Càn Long (1711- 1799) là một trong những vị hoàng đế nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Hoa. Dưới chế độ cai trị của ông, tình hình kinh tế chính trị của Trung Quốc vô cùng phát triển.
Ông cũng là một hoàng đế rất biết hưởng thụ và thích sưu tầm tranh thư pháp cũng như những bức họa nổi tiếng. Chính vì vậy, lăng mộ của Càn Long có vô số bảo vật bao gồm ngọc ngà châu báu và các cổ vật văn hóa như thư pháp và tranh vẽ quý hiếm. Thế nhưng sau này, những bảo vật vô giá của ông lại không may rơi vào tay kẻ "mãng phu" Tôn Điện Anh.
Năm 1928, lăng mộ Càn Long bị viếng thăm bởi tên lãnh chúa quân phiệt thời Dân Quốc Tôn Điện Anh. Hắn lấy cớ "diễn tập quân sự" để khai quật Thanh Đông lăng, cướp bóc cổ vật.
Chân dung lãnh chúa quân phiệt Tôn Điện Anh. (Ảnh: QQ)
Thanh Đông lăng là nơi chôn cất của 5 vị hoàng đế Thuận Trị, Khang Hi, Càn Long, Hàm Phong, Đồng Trị cùng 15 hoàng hậu, 136 phi tần, 3 hoàng tử và 2 công chúa triều đại nhà Thanh. Vì được thiết kế vô cùng kiên cố, Tôn Điện Anh thậm chí phải dùng đến thuốc nổ để phá cổng lăng.
Khi vào đến lăng mộ của vua Càn Long, tất cả đều ngỡ ngàng trước những bảo vật xa hoa được chôn cùng vị hoàng đế nổi tiếng này. Thế nhưng không chỉ vơ vét vàng bạc châu báu, Tôn Điện Anh còn bẻ gãy hết răng của Hoàng đế Càn Long.
Sở dĩ hắn làm như vậy là bởi trước đó, họ Tôn đã lấy được viên dạ minh châu dùng để ngừa thi thể phân huỷ từ bên trong miệng của Từ Hi Thái hậu. Hắn đã nghĩ rằng, trong miệng của một người coi trọng việc hậu sự, lại có nhiều đồ tuỳ táng như Hoàng đế Càn Long chắc chắn cũng tồn tại một viên ngọc như vậy.
Mảnh vải liệm cũ kỹ bị Tôn Điên Anh bỏ quên. Ảnh: Sohu
Thế là Tôn Điện Anh đã đập rụng răng của Hoàng đế Càn Long và lấy đi một viên hoàng châu Tây Tạng vô cùng quý giá.
Bị che mắt bởi tiền tài nên khi bật nắp quan tài, Tôn Điện Anh không hề nghi ngờ gì mà tiện tay ném tấm vải liệm cũ kỹ sang một bên. So với biết bao vàng bạc châu báu trong lăng, tấm vải trông có vẻ rẻ mạt hơn rất nhiều. Thế nhưng hắn không thể nào ngờ thứ "đồ bỏ đi" đó lại là báu vật vô giá.
Bảo vật bị bỏ quên
Tấm vải bị bỏ quên có tên là Dharani, một loại vải liệm tùy táng được trang trí bằng kinh tiếng Phạn. Vải liệm Dharani thường được làm từ lụa cao cấp, bề mặt được thêu kín Kinh Phật, lời răn của Bồ tát hay công đức của thần Kim Cương.
Với quan niệm cái chết chỉ là sự khởi đầu, người xưa tin rằng Dharani có thể siêu độ người chết, xóa bỏ tội lỗi nhân thế và dẫn lối những người đã khuất về miền cực lạc. Ngoại trừ hoàng đế và các phi tần, hoàng tử, trọng thần, bất cứ ai muốn sử dụng Dharani cũng phải dâng tấu xin phép hoàng đế và phải đạt đủ một số điều kiện nhất định mới được cho phép sử dụng.
Các chuyên gia xem xét tấm vải Dharani. Nguồn: Sohu
Tin tức về việc Thanh Đông Lăng bị đánh cắp đã nhanh chóng đến tai các trọng thần nhà Thanh, vua Phổ Nghi - vị vua cuối cùng của nhà Thanh vô cùng nổi giận, ông đã phái người đến lăng của Càn Long đế để thu thập những gì còn sót lại, trong đó có tấm vải liệm Dharani.
Tuy nhiên, chiến tranh loạn lạc đã khiến những cổ vật này lưu lạc nhân gian. Mãi đến một cuộc đấu giá năm 2005, người ta mới tìm lại được.
Vào thời điểm đó, tấm vải được giấu trong một chiếc áo cà sa và được coi như bảo vật gia truyền của ai đó. Bởi vì được ngụy trang như một chiếc áo choàng nên giá khởi điểm của chiếc áo trên thị trường đấu giá chỉ vào khoảng 80.000 NDT. Một quý ông họ Tần đã bỏ ra 90.000 NDT (319 triệu VND) mua về chiếc áo này.
Sau khi mang chiếc áo về nhà, người đàn ông này đã lấy chiếc áo ra nghiên cứu kỹ lưỡng và phát hiện ra tấm Dharani nằm bên trong.
Trong một cuộc phỏng vấn sau này, ông Tần tiết lộ rằng ngay tại cuộc đấu giá, ông đã phát hiện chiếc áo choàng này không hề đơn giản, vì vậy với tâm lý tò mò, ông đã bỏ ra 90.000 NDT để mang chiếc áo về.
Tấm vải liệm được trưng bày ở viện bảo tàng. Nguồn: Sohu.
Vào năm 2020, tấm Dharani này được đem ra đấu giá một lần nữa và được định giá tới 130 triệu nhân dân tệ (460 tỷ VND).
Giá trị tấm vải này không chỉ nằm ở việc nó là đồ tùy táng mang ý nghĩa tâm linh của hoàng đế cổ đại, mà nó còn là bằng chứng cho kỹ thuật thủ công tinh xảo của các nghệ nhân thời bấy giờ. Tấm thảm Dharani này dài khoảng 200cm và rộng 138cm, toàn bộ được làm lông linh dương Tây Tạng và nhung hươu.
Thậm chí từng sợi lông cũng được lựa chọn tỉ mẩn từ những con hươu khỏe mạnh nhất. Ước tính phải mất 3 đến 5 năm các nghệ nhân mới hoàn thành được tấm vải này.
Bên cạnh đó, tấm vải còn được trang trí bằng phương pháp Kesi - kỹ thuật thêu trên lụa của người Trung Quốc. Kỹ thuật này người đời sau vô cùng ngưỡng mộ vì sự tinh tế, nhẹ nhàng nhưng vô cùng sắc nét của hoa văn. Tấm vải này còn có hiệu ứng ba chiều vô cùng tinh vi, có thể coi là độc nhất vô nhị.
Bài viết tham khảo từ Sohu