Khi luật sư tự nguyện đến bảo vệ trẻ bị bạo hành

YẾN CHÂU |

Nhiều vụ bạo hành trẻ em được phanh phui gây bức xúc trong dư luận, bi kịch hơn khi người bạo hành lại là những người sinh thành và nuôi dưỡng trẻ.

Trong số này có vụ án bé T. (7 tuổi, học sinh tiểu học tại xã Vĩnh Hòa Phú, huyện Châu Thành, Kiên Giang) nghi vấn bị bạo hành bởi cha ruột và mẹ kế.

Sự việc bị phát giác khi giáo viên phát hiện trên người bé T. có nhiều vết bỏng và trình báo. Hiện nay, Công an huyện Châu Thành đã khởi tố vụ án hành hạ người khác và đang trong quá trình điều tra.

Tấm lòng thiện nguyện

Trong vụ án này có hai luật sư (LS) đã âm thầm tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình cháu bé. Đó là LS Nguyễn Đình Thuận và LS Huỳnh Phước Hiệp (đều thuộc Đoàn LS TP.HCM).

Nhưng đằng sau tác nghiệp cụ thể luôn có những khó khăn và kỷ niệm trong quá trình tham gia bảo vệ cho cháu bé.

Ban đầu hai LS biết được thông tin vụ án thông qua một nhà báo. Khi có được số điện thoại của mẹ bé T., hai LS đã trực tiếp từ TP.HCM xuống tỉnh Kiên Giang gặp mẹ và ông ngoại bé để tìm hiểu về thông tin sự việc.

LS Thuận kể: “Cũng là đấng sinh thành nên chúng tôi rất bức xúc. Nhìn đứa trẻ tội nghiệp với những vết bỏng trên người, dù chưa biết là ai đã hành hạ bé nhưng tội ác đó không một lý do nào có thể biện hộ.

Nhiều khi trẻ con nghịch ngợm, cha mẹ rầy la đã nghe đau lòng, huống hồ chi theo lời khai ban đầu của bé T., bé bị cha ruột gí sắt nung vào người. Vì vậy, chúng tôi đã nhanh chóng liên hệ và nhận bảo vệ miễn phí cho bé ngay từ đầu nhằm bảo vệ quyền lợi cho trẻ, không để kẻ ác đứng ngoài vòng pháp luật”.

Khi gặp chị Huỳnh Thị Bích Vân, mẹ bé, lúc này chị rất lo lắng. Chị tâm sự rằng năm 2013, chị ly hôn vì thường xuyên bị chồng đánh đập nhưng nếu những vết thương trên người con là do cha bé gây nên thì thực sự quá tàn nhẫn.

Nói đến đây, sự day dứt trỗi dậy; nếu như lúc trước chị chịu đựng chồng, sợ gia đình chồng thì giờ đây chị quyết tâm bảo vệ con. Hai LS đã an ủi, động viên và giải thích các quy định của pháp luật cho chị.

Các LS đã xuống gặp mẹ bé bốn lần và lần nào cũng vậy, chị luôn đi cùng cha ruột, họ hàng hoặc bạn bè bởi lẽ chị e ngại người bên gia đình chồng cũ. Vì sau khi sự việc xảy ra, chị còn bị người lạ mặt nhắn tin đe dọa trên mạng xã hội.

Các LS đã cùng chị liên hệ trường học nhưng gia đình bên nội đã cho bé nghỉ học. Sau đó, LS đã liên hệ cơ quan điều tra, cơ quan này cho hay vẫn đang trong quá trình điều tra nhưng chưa lấy được lời khai của bé T. do cha bé cho rằng bé “không chịu đi”.

Và điều các LS lo lắng là khi cha ruột và mẹ kế bé đã về chung sống với bà nội với lý do “ba bệnh nên về chăm”, vậy việc cách ly có còn không khi kẻ bị tình nghi bạo hành đang cùng chung sống với bé?

Và những khó khăn

Ngày 16-1, LS Thuận cùng cơ quan điều tra đến tận nhà bà nội bé để lấy lời khai nhưng bà nội cho hay bé đang ở nhà chị mẹ kế. LS lại tiếp tục cùng hai điều tra viên và cảnh sát khu vực tìm đến nhà người này nhưng vẫn không thể lấy lời khai.

Bé T. có những dấu hiệu hoảng loạn, liên tục nói: “Cháu không làm việc đâu, sao cô chú cứ làm phiền cháu, ba mẹ cháu” rồi bỏ chạy vào phòng.

Chúng tôi phải vận động người này thuyết phục bé ra làm việc nhưng rồi đâu lại vào đấy, bé T. vẫn một mực nói không làm việc và ánh mắt luôn hướng nhìn người này” - LS Thuận nhớ lại.

Việc chưa lấy được lời khai của bé khiến vụ án giậm chân tại chỗ. Vì thế hai LS mong các cơ quan chức năng có những biện pháp thích hợp, thúc đẩy quá trình điều tra để sự thật sớm được sáng tỏ.

Khi luật sư tự nguyện đến bảo vệ trẻ bị bạo hành - Ảnh 1.

Căn nhà của bà nội bé T.

Hai LS cũng đồng thời hướng dẫn mẹ bé nộp đơn khởi kiện để yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con và tham gia bảo vệ miễn phí cho mẹ bé trong tranh chấp này.

TAND huyện Châu Thành, Kiên Giang đã thụ lý và đang trong quá trình giải quyết vụ án. Tuy nhiên, nhiều lần tòa triệu tập nhưng cha bé không đến.

“Chúng tôi đã hướng dẫn mẹ bé làm đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để giao bé T. cho chị trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng và nộp cho tòa vào ngày 5-1 vừa qua. Tuy nhiên, đã hơn một tháng nhưng TAND huyện Châu Thành chưa trả lời đơn” - LS Hiệp thông tin.

Theo các LS, cha ruột và mẹ kế đang ở cùng bé thì có ai dám đảm bảo sự an toàn của bé khi ở với chính người bị tình nghi bạo hành và ai dám chắc họ sẽ không tác động đến trẻ. Trong khi đó, mẹ bé dù có đủ điều kiện và mong muốn được chăm sóc con thì lại không được chấp nhận.

Các LS vẫn đang đấu tranh để giao bé cho mẹ. “Việc này sẽ giúp bé bình tĩnh và công an sẽ dễ dàng hơn trong việc lấy lời khai, chứ cứ như thế này thì cả tòa án và công an đều bế tắc. Mẹ bé và chúng tôi sẵn sàng nhờ bác sĩ tâm lý để ổn định tinh thần cho bé nếu cần thiết” - LS Thuận nói.

Theo hai LS, những tổn thương về cơ thể khi trẻ bị bạo hành như vết bầm, vết bỏng, vết xây xát,… là biểu hiện mà chúng ta ai cũng dễ dàng nhìn thấy được nhưng những tổn thương về tâm lý, sự hụt hẫng trong tâm hồn thì mấy ai thấu hiểu.

Những tổn thương ấy sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, chúng sẽ sợ sệt, xa lánh, sống khép kín,… và quan trọng là mất niềm tin vào tình yêu thương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại