1. Khi UEFA quyết định tăng số đội tuyển tham dự EURO 2016 lên 24 đội, có khá nhiều người đã phản đối. Họ lo ngại rằng giải đấu dành cho những đội tuyển hay nhất châu Âu sẽ bị phá hỏng bởi những đại diện được gọi là "underdog" (đội bóng yếu).
Những underdog đó có thể là Ba Lan, Xứ Wales, Bắc Ireland, Hungary, CH Ireland hay Iceland. Dư luận lo lắng rằng sẽ xuất hiện những màn vùi dập tang thương ở EURO lần này.
Tuy nhiên thực tế đã diễn ra khác hoàn toàn. Hungary dẫn đầu bảng F chứ không phải Bồ Đào Nha của Cristiano Ronaldo hay Áo của David Alaba. Croatia về nhất ở bảng D thay vì nhà ĐKVĐ Tây Ban Nha. Xứ Wales xếp trên cả đội tuyển Anh ở bảng B.
Chúng ta đã thấy CH Ireland hạ gục nhà cựu vô địch thế giới Italia. Hungary đá cho Bồ Đào Nha tái mặt. Iceland - quốc gia chỉ với 330.000 dân và mang tới EURO lần này 0,007% dân số (nếu số phần trăm này thuộc về Mỹ, số người sẽ lên tới... 22.000 người) khiến CR7 câm lặng và xếp trên cả người Bồ ở bảng F.
Giữa họ là một trời khác biệt.
Ở lượt trận cuối bảng F, khi Bồ Đào Nha quần thảo với Hungary, có lẽ ít người để ý tới một hình ảnh, một sự tương phản vô cùng thú vị khi Cris Ronaldo đối đầu với thủ thành Gabor Kiraly của Hungary.
Ronaldo là đại diện cho hình mẫu cầu thủ hiện đại với vẻ ngoài hào nhoáng, bóng bẩy, cơ bắp cuồn cuộn, tóc tai được tạo kiểu cầu kỳ. Trong khi đó ông lão Kiraly trông như một cầu thủ đến từ... thế kỷ trước, với chiếc quần dài màu xám quê mùa, vẻ ngoài xù xì, gai góc.
Nhưng trận đấu kết thúc và chúng ta nhận ra rằng, đúng là "không thể đánh giá một quyển sách qua trang bìa của nó" (Don't judge a book by its cover). Ronaldo đã không thể ghi bàn vào lưới một đội tuyển mà tổng dân số quốc gia này thậm chí còn chưa bằng một... tháng lương của anh (Iceland).
Và cho dù CR7 với đôi giày Nike bóng bẩy đã 2 lần làm tung mành lưới của thủ thành quê mùa Kiraly, nhưng sau cùng thì Hungary vẫn xếp trên Bồ Đào Nha.
Bóng đá suy cho cùng vẫn là hành trình tận hưởng những cảm xúc mà trái bóng tròn mang lại. Và bất kể bạn trông thế nào, bạn xấu xí ra sao, miễn là bạn mang tới cảm xúc ấy, bạn là người chiến thắng.
EURO lần này đã nhờ những người như Kiraly mới có được nhiều xúc cảm mạnh mẽ. Trong khi đó những anh chàng ồn ào như Ronaldo, Ibrahimovic lại chỉ mang tới sự ngán ngẩm.
2. Sự nổi loạn của những underdog còn đồng thời tạo ra diện mạo vòng knock-out cực kỳ thú vị. Chúng ta có 2 nhánh riêng biệt và đây là 2 nhánh đấu đối lập nhau hoàn toàn. Nhánh 1 tề tựu đông đủ underdog. Nhánh 2 là ngôi nhà chung của những đại gia.
Tổng dân số của các đội tuyển nằm trong nhánh 1 là 87,3 triệu người. Toàn bộ số người này đều chưa từng được chứng kiến đội tuyển của họ đăng quang ở bất kỳ giải đấu nào.
Tám đội tuyển ở nhánh 2 đến từ 8 quốc gia với tổng dân số lên tới 318,6 triệu người và là chủ nhân của... 20 danh hiệu EURO và World Cup (cụ thể hơn là 5 đội tuyển Tây Ban Nha, Italia, Đức, Anh, Pháp đã giành tổng cộng 11 chức vô địch World Cup và 9 ngai vàng EURO).
Có lẽ hiếm kỳ EURO nào mà 2 nhánh đấu lại tương phản đến nghiệt ngã như năm nay.
Sau 36 năm, người Bỉ lại sẽ có được niềm vui lọt vào tận chung kết Euro?
Tuy nhiên bất chấp sự tương phản đó, trận chung kết EURO 2016 chắc chắn sẽ có sự góp mặt của 1 trong 8 đội tuyển Thụy Sỹ, Ba Lan, Croatia, Bồ Đào Nha, Xứ Wales, Bắc Ireland, Hungaria hoặc Belgium.
Cảm xúc sẽ tiếp tục từ đây mà nảy sinh. Trong khi các đại diện của nhánh 2 đã chơi tổng cộng 15 trận chung kết EURO thì 8 đối thủ đến từ nhánh 1 mới chỉ có Bồ và Bỉ được tận hưởng cảm giác chơi một trận chung kết EURO.
Với Bồ Đào Nha, đó là câu chuyện của 12 năm về trước, còn với đội tuyển Bỉ, vinh dự ấy cách đây đã 36 năm. Vậy nên bất kể là Bồ Đào Nha, Bỉ hay bất kỳ đội tuyển nào khác lọt vào chung kết EURO năm nay, người hâm mộ sẽ được chứng kiến những cảm xúc mà có lẽ đa phần chúng ta đều chưa từng được trải nghiệm.
Đó sẽ là sự vỡ òa, là những giọt nước mắt hạnh phúc, những màn chào hỏi và đáp lại tình cảm của người hâm mộ, những cái tay đặt trên ngực áo, ánh mắt rưng rưng xúc động. Đó mới là bản chất cuối cùng của bóng đá. Và nhờ những underdog, EURO năm nay mới thật sự lôi cuốn.