Khi giang hồ mạng đua nhau gây thanh thế

Đức Sơn |

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội Facebook, YouTube “nóng” lên với sự xuất hiện của các nhân vật “giang hồ” đua nhau lên mạng xã hội gây thanh thế và kiếm tiền. Đặc điểm chung của các “giang hồ mạng” đều xuất thân là dân anh chị ngoài xã hội và có nhiều mối quan hệ phức tạp.

Đua nhau lên mạng gây thanh thế

Ngày 13/8, Công an TP Hà Nội đã triệt phá ổ nhóm đối tượng đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản. Theo đó, cơ quan công an đã ra lệnh bắt tạm giữ hình sự 5 đối tượng gồm: Đỗ Văn Quang tức Quang “Rambo”, Nguyễn Đức Nhân, Đỗ Văn Thịnh; Nguyễn Văn Huy và Nguyễn Xuân Linh.

Theo tài liệu điều tra, qua quen biết với Nguyễn Đức Nhân (là đối tượng hình sự) mở cửa hàng cho vay lãi tại phố Ngô Gia Tự (phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội).

Qua đó, Thịnh thuê Nhân để đòi nợ số tiền công nợ 1,1 tỉ tại một công ty trên địa bàn quận Hà Đông. Hai bên thoả thuận, nếu đòi được thì Thịnh sẽ bồi dưỡng cho anh em, nhưng không nói số tiền cụ thể.

Nhân biết Quang “Rambo” có quan hệ xã hội rộng và có nhiều đàn em chuyên đi thu hồi nợ, nên đã rủ Quang cùng đi đòi số nợ trên. Đầu tháng 4/2019, Nhân đã quy tụ các đàn em và gọi đối tượng Quang “Rambo” để liên kết cùng đi đòi nợ.

Quang “Rambo”; Dũng “râu” và một số đàn em khác nhiều lần đi cùng Thịnh đến một công ty trên địa bàn Hà Đông, Hà Nội tìm gặp giám đốc để đòi tiền nợ.

Tại trụ sở công ty, các đối tượng chửi bới, đe dọa dùng súng bắn, đuổi nhân viên công ty, theo dõi gia đình giám đốc công ty nêu trên buộc giám đốc công ty phải trả số tiền 200 triệu đồng để các đối tượng chia nhau. Sau khi có tiền, các đối tượng vẫn tiếp tục quyết liệt đe dọa thì bị bắt giữ.

Đáng chú ý, nhóm của Quang “Rambo” thường xuyên lên Facebook livestream những hình ảnh xăm trổ, đầu trọc, đeo kính đen, đeo dây chuyền, nhẫn to, khoe tiền... để khuyếch trương thanh thế.

Trang Facebook, Youtube của Quang “Rambo” có nhiều người theo dõi và cổ vũ gây ảnh hưởng xấu trong xã hội, nhất là giới trẻ học sinh, sinh viên.

Trước đó, trong tháng 4/2019, Công an thị xã Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Ngô Bá Khá (26 tuổi, tức Khá “bảnh”) về tội Đánh bạc và Tổ chức đánh bạc. Khá “bảnh” là đối tượng giang hồ có ba tiền án, tiền sự về tội Cố ý gây thương tích và Gây rối trật tự công cộng.

Thời gian qua, Khá nổi danh trên mạng xã hội với tên Khá “bảnh”, đăng nhiều video có lời lẽ tục tĩu, giang hồ trên YouTube với gần 2 triệu người đăng ký theo dõi. Trong tháng 3, hai lần Khá bị công an lập biên bản hành chính do đốt xe máy rồi quay video và đứng dàn hàng ngang chụp ảnh trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Khá “bảnh” khai bắt đầu làm video có nội dung tục tĩu, giang hồ để đăng trên YouTube từ năm 2017, hiện có gần 2 triệu người theo dõi. Thời gian đầu, Khá được trả 7.000-8.000 USD/tháng do video có lượng người xem cao, có tháng đến gần 20.000 USD.

Ngày 1/4, Khá “bảnh” cùng một số người bị Công an tỉnh Bắc Ninh tạm giữ. Khám nhà Khá, công an thu nhiều hung khí cùng một số giấy tờ liên quan hoạt động vay mượn tín dụng đen và lô đề. Khá “bảnh” khai có sử dụng ma tuý.

Tại TP. Hồ Chí Minh, vừa qua, Công an TP HCM đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Ngọc Phúc (Phúc XO, 37 tuổi, trú tại huyện Hóc Môn), Trần Ngọc Tài (24 tuổi, em ruột Phúc XO) cùng 10 đồng phạm để điều tra hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy và tàng trữ trái phép chất ma túy.

Thời gian gần đây, Phúc XO nổi tiếng trên mạng xã hội với danh xưng “Người đeo vàng nhiều nhất Việt Nam”, trên người Phúc đeo hơn chục kg vàng. Tuy nhiên, sau khi bị bắt, Phúc khai số vàng trên là giả, chủ yếu để đánh bóng tên tuổi nhằm thu hút khách đến với quán karaoke của mình…

Cách gì ngăn chặn…?

Trao đổi về vấn đề chủ nợ thuê các đối tượng giang hồ đòi nợ có phạm tội không, Luật sư Diệp Năng Bình-Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật nhận định, hiện nay, nhiều người đã không lựa chọn các biện pháp đòi nợ hợp pháp mà chọn thuê xã hội đen.

Thường các đối tượng này sẽ sử dụng hình thức bạo lực hoặc các thủ đoạn khác để gây sức ép lên tinh thần và tính mạng của con nợ nhằm mục đích là đòi được nợ.

Do chủ nợ thừa biết những người này sẽ gây ra hậu quả xấu cho con nợ thì mới có thể thu hồi được tiền nên tùy vào hậu quả mà những người đòi nợ thuê gây ra này gây ra thì chủ nợ cũng sẽ chịu trách nhiệm tương ứng.

Luật sư Diệp Năng Bình cũng nhận định, thời gian qua xuất hiện một số người được mệnh danh là “giang hồ mạng” thường tung các clip độc hại lên trên mạng từ cách sử dụng ma túy, đốt xe, kích động bạo lực nhưng vô tình lại là “thần tượng” cho nhiều người trẻ.

Có thể ban đầu họ chỉ muốn câu like, câu view từ có thể kiếm tiền từ những clip độc hại này nhưng khi có một bộ phận giới trẻ coi họ là thần tượng thì hậu quả khôn lường.

Luật sư Bình cho hay, Khá “Bảnh”, Phúc “XO” hay Quang “Rambo” rõ ràng chưa phải là những cái tên cuối cùng trong giới “giang hồ mạng”.

Chỉ cần vào Youtube hoặc Facebook là dễ dàng xem được những clip do họ làm có nội dung tục tĩu, không đúng với thuần phong mỹ tục, chuẩn mực ứng xử xã hội.

Do đó, cùng với việc áp dụng Luật An ninh mạng, các quy định của Bộ luật Hình sự để xử lý mạnh tay với trường hợp này thì Cơ quan quản lý nhà nước cũng cần kiến nghị, có cơ chế phối hợp để YouTube phải thay đổi chính sách sao cho chặt chẽ hơn, phù hợp với pháp luật và thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

Còn luật sư Nguyễn Ngọc Khương (Đoàn luật sư Hà Nội) đánh giá, Facebook, YouTube đang là nơi nhiều giới, trong đó có cả giới giang hồ, tận dụng đem lại lợi nhuận về mặt tài chính.

Việc “giang hồ mạng” sử dụng mạng xã hội để thu hút người xem, thu lợi nhuận từ việc quảng cáo là hết sức bình thường, nhưng nội dung mà họ đăng tải là cả một câu chuyện lớn bởi đánh vào tâm lý của giới trẻ.

Ban đầu, các bạn trẻ theo dõi chỉ là sự hiếu kỳ, tò mò nhưng về lâu dài trở thành định hướng về mặt hành vi. Do đó, ngành chức năng cần có biện pháp và chế tài nghiêm minh để xử lý và răn đe ngăn trên thế giới mạng xã hội và phòng ngừa chung trong xã hội.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại