Khi miếng chanh trở thành "sát thủ": Bác sĩ cảnh báo cha mẹ cần biết điều quan trọng này

Tiểu Nhã |

Thói quen sử dụng chanh trị một số bệnh có từ xa xưa. Tuy nhiên theo các bác sĩ việc vắt chanh vào mắt, miệng trẻ sơ sinh sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe thậm chí gây nguy hiểm cho trẻ.

Suýt chết vì miếng chanh

Mới đây, bác sĩ Nguyễn Thanh Sang – Trường Đại học Y Dược TP.HCM, addmin diễn đàn Bác sĩ yêu con nít tại TP.HCM đã chia sẻ câu chuyện về một cháu bé bị viêm phổi nặng, thủ phạm là lát chanh.

Theo bác sĩ Sang kể, cháu bé được đưa từ tỉnh An Giang lên đã được điều trị ở bệnh viện do bị sốt. Khi cháu lên cơn sốt, co giật bác sĩ và mẹ của cháu bé đang cố gắng sơ cứu cho cháu bé thì bà nội trong một vài giây đã cầm ngay miếng chanh vắt thẳng vào miệng bé.

Cháu bé lập tức tím tái và khó thở, các bác sĩ đã phải cấp cứu cháu bé. Sau 3 ngày điều trị, thở máy nhưng sức khỏe cháu bé vẫn yếu nên bệnh viện chuyển lên tuyến trên.

Khi miếng chanh trở thành sát thủ: Bác sĩ cảnh báo cha mẹ cần biết điều quan trọng này - Ảnh 1.

Chanh nhiều axit nhỏ vào miệng trẻ nguy hiểm

Bác sĩ Sang đã gặp rất nhiều trường hợp trẻ được bà dùng chanh chà lông măng, dùng chanh nhỏ vào mắt, nhỏ vào miệng.

Một bà mẹ trẻ ở Đồng Nai cũng chia sẻ câu chuyện, chồng chị cũng chính là nạn nhân của việc vắt chanh vào mắt lúc mới đẻ.

Khi chồng chị mới đẻ, được người lớn nhỏ chanh vào mắt nhưng lúc ấy chỉ nghe khóc dữ dội một hồi là nín nên ba mẹ cũng nghĩ đơn giản. Khi chồng chị đi học phát hiện thị lực có vấn đề lúc này đi bệnh viện kiểm tra thì đã quá muộn, mắt trái thị lực suy giảm chắc chỉ còn 2/10 .

Nhiều người dùng nước chanh nhỏ vào miệng trẻ sơ sinh để sạch tua lưỡi. Bác sĩ Sang cho rằng, điều này hoàn toàn không cần thiết vì miệng trẻ không có gì gọi là dơ bẩn cần phải tẩy rửa bằng chanh. Nếu vắt chanh vào miệng trẻ có thể khiến nắp thanh môn đóng, trẻ không thở được hoặc hít phải chanh gây viêm phổi.

Kinh nghiệm dân gian cũng cần chọn lọc

Bác sĩ Sang cho biết, chanh là một loại trái cây tuyệt vời nhưng vị chua của nó có tính axit, nước cốt chanh là một yếu tố kích thích phản xạ co thắt thanh môn cực kỳ mạnh. Chính vì vậy, khi vắt chanh vào miệng bé, đặc biệt những bé sơ sinh có thể bị tím tái do đóng nắp thanh môn, do hít sặc nước cốt chanh vào phổi và gây viêm phổi.

Trước đây, Bệnh viện Quận Thủ Đức, TP.HCM từng cấp cứu cho một cháu bé bị loét giác mạc. Mẹ cháu bé cho biết, khi thấy bé chảy ghèn trắng ở mắt, bà của bé nhất quyết nhỏ chanh để tự điều trị cho cháu mà không đi khám. Hậu quả là giác mạc bé bị loét nghiêm trọng. May mắn bé được đưa tới bệnh viện sớm, được điều trị tích cực và đã phục hồi thị lực.

Khi miếng chanh trở thành sát thủ: Bác sĩ cảnh báo cha mẹ cần biết điều quan trọng này - Ảnh 2.

Không dùng chanh, mật ong nhỏ miệng trẻ

Trong chanh chứa nhiều axit còn giác mạc là một cấu trúc vô cùng nhạy cảm, nhỏ chanh vào mắt cũng tương tự như chúng ta nhỏ axit lên da, nhẹ thì kích ứng, nặng có thể gây bỏng. Trường hợp khi viêm mắt nếu nhỏ chanh vào càng làm bệnh nặng thêm.

Bác sĩ Sang khuyến cáo, trong dân gian, các bà, các mẹ còn rất nhiều cách chữa trị cho con với mục tiêu không sử dụng thuốc kháng sinh nhưng lại hoàn toàn hại con.

Ví dụ, như nhỏ sữa mẹ vào mắt, vào mũi, lấy mật ong trị tưa miệng, nhỏ chanh vào mắt, mũi, họng trị sốt, làm sạch miệng, lấy lá trầu không hơ nóng chườm cho bé, lấy chanh tẩy lông măng, trị ho bằng cách buộc chanh vào chân… đủ các biện pháp dân gian và ít nhiều đã có những trẻ phải nhập viện cấp cứu.

Theo bác sĩ Sang bất cứ bài thuốc dân gian nào cũng có tác dụng nhưng việc sử dụng phải cân nhắc rất nhiều không phải áp dụng cho mọi đối tượng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại