Còn nhớ chỉ mới đây thôi, Trịnh Sảng - một nữ diễn viên xinh đẹp nổi tiếng của Trung Quốc đã vướng vào bê bối cực kỳ nghiêm trọng, liên quan đến việc mang thai hộ và bỏ rơi chính con của mình.
Đối với Trung Quốc, mang thai hộ là một hành vi bị nghiêm cấm, do ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và trật tự sinh sản, kéo theo hàng loạt vấn đề đạo đức và xã hội khác. Dẫu vậy, nó vẫn diễn ra một cách âm thầm, thậm chí là cực kỳ sôi động trên thị trường chợ đen.
Nhưng vấn đề nằm ở chỗ tại một số quốc gia trên thế giới, mang thai hộ lại là điều hợp pháp. Vậy ở những quốc gia như thế, câu chuyện mang thai hộ có thực sự diễn ra suôn sẻ?
Ukraine - đất nước hợp pháp đẻ thuê
Angela sinh ra và lớn lên đã là trẻ mồ côi. Năm 18 tuổi, cô lần đầu mang thai - đứa trẻ ấy đang đi học. Đứa trẻ thứ 2 mới 5 tuổi ở thời điểm phỏng vấn với El Pais, đang chạy chơi trong công viên ở ngoại ô thành phố Kiev, Ukraine. Cạnh công viên là một phòng khám, mà tại đây Angela (tên nhân vật đã được thay đổi) sẽ được cấy phôi thai của một cặp đôi người Mỹ vào tử cung.
Người phụ nữ 26 tuổi không muốn ai biết cô là ai và đến từ đâu. Nhưng cô vẫn tiết lộ rằng cha của 2 đứa trẻ hiện đã không còn chung đường với họ nữa. Cách thời điểm phỏng vấn 2 năm, Angela đã để đứa trẻ thứ 3 của mình làm con nuôi. Vậy nên cô nghĩ, lần này sẽ dễ dàng từ bỏ hơn vì dù sao cũng chẳng phải con của mình.
Ngồi cạnh Angela là Anna - một thợ làm tóc 32 tuổi tại California, người đã liên hệ với cô để mang thai hộ. "4 năm trước sau khi sinh nở tôi đã bị xuất huyết rất nặng. Bác sĩ buộc phải cắt bỏ tử cung, và giờ tôi không thể mang thai nữa." - cô cho biết. "Tôi có đủ tiền để nhờ mang thai tại đây, còn ở Mỹ thì không (vì chi phí có thể lên tới 120.000 euro, tương đương hơn 3,3 tỉ đồng tiền Việt)."
Angela là một đầu bếp, công việc khiến cô sẽ tốn rất nhiều thời gian để mua nổi một ngôi nhà. "Tôi lớn lên mà chẳng có nhà để ở. Vậy nên, chuyện sở hữu một căn hộ với tôi là rất quan trọng. Đây là cách duy nhất để làm được điều đó."
Angela và Anna đã đạt được thỏa thuận mang thai hộ, giữa một ngành công nghiệp được xây dựng dựa trên nhu cầu của hàng ngàn cặp đôi mong muốn được làm bố mẹ. Tại Ukraine, một hệ thống phức tạp gồm các tổ chức thứ 3 sẽ xem vào để kết nối 2 bên, biến quốc gia này thành một trong những trung tâm mang thai hộ lớn nhất thế giới.
Bộ Y tế Ukraine không có số liệu chính thức về đẻ thuê. Các cặp cha mẹ tương lai sẽ được đưa một danh sách hình ảnh kèm thông tin tổng quan về những người sẵn sàng mang thai hộ để lựa chọn gửi gắm. Họ thậm chí có thể chọn giới tính cho đứa trẻ - điều bị cấm ở Tây Ban Nha nhưng hợp pháp tại đây - và cũng không cần thông qua bất kỳ quy trình kiểm soát nào. Để thuê người đẻ, cặp đôi chỉ cần chứng minh họ là vợ chồng hợp pháp và không thể cùng nhau có con. Nhìn chung, ở một quốc gia luật pháp liên quan còn rất lỏng lẻo, "nó giống như chẳng có quy định nào kiểm soát quá trình này vậy." - trích lời một thứ trưởng tại Ukraine.
Anna đã thuê một căn hộ cho Angela và lũ trẻ ở ngoại ô Kiev, và họ sẽ ở lại đó trong 9 tháng tới. Anna muốn Angela ở sát bệnh viện để tiện theo dõi quá trình. Angela cũng không cần đi làm trong giai đoạn này. "Mất khoảng 20.000 euro, bao gồm tiền thuê nhà, thực phẩm và quần áo." - Anna trả lời khi được hỏi về chi phí. Đây là mức phí tổn cao, vì bình thường chỉ mất khoảng 10.000 - 14.000 euro.
Angela không nói gì nhiều. Đây là lần đầu tiên cô mang thai hộ. "Tôi đã từng quyết định từ bỏ đứa trẻ thứ 3 khi còn đang mang thai. Tôi không nói chuyện với bé, cũng không làm bất kỳ điều gì. Giờ tôi sẽ làm chuyện tương tự thôi." - cô quả quyết.
Ngành nghề nở rộ, không quản lý
Năm 2014, Ukraine chịu đựng khủng hoảng kinh tế nặng, khiến tiền tệ sụt giá kinh khủng. Người dân than phiền, thậm chí bạo loạn vì điều kiện làm việc và lương thưởng quá thấp - trung bình chỉ rơi vào khoảng 237 euro/tháng (tương đương gần 7 triệu đồng).
Cùng với nhiều vấn đề xã hội khác như tham nhũng, tất cả tạo ra điều kiện hoàn hảo để ngành công nghiệp đẻ mướn nở rộ. "Từ năm 2014, các doanh nghiệp nước ngoài tiến vào Kiev, mua lại các tổ chức và bệnh viện tại đây." - trích lời luật sư Sergii Antonov. "Sự nở rộ của ngành đẻ thuê bắt đầu từ năm 2015, với nguồn khách hàng chính từ người nước ngoài. Sau khi Thái Lan và Ấn Độ cấm đẻ mướn, nhu cầu chuyển hẳn về Ukraine. Khủng hoảng kinh tế cũng khiến ngày càng có nhiều phụ nữ sẵn sàng làm vậy."
Antonov ước tính có khoảng 2000 - 2500 hợp đồng thuê đẻ được ký mỗi năm tại Ukraine. Quá trình này liên quan đến nhiều tổ chức thứ 3 xen giữa để kết nối và nhận hoa hồng. Tổng chi phí sẽ rơi vào tầm 40.000 - 50.000 euro.
Nhưng không phải ca đẻ thuê nào cũng như dự định. Stanislav Kutsenko, giám đốc Bộ Tư pháp Kiev cho biết: "Trong vòng 2 năm 2016 - 2018, có khoảng 40 - 50 trường hợp cho biết họ muốn giữ lại đứa trẻ sau khi sinh nở. Chúng tôi rơi vào tình huống phải giải thích rằng họ không có bất kỳ quyền nào đối với đứa trẻ."
Theo Kutsenko, quy định cần phải được siết chặt hơn nhằm bảo vệ quyền lợi của các bà mẹ mang thai hộ. Thứ trưởng Iryna Sysoyenko cũng đồng tình. Bà chính là người đã soạn ra văn bản cấm các cặp đôi nước ngoài sử dụng dịch vụ mang thai hộ, hoặc ít nhất là cấm những người tới từ đất nước hoạt động này bị nghiêm cấm - như Tây Ban Nha.
Trên thực tế, không khó để thấy một cặp đôi người Tây Ban Nha đến Ukraine nhằm tìm người đẻ thuê. Biotexcom - bệnh viện chuyên hỗ trợ dịch vụ này, kiểm soát 2/3 số ca đẻ thuê trên thị trường đối với người nước ngoài. Bên trong cơ sở, phụ nữ mang thai nườm nượp. Hồi tháng 8/2018, cơ sở phải đóng cửa trong vài tuần để "dọn dẹp thường niên". Tuy nhiên theo các báo cáo, việc này chỉ diễn ra kể từ khi chủ Biotexcom - Albert Totchilovski - bị bắt vì tội buôn bán trẻ em và cáo buộc trốn thuế.
Những câu chuyện đau lòng
Cách đây 7 năm, Maria (33 tuổi) đã có trải nghiệm kinh hoàng khi quyết định mang thai hộ tại Biotexcom. "Tôi cần tiền vì mới ly hôn. Nhưng 7 tuần sau khi mang thai, tôi bị xuất huyết nặng. Tôi gọi đến cơ sở, họ bảo mọi thứ vẫn bình thường."
"15 ngày sau, việc xuất huyết diễn ra nặng hơn. Bệnh viện bảo tôi rằng phôi thai đã chết được 2 tuần, và chỉ tả tôi 300 euro. Tôi mất 2 tháng sau đó để phục hồi. Một trải nghiệm rất khó khăn và cực kỳ buồn."
Maria - người có bằng cử nhân hóa học và sinh thái học - quyết định thử lại lần nữa vào năm 2017. "Lúc đó tôi đang làm việc cho một căng-tin. Nhu cầu thực ra cũng không cấp bách, nhưng tôi cần tiền để dọn ra ở riêng với con gái." - cô giải thích. Lần này, cô tới một cơ sở khác. "Lần này, họ đối xử với tôi giống một con người. Nó hoàn toàn không giống lần trước, lúc đó tôi giống một cái máy đẻ vậy. Trước khi bắt đầu, họ cho tôi khám tâm lý và gặp gỡ cha mẹ tương lai của đứa trẻ."
Maria xét ra vẫn còn may mắn, vì nhiều trường hợp khác để lại hậu quả đau thương hơn. Có trường hợp một phụ nữ Ukraine nhận mang thai hộ một cặp song sinh đã phải cấy 5 phôi cùng lúc. Cô phải chấp nhận tiêm hormone kích thích cùng nhiều quy trình khác. Nhưng chỉ sau 5 tháng, hiện tượng rong huyết xảy ra, bào thai không thể giữ và chỉ được nhận chưa đầy 200 euro tiền bồi dưỡng mà thôi.
Một trường hợp khác mang thai đến tuần thứ 17 thì bị xuất huyết não rồi qua đời. Cô giấu gia đình đi mang thai hộ, nên cái chết ấy chẳng được ai biết tới.
Trên thực tế, Biotexcom đã từng vướng phải vô số scandal trong quá khứ, nhưng chỉ đến khi có bê bối buôn người và trốn thuế, hồi chuông cảnh báo mới xuất hiện. Các cuộc điều tra mở ra, lôi cả những cáo buộc trong quá khứ để xử lý.
"Có một cặp đôi người Ý rời Ukraine vào năm 2011, mang theo một đứa trẻ không có bất kỳ liên hệ di truyền nào. Chúng tôi tin đây không phải trường hợp duy nhất." Ngoài ra, các cặp đôi Tây Ban Nha sử dụng dịch vụ của Biotexcom cũng được khuyên nên làm xét nghiệm ADN, để xác định xem liệu họ có bị lừa nhận một đứa trẻ không phải con mình.
Bất chấp điều đó, làn sóng các cặp đôi nước ngoài đến với Ukraine mỗi tuần để nhận con vẫn đang rất nhiều trong những năm qua.
Nguồn: El Pais