nhận được điều đó.
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) vẫn sẽ tiếp tục là cột trụ đầu tiên và quan trọng nhất của Israel.
Để những cột trụ đó tiếp tục vững chắc, Israel phải ngừng rơi vào bẫy của cuộc chiến đảng phái trong chính trị Mỹ.
Obama có phải là tổng thống Mỹ đầu tiên mà một thủ tướng Israel đã công khai đối địch? Dĩ nhiên là không. Ronald Reagan đã ngừng giao tiêm kích cho Israel và để nghị quyết chống Israel được thông qua tại Hội đồng Bảo An.
Yitzhak Shamir đã chiến đấu với George HW Bush và bị quở trách bởi Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là James Baker, người nổi tiếng vì việc đã đưa ra số tổng đài của Nhà Trắng và sau đó nói với Israel: "Khi các anh nghiêm túc về hòa bình, hãy gọi cho chúng tôi".
Cho tới thời điểm hiện tại hoàn toàn không biết được ai sẽ giành chiến thắng vào ngày 3/11, nhưng họ đều biết cách chính trị hóa cuộc trò chuyện.
Có những người hiện đang so sánh hồ sơ của các ứng cử viên về cách ứng xử với Israel. Họ đề cập đến quyết định của ông Trump về việc chuyển đại sứ quán đến Jerusalem và rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran như bằng chứng cho những cam kết của ông với Israel.
Những người khác đề cập đến sự ủng hộ lâu dài của ông Biden đối với Israel trong Thượng viện và với tư cách là phó tổng thống Mỹ dưới thời ông Obama và chỉ ra thực tế rằng sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, ông Trump vẫn chưa có được một thỏa thuận mới.
Họ tuyên bố rằng thế giới còn lâu mới trở nên an toàn hơn.
Nhiều người cũng có xu hướng bị mắc kẹt trong các cuộc thăm dò, và tự hỏi làm tại sao nhiều người Do Thái Israel ủng hộ ông Trump trong khi lại có rất nhiều người Mỹ gốc Do Thái ủng hộ ông Biden.
Hình minh họa.
Họ coi sự khác biệt là một minh chứng cho sự chia rẽ và là một chất xúc tác khác cho sự rạn nứt ngày càng gia tăng giữa các cộng đồng người Do Thái.
Mặc dù sự khác biệt tồn tại, nhưng đó là cách mỗi cộng đồng cảm nhận và tiếp cận các vấn đề khác nhau mà họ phải đối mặt. Điều có thể làm là nhận ra lý do tại sao sự khác biệt tồn tại và sau đó tìm cách giải quyết vấn đề đó.
Khi ông Netanyahu "sát cánh" với ông Trump, ông đã không nghĩ đến tác động của nó đối với mối quan hệ của Israel với Đảng Dân chủ, hoặc nó sẽ khiến đa số người Mỹ gốc Do Thái, những người sẽ bỏ phiếu cho ông Biden cảm thấy thế nào.
Ông ấy chỉ suy nghĩ về lập trường chính trị của mình, và khả năng sẽ sớm tiến tới cuộc bầu cử mới của chính mình ở Israel. Nếu điều đó đồng nghĩa với việc một số thành viên của cộng đồng người Mỹ gốc Do Thái, thì hãy cứ để nó diễn ra.
Điều này không có nghĩa là Israel không chuẩn bị cho viễn cảnh chiến thắng của ứng cứ viên Biden. Việc kéo dài nhiệm kỳ của Giám đốc Mossad Yossi Cohen đến tháng 6/2021 chỉ để ông có thể tham gia quá trình chuyển đổi và giúp chính quyền mới của ông Biden ổn định.
Ở Israel, ông Cohen được cho là có mối quan hệ tốt nhất với Susan Rice khi bà làm cố vấn an ninh quốc gia của ông Obama. Nếu bà Rice được chọn làm ngoại trưởng của ông Biden, hãy hy vọng rằng ông Cohen sẽ là một trong những người đầu tiên đưa tay chúc mừng.
Sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, Israel phải tập trung vào những gì thực sự quan trọng và nhớ rằng bất kể ai thắng, đều phải biết cách làm việc với tân chủ nhân Nhà Trắng.
Ông Trump có phải là tổng thống Mỹ vĩ đại nhất đối với Israel từ trước đến nay? Sẽ không có câu trả lời vì bản thân câu hỏi này hoàn toàn không hợp lý.
Điều thực sự quan trọng là Mỹ là người bạn tuyệt vời nhất mà Israel từng có trên thế giới chứ không phải tổng thống Mỹ.
Yaakov Katz hiện là Tổng biên tập của The Jerusalem Post. Trước khi ở cương vị này, ông đã có gần một thập kỷ làm việc với tư cách là phóng viên quân sự và nhà phân tích quốc phòng của tờ báo.
Ông là tác giả của cuốn "Shadow Strike: Inside Israel's Secret Mission to Eliminate Syrian Nuclear Power" và là đồng tác giả của các cuốn "Weapon Wizards - How Israel Became a High-Tech Military Superpower" (với Amir Bohbot) và "Israel vs. Iran - The Shadow War" (với Yoaz Hendel).
Năm 2012-2013, ông là thành viên của Quỹ Nieman về Báo chí tại Đại học Harvard và là giảng viên tại Trường Mở rộng của Harvard, nơi ông dạy một khóa học nâng cao về báo chí.
Ông Biden khi ở cương vị Phó Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Israel Netanyahu trong một cuộc gặp vào năm 2010.