Kỳ nghỉ kết thúc hoặc đến một thời điểm nào đó, hẳn rằng nhiều người làm công ăn lương sẽ có trạng thái thế này: Sáng ngủ dậy không muốn rời giường, nhưng cũng không dám buông xuôi; đi làm mệt mỏi, tan tầm chán chường.
Điều này cũng giống như nỗi sợ đêm Chủ nhật vì ngày mai là thứ Hai, bắt đầu một tuần với guồng quay công việc mới.
Không thể phủ nhận rằng đi làm rất mệt mỏi và khó khăn. Nhưng loại tâm lý mâu thuẫn với công việc này chỉ mang lại sự bất lực và hoảng loạn, trăm hại mà không có lợi.
Bạn nên nhanh chóng điều chỉnh tâm lý, lấy lại tinh thần để giải quyết vấn đề. Nếu thật sự không muốn đi làm, hãy tự hỏi mình 3 câu sau đây:
1. Bạn không muốn ra khỏi nhà đi làm, hay không thích làm việc?
Đi làm có ý nghĩa gì? Thu nhập có lẽ là ý nghĩa duy nhất đối với nhiều người. Theo họ, nếu không phải vì kiếm tiền nuôi gia đình, cho bản thân cuộc sống ổn định thì ai lại thích làm việc?
Nhưng cũng vì cách suy nghĩ này mà nhiều người đã vô tình biến việc đi làm thành điều khiến cuộc sống bị mài mòn, giày vò.
Trong cuộc sống, có một kiểu "người cuồng công việc", mỗi ngày làm việc chăm chỉ, không biết mệt mỏi. Sau khi tiếp xúc với họ, có lẽ bạn sẽ nhận ra: "đi làm" và "làm việc" có sự khác nhau.
Lắm lúc, chúng ta không phải không muốn làm việc, chỉ là không muốn đi làm mà thôi.
Không ít người chỉ biết công việc là kiếm tiền, nhưng không biết mình đang làm gì. Nói cách khác, bạn hoàn toàn xem mình là cái máy, không thể thật sự hòa nhập vào công ty, càng không thể hiện được giá trị cá nhân.
Không có nỗ lực, không thể tìm thấy cảm giác thành tựu, mất giá trị bản thân. Đi làm kiểu như vậy, ai cũng cảm thấy đuối sức.
Vậy làm việc là gì?
Làm việc không chỉ duy trì cuộc sống, mà còn là một góc của xã hội, một sự kết nối. Làm việc là quá trình mài giũa chính mình.
Tạm bỏ qua vấn đề tiền lương, hãy khám phá những điều có ý nghĩa hơn trong công việc, chẳng hạn như: Nâng cao nhận thức, mở rộng tầm nhìn, làm quen với những người giỏi giang. Khi đó, bạn sẽ không cảm thấy làm việc là quá trình tra tấn mệt mỏi.
Nhà tâm lý học người Anh, Frederic Charles Bartlett đưa ra "lý thuyết hai nhân tố" nổi tiếng. Ông tin rằng tiền lương và môi trường là những yếu tố cơ bản thúc đẩy một người làm việc. Thứ truyền cảm hứng cho một người là thách thức, sự công nhận, phát triển cá nhân và các "yếu tố động lực" khác.
Đi làm chỉ đơn giản là để kiếm tiền, và làm việc là để tìm thấy phiên bản tốt hơn của chính mình.
2. Làm việc hàng ngày vì bản thân hay chỉ vì tiền?
Nơi làm việc như một xã hội thu nhỏ, có đủ thứ chuyện xảy ra trên đời.
Không ít người làm việc mười mấy năm, kết quả phát hiện đãi ngộ của mình còn thấp hơn thực tập sinh mới vào nghề. Trong cơn tức giận vốn định nhảy việc, nhưng xét đến rủi ro quá lớn nên chọn cách bày tỏ thái độ chống đối, buông xuôi. Mỗi ngày làm việc không nghiêm túc, rảnh rỗi thì đi kể chuyện bàn tán với đồng nghiệp.
Đến khi bị công ty đào thải thì lại than thân trách phận, cho rằng công ty đối xử với nhân viên không hợp lý. Thế nhưng họ chưa bao giờ nghĩ lại, chính vì khoảng thời gian buông xuôi đó mới khiến cấp trên đánh giá xấu, từ đó mới đưa ra quyết định cuối cùng.
Nhiều người ghét đi làm, nhưng không thể buông hết vì cơm áo gạo tiền, kết quả chỉ làm việc trong tâm thế miễn cưỡng, có lệ, cho xong chuyện. Thế thì những lúc này nên tự hỏi bạn đi làm vì bản thân hay chỉ vì tiền?
Không chấp nhận buông xuôi, cố gắng làm việc hết sức có thể không phải vì cống hiến cho công ty hay cấp trên, mà là vì trách nhiệm với chính mình.
3. Công việc có thể hoàn toàn biến mất khỏi cuộc sống của bạn được không?
Ông trùm dầu mỏ người Mỹ, John Davison Rockefeller từng nói: “Nếu bạn xem công việc là một niềm vui, cuộc sống là thiên đàng. Nếu bạn coi công việc là nghĩa vụ, cuộc sống là địa ngục”.
Muốn sống tốt, bạn phải có tiền. Mà muốn có tiền, bạn phải làm việc. Vậy thì cuộc sống không thể nào tách rời quá trình tạo ra tiền bạc, của cải.
Không thể bởi vì ngay từ đầu gian khổ mà thối lui. Cuộc sống không bao giờ dễ dàng, trắc trở là không thể tránh khỏi.
Trên đời này, không có công việc nào không vất vả. Chúng ta sẽ luôn gặp phải đồng nghiệp không hòa hợp, cấp trên không thích mình, nhiệm vụ khó nhằn...
Nhưng thái độ làm việc sẽ quyết định số phận của bạn. Bạn xem công việc là kẻ thù, cả đời không thể tìm thấy thành công. Bạn xem công việc là nấc thang của sự tiến bộ thì chắc chắn thành công nằm trong tầm với.
(Nguồn: Thepaper)