Giá vàng SJC đang trễ hơn hơn so với thế giới
Hai ngày qua, có lẽ từ khoá “giá vàng thế giới” hay “giá vàng SJC” được giới đầu tư quan tâm nhiều nhất bên cạnh những thông tin về thị trường chứng khoán, bất động sản. Giá vàng SJC đột ngột lao dốc từ mốc khoảng 68 triệu đồng/lượng xuống còn 62 triệu đồng/lượng do ảnh hưởng bởi đà giảm của vàng thế giới thời gian qua.
Tuy nhiên, điều đáng nói là đà giảm của giá vàng thế giới đã kéo dài suốt từ giữa tháng 3 đến nay, ngay khi thiết lập kỷ lục 2.040 USD/ounce. Hiện, giá vàng thế giới khoảng 1.709 USD/ounce (tương đương 48,5 triệu đồng/lượng), tức giảm 16% so với đỉnh.
Còn với vàng Việt Nam, diễn biến giá có độ nhạy rất lớn với đà tăng của giá vàng thế giới nhưng với đà giảm thì lại trễ.
Diễn biến giá vàng thế giới trong vòng 1 năm trở lại đâu. Nguồn: Tradingeconomics
Giá vàng SJC gần như đi ngang trong giai đoạn vàng thế giới lao dốc. Nguồn: Webgia.com
Cùng thời điểm 8/3, khi cả giá vàng thế giới và Việt Nam lập đỉnh lịch sử (vàng SJC đạt hơn 73 triệu đồng/lượng) nhưng khi giá thế giới lao dốc, vàng Việt Nam chỉ điều chỉnh từ tốn và đi ngang quanh mốc 68-70 triệu đồng/lượng (tương đương 4 - 6% so với mức đỉnh) trong suốt 4 tháng.
Phải đến ngày 18/7, giá vàng SJC mới bắt đầu ghi nhận cú giảm mạnh tới 5 triệu đồng/lượng và tiếp tục giảm 1,5 triệu đồng/lượng trong ngày 19/7.
Xét cho cùng, người mua vàng SJC từ đầu năm nay vẫn lãi chút đỉnh (1 triệu đồng/lượng) và vàng vẫn được xem là công cụ phòng vệ trước lạm phát tốt. Trong khi đó, nhà đầu vàng ở thị trường thế giới lại lỗ 1%.
Còn nếu "chốt sổ" từ 30/6, mức lãi của nhà đầu tư Việt ở quanh mức 7 triệu đồng/lượng, giới đầu tư nước ngoài gần như hoà vốn.
Vì sao SJC chênh lệch vàng thế giới quá lớn còn vàng nhẫn thì không?
Sở dĩ giá vàng SJC nhạy so với đà tăng nhưng trễ so với giá vàng thế giới là bởi loại vàng này hiện do Ngân hàng Nhà nước độc quyền quản lý, do đó nguồn cung khan hiếm, trong khi nhu cầu tích trữ tài sản bằng vàng thì luôn có.
Điều này tạo ra sự chênh lệch lớn giữa giá vàng miếng trong nước và vàng thế giới lên tới 14 triệu đồng/lượng. Có thời điểm mức chênh lệch này được nới rộng lên tới 18 triệu đồng/lượng.
Mức chênh lệch giá mua vào - bán ra đối với vàng SJC ở mức cao, đỉnh điểm lên tới gần 4 triệu đồng/lượng. Điều này khiến việc lướt sóng vàng trở nên rủi ro hơn.
Trong khi đó, vàng nhẫn trơn 9999 có giá khoảng hơn 51 triệu đồng/lượng, chỉ chênh hơn vàng thế giới khoảng 3 triệu đồng/lượng.
Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi hoài nghi về tính công bằng trên thị trường và liệu rằng vàng SJC có đang được ưu ái hơn hay không?
Quay trở lại năm 2012, Việt Nam thực hiện chủ trương chống “vàng hoá” nền kinh tế và Nghị định 4/2012/NĐ-CP được ban hành.
Theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước không trực tiếp sản xuất vàng miếng mà thuê Công ty TNHH MTV Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) làm gia công.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết thời điểm Nghị định 24 ra đời, Ngân hàng Nhà nước có 2 lựa chọn: Thành lập thương hiệu riêng hay thuê gia công.
Với phương án 1, Ngân hàng Nhà nước cho rằng nếu thành lập một thương hiệu vàng riêng sẽ không hiệu quả về chi phí, lợi ích bởi thời điểm đó, vàng SJC đang được ưa chuộng, chiếm tới 90% thị trường.
Do đó, SJC được lựa chọn làm đơn vị gia công vàng miếng dưới sự theo dõi của Ngân hàng Nhà nước.
“Nếu lựa chọn đơn vị khác gia công thì sẽ gia tăng những chi phí không cần thiết vì 90% vàng trên thị trường lúc đó mang thương hiệu SJC”, bà Hồng nói.
Kể từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước cũng không tung thêm vàng miếng ra thị trường nhằm thực hiện chủ trương chống “vàng hoá”.
Trong khi đó, với những biến động khó lường của thị trường vàng thế giới trong nửa đầu năm nay do bất ổn địa chính trị, các doanh nghiệp đẩy giá vàng lên cao để đề phòng rủi ro.
Một số ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường nhập khẩu vàng để co hẹp khoảng cách giá vàng thế giới và vàng trong nước.
Tuy nhiên, bà Hồng cho biết thời gian tới chưa cần thiết phải nhập khẩu thêm vàng, bởi thực tế giai đoạn giá vàng tăng nóng lượng người dân mua vàng miếng không nhiều, thậm chí bán ròng.
Giá vàng cuối năm sẽ bật hồi về mức 1.900 USD/ounce?
Những diễn biến xấu của thị trường vàng thời gian qua là do các nước siết chặt chính sách tài khoá, nâng lãi suất, đặc biệt là Mỹ nhằm kiểm soát lạm phát.
Trong 6 tháng đầu năm, nước Mỹ trải qua 3 lần tăng lãi suất và gần đây nhất là giữa tháng 6 với mức tăng 0,75 điểm phần trăm lên 1,5 - 1,75%. Đây cũng là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994. Trong khi đó, mục tiêu lãi suất trong năm nay của Mỹ được dự báo quanh mức 3,4%. Do đó, từ nay đến cuối năm có thể tiếp tục có các đợt tăng lãi suất tiếp theo và giá vàng sẽ vẫn chịu áp lực.
Mỹ tăng lãi suất đồng nghĩa với việc đồng USD trở nên mạnh hơn và chi phí cơ hội nắm giữ những tài sản không lợi suất như vàng sẽ cao hơn, làm giảm nhu cầu đối với kim loại quý này. Do đó, thời gian qua liên tiếp tiếp xảy ra những đợt bán tháo ở thị trường vàng thế giới.
Tuy nhiên, chia sẻ trên kênh YouTube Tài Chính & Kinh doanh, ông Nguyễn Thế Hưng, Phó Tổng giám đốc Công ty Vàng Việt Nam cho rằng, cuối năm giá vàng thế giới đang ở mức hỗ trợ khá vững nên có thể thị trường đang tạo đáy quanh mốc 1.700 USD/ounce.
Bên cạnh đó, theo thông lệ hàng năm, mùa hè cũng là giai đoạn thấp điểm của nhu cầu vàng. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 12, nhu cầu vàng sẽ tăng mạnh, đặc biệt là với thị trường Trung Quốc và Ấn Độ khi các quốc gia này bước vào mùa cưới. Hiện tại, đây là hai thị trường tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới.
Ngoài ra, ông Hưng cho rằng tình hình căng thẳng địa chính trị cuối năm có thể leo thang trở lại khi mùa đông đến gần trong khi Châu Âu vẫn đang phụ thuộc phần lớn nguồn cung khí đốt từ Nga để sưởi ấm.
“Tôi cho rằng giá vàng thế giới cuối năm sẽ phục hồi về mốc 1.800 - 1.900 USD/ounce”, ông Hưng nói.