Bạn biết không, có một loài chim cánh cụt được mệnh danh là "vua" của loài này. Không phải vì chúng là những con chim lớn nhất, nặng nhất (dù thực tế đúng là như thế), mà vì tên của chúng là chim cách cụt hoàng đế - King Penguin.
Và sự thực đáng buồn là 70% số lượng cá thể cánh cụt hoàng đế sẽ có nguy cơ bị xóa sổ. Dần dần, cả giống loài bị đẩy tới bờ vực diệt vong, đó là thảm cảnh mà chim cánh cụt hoàng đế có thể phải đối mặt vào cuối thế kỷ này.
Theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu đang là nguyên nhân trực tiếp đe dọa tới sự sống còn của loài chim cánh cụt lớn thứ nhất thế giới này. 10 năm trước, số lượng cánh cụt hoàng đế trên toàn cầu ước tính là hơn 2 triệu cặp. Nhưng hiện nay, con số đó chỉ là 1,6 triệu cặp.
Nếu lượng phát thải khí nhà kính không được cắt giảm, 1,1 triệu cặp chim sẽ phải dời đi nơi khác, hoặc vĩnh viễn biến mất.
Cụ thể, một nhóm các chuyên gia quốc tế đến từ ĐH Ferrara (Italia) và ĐH Strasbourg (Pháp) đã tiến hành khảo sát môi trường sống của loài cánh cụt này tại các đảo phía bắc của Nam Cực.
Theo đó, gần một nửa số chim đã mất đi địa điểm kiếm mồi và sinh sản do hiện tượng băng tan. Tình hình đó đang gây ra áp lực, khiến chúng phải di chuyển dần về phương Bắc.
Chuyên gia Celine Le Bohec, một thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết: "Nếu không thực hiện ngay các biện pháp kiểm soát tình trạng biến đổi khí hậu, loài cánh cụt này sẽ biến mất trong tương lai gần."
Dù lượng phát thải khí nhà kính đã giảm, song 70% số lượng cánh cụt hoàng đế đã buộc phải di cư, và không tránh khỏi nguy cơ bị xóa sổ trong 100 năm tới."
Tập tính sống của loài chim này khá cầu kỳ. Để có thể giao phối, đẻ trứng và nuôi con, chúng thường tìm đến những khu vực có nhiệt độ dễ chịu, nhiều cát mịn và không có biển băng bao quanh.
Trong một cặp cha mẹ, một con sẽ có nhiệm vụ trông con, con còn lại có thể đi xa đến 400km để kiếm mồi.
Do biến đổi khí hậu, khu vực kiếm ăn của chim cánh cụt vốn nằm ở rìa Nam Cực đang dịch chuyển về phía nam. Điều này có nghĩa, cánh cụt "phụ huynh" phải đi xa hơn, cánh cụt con phải nhịn đói và chờ đợi lâu hơn.
Các nhà khoa học lo ngại khoảng cách này ngày càng bị nới rộng, vượt qua giới hạn chịu đựng của con non, và có thể dẫn tới sự diệt vong của thế hệ kế cận.
Dựa vào những thông tin ẩn trong bộ gen của cánh cụt hoàng đế, nhóm nghiên cứu đã có thể mô tả những biến động trong quần thể loài chim này suốt 500.000 năm qua.
Công trình tiết lộ, trong lịch sử của mình không ít lần loài cánh cụt đứng trước bờ vực tuyệt chủng. Lần gần nhất cách đây 20.000 năm.
Trước sự thay đổi mạnh mẽ của hệ sinh thái Trái Đất do con người là tác nhân chính, cánh cụt hoàng đế chắc chắn sẽ phải đối mặt với rất nhiều thử thách để đưa giống loài của mình thoát khỏi hiểm họa diệt vong.
"Rất khó tránh khỏi những mất mát. Nhưng để giống loài này không biến mất, sự chung tay của cộng đồng quốc tế chống lại biến đổi khí hậu cần phải được thực hiện ngay bây giờ." – chuyên gia Celine Le Bohec kêu gọi.
Theo Daily Mail