01.
Lý Minh Úy, 30 tuổi, là ca sĩ nổi tiếng đang chống chọi với căn bệnh ung thư ở Hong Kong.
Ngay từ năm 2012, khi mới bước chân vào làng nhạc, Lý Minh Úy đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư biểu mô nang tuyến, một trong những bệnh ung thư ác tính nhất. Kể từ đó đến nay, suốt 8 năm ròng, cô đã 4 lần xạ trị và hơn 30 lần hóa trị.
Năm 2016, tình trạng bệnh ngày càng nặng khiến cô bị liệt nửa mặt và ngoại hình xinh đẹp bắt đầu biến dạng dần.
Khi khối u ngày càng nghiêm trọng, cả thính giác, dây thanh quản và khoang mũi của cô đều bị ảnh hưởng, thậm chí còn đối mặt với tình trạng suy tạng.
Những nỗi đau lớn đến khó có thể tưởng tượng được, vậy mà cô vẫn sống sót bằng tinh thần ngoan cường và thái độ lạc quan.
Thế nhưng, bắt đầu từ năm ngoái, các tế bào ung thư của cô lại di căn sang phổi, gan, thận và các cơ quan khác.
Chi phí tiếp tục chạy chữa rất cao, vượt ngoài tầm chi trả hiện giờ. Giờ đây, cuộc sống hàng ngày của Lý Minh Úy trở nên khó khăn hơn gấp bội.
Quá khao khát được sống, cô đã tự quay một video trên mạng để cầu xin sự giúp đỡ từ mọi người.
Người đẹp Hong Kong chia sẻ: "Tôi không biết bản thân có thể sống được bao lâu? 8 năm, một hành trình dài và gian khó, cuộc sống lẫn công việc bị ảnh hưởng nặng nề. Đau đớn nhất vẫn là sự hành hạ về thể xác.
Tôi hy vọng bản thân sẽ trụ vững trước bệnh tật".
Một cô gái trẻ trung, xinh đẹp vì căn bệnh hiểm nghèo mà cuộc đời đã hoàn toàn rẽ nghiêng. Nhìn cô tha thiết nói với máy quay “Tôi muốn sống” bằng gương mặt biến dạng nặng nề, ai cũng thực sự đau lòng.
Thứ gì hủy hoại một con người nhanh nhất? Đó là bệnh tật.
02.
Trên thực tế, đối với hầu hết các gia đình bình thường, chỉ cần có bệnh hiểm nghèo trong người, điều trị vài năm cũng đủ khiến cả nhà điêu đứng.
Từng có một chủ đề sốt dẻo được thảo luận như sau: "Số tiền tiết kiệm hiện tại của bạn đủ để nằm bao nhiêu ngày trong phòng chăm sóc tích cực ICU?”
Để tham khảo, năm 2019, trong bảng giá của bệnh viện Vinmec, chi phí ICU là 5 - 7 triệu đồng/ngày.
Tại Bệnh viện Việt Pháp, con số là 10.723.000 đồng/ngày. Bệnh viện Nhân dân 115 tại TP.Hồ Chí Minh thì có giá từ 600 - 800 ngàn đồng/ngày.
Đây mới chỉ là chi phí giường bệnh, chưa bao gồm tiền thuốc, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh... Với các trường hợp bệnh nghiêm trọng, có thể chi phí này còn tăng thêm.
Mỗi ngày tính cả tiền giường bệnh và các khoản thuốc thang, xét nghiệm, có thể lên tới ít nhất 1 triệu đồng, nhiều nhất là hàng chục triệu đồng.
Nhiều ngày cộng lại sẽ tạo thành một khoản chi khổng lồ, đủ để nhanh chóng đưa một gia đình bình thường trở lại cảnh nghèo đói.
Khi đối mặt với bệnh tật, số tiền tiết kiệm của bạn có thể chỉ như muối bỏ biển. Dù cố gắng chắp vá đến mấy cũng khó lòng kham nổi gánh nặng trên vai.
03.
Trước đây, một trang thông tin việc làm đã thực hiện một cuộc khảo sát:
"Khi lương cao và sức khỏe xung đột, bạn lựa chọn điều nào?"
Kết quả là có tới 71% người sẵn sàng bỏ qua sức khỏe và chọn mức lương cao.
Hầu hết những người sẵn sàng đánh đổi sức khỏe của mình để lấy tiền đã coi việc bản thân sở hữu một cơ thể khỏe mạnh là điều đương nhiên.
Họ thầm “gia cố” tâm lý bằng những suy nghĩ tự an ủi sáo rỗng, tin rằng bệnh tật sẽ chừa mình ra. Nhưng họ chưa bao giờ nghĩ rằng, sức khỏe là khoản thấu chi đáng sợ nhất.
Có người từng nói: “Sức khỏe thể chất là số 1. Rồi của cải, tình cảm, sự nghiệp, gia đình... mới là số 0 đằng sau số 1 đó. Chỉ khi số 1 tồn tại, các số 0 đằng sau mới có ý nghĩa."
Hãy nhớ rằng nhà triết học người Đức, Arthur Schopenhauer từng nói: "Sai lầm lớn nhất mà con người có thể mắc phải là đánh đổi sức khỏe lấy những thứ khác bên ngoài cơ thể".
Không có bất cứ thứ gì trên thế giới này đáng để bạn hy sinh sức khỏe để đánh đổi. Càng lấy sức khỏe đổi tiền tài, sau này, bỏ ra toàn bộ số tiền tài ấy cũng không mua nổi một xu sức khỏe đã bỏ ra.
04.
Từ đây, người ta học được cách phải trân trọng cuộc sống hơn nữa thông qua hai phương pháp sau đây.
Số 1: Lãi kép sức khỏe
Hơn 70 tuổi, cụ ông Trương Toàn Thông vẫn khỏe mạnh trả lời phỏng vấn: "Tôi chưa bao giờ bị ốm kể từ khi 30 tuổi, và thậm chí còn ít khi bị cảm cúm thông thường".
Một vóc dáng khỏe mạnh như vậy không phụ thuộc vào thiên phú trời cho mà là những kế hoạch dài hơi. Kể từ 30 tuổi, ông đã chạy bộ hai km và bơi nửa giờ mỗi ngày, bất kể trời nóng hay lạnh.
Do đó, sau 40 năm kiên trì, ông đã có một nền tảng thể chất vượt xa người thường, tựa như một vận động viên điền kinh tràn đầy năng lượng.
Hãy tin rằng sức khỏe có lợi ích kép giống như số tiền tiết kiệm trong tài khoản ngân hàng của bạn vậy. Nếu bạn đối xử tốt với cơ thể của mình, cơ thể sẽ thưởng cho bạn.
Bệnh tật và tai nạn là những rủi ro không thể lường trước, nhưng chúng ta có thể chọn cách tránh xa các thói quen xấu, phát triển các thói quen tốt và giảm thiểu sự xuất hiện của bệnh tật.
Số 2: Làm tốt kế hoạch phòng vệ rủi ro
- Bạn có những nguồn thu nhập khác nếu gác lại công việc?
- Bạn có thể tiết kiệm hàng triệu đồng mà không ảnh hưởng chi tiêu hàng tháng?
- Nếu bạn đột ngột mắc bệnh hiểm nghèo, bạn có thể lo liệu số tiền tiết kiệm được không?
-Hãy suy nghĩ kỹ về ba câu hỏi này để biết khả năng phòng vệ rủi ro của bạn đang ở mức độ nào, mạnh hay yếu, có đủ sức chống trả bệnh tật hay không.
Có một khái niệm trong bảo hiểm, được gọi là kim tự tháp rủi ro, dùng để chỉ cấu trúc kim tự tháp được hình thành bởi các loại rủi ro khác nhau.
Trong số đó, rủi ro dịch bệnh nằm ở đáy của kim tự tháp, có diện tích rộng nhất và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc đảm bảo sự sống còn của chúng ta. Cho nên, cần lên kế hoạch phòng ngừa rủi ro càng sớm càng tốt.
Ví dụ, hiện nay nhiều người chọn mua bảo hiểm bệnh hiểm nghèo để một khi lỡ mắc bệnh, họ sẽ không bị ảnh hưởng quá lớn và không bị tái nghèo do bệnh tật.
Cuộc sống đầy bất trắc, chúng ta không thể đoán trước được điều gì sẽ xảy ra trong tương lai, nhưng chúng ta có thể chuẩn bị trước.