Tài xế Vinasun từng dán đề can phản đổi hoạt động của Grab, Uber
Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2021 với doanh thu thuần 150 tỷ đồng, tiếp tục giảm so với các quý trước và thấp hơn cả quý 2 năm ngoái, khi các hoạt động taxi phải tạm dừng để phòng chống dịch Covid-19.
Giá vốn Vinasun vẫn lớn hơn doanh thu, khiến công ty lỗ gộp 27,5 tỷ đồng và hoạt động kinh doanh chính lỗ thuần 74,9 tỷ đồng.
Kỳ này, Vinasun có hơn 8,3 tỷ đồng lợi nhuận khác, gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm ngoái. Đây là lợi nhuận đến từ thanh lý xe cũ. Khoản lợi nhuận ít ỏi này không đủ bù lỗ cho Vinasun và công ty báo lỗ trước thuế 66,6 tỷ đồng. Đây là quý lỗ thứ 7 liên tiếp của Vinasun.
Sau 6 tháng, Vinasun đạt doanh thu thuần 373 tỷ đồng, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh là 124 tỷ đồng và lỗ trước thuế là 96,6 tỷ đồng.
Vinasun tiếp tục chìm trong thua lỗ trong khi hãng xe công nghệ Grab vừa lần đầu tiên có lãi sau hơn 6 năm vào Việt Nam. Trong 5 năm trước đó, Grab mạnh tay đốt tiền để chiếm lĩnh thị trường, thu hút và thay đổi thói quen đi xe của khách hàng.
Điều đó khiến Grab lỗ lũy kế tới 4.300 tỷ đồng, nhưng bù lại công ty có khách hàng và các đối thủ phải thu hẹp hoạt động, dần dần rút khỏi thị trường.
Chẳng hạn như Vinasun đã phải cắt giảm cả chục nghìn nhân sự trong vài năm qua, giảm đội xe và thay đổi hàng loạt chính sách để có thể tồn tại. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Vinasun đã giảm tiếp khoảng 600 nhân sự, xuống còn 3.813 người.
Sau khi các đối thủ suy yếu và Grab gần như đã chiếm lĩnh được thị trường, năm 2020 hãng xe công nghệ này vừa công bố doanh thu 3.800 tỷ đồng và lợi nhuận gần 250 tỷ đồng. Ngoài Grab, các hãng gọi xe khác như Now, Be Group, Baemin, Go-Jek vẫn tiếp tục thua lỗ lớn.