Ngày 1/7, tại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, ông chủ Đinh Xuân Hướng bị chính con trâu số 18 của mình rượt đuổi ngay trong sới, húc ba phát vào đùi trái, ngực phải và sau gáy, gây tử vong do vết thương quá nặng.
Hình ảnh con trâu hung hãn húc sừng xuyên đùi và tung người lên không trung được các smartphone quay từ các góc khác nhau đưa lên mạng trong tiếng kêu thét và hỗn loạn trên sân, chứng tỏ không ai nghĩ sự cố đẫm máu này có thể xảy ra. Không ít người chứng kiến trực tiếp sẽ có những đêm khó ngủ bởi sự ám ảnh.
Ông Đinh Xuân Hướng bị trâu chọi của mình húc tử vong trong Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn sáng 1/7.
Xem thêm trên mạng những clip chọi trâu ghi lại cảnh hai con trâu lao vào nhau, một cú húc đã làm con kia chết ngay, gãy sừng, hay bị đâm thủng bụng, trong tiếng reo hò cùa hàng vạn người trên sân, man rợ như đấu trường La Mã.
Chọi trâu ở Việt Nam không phải là ngoại lệ. Trước đó hai tuần vào ngày 17/6, đấu sỹ bò tót Tây Ban Nha là Ivan Fandino 36 tuổi, do trượt ngã trên sân, bị con bò nặng hơn nửa tấn húc xuyên qua cổ họng ngay trên sân đấu trước mắt hàng vạn người ở Aire-sur-l’Adour, miền Tây Nam nước Pháp. Trước đó một năm, đấu sỹ 29 tuổi Victor Barrio cũng bị bò tót húc chết ngay trên trường đấu.
Trước khi vào trận đấu bò tót bị tra tấn, đưa ra trường đấu bị kỵ sỹ phi ngựa phi mấy dao găm vào lưng làm bò bị thương và hung dữ để trận đấu thêm gay cấn. Việc bò tót sẵn sàng húc chết đấu sỹ là bình thường vì bò coi đó là kẻ thù.
Nhưng trâu và chủ thì khác, chủ đâu phải kẻ thù. Nhất là vào sới đấu, chỉ con trâu trước mặt mới đáng húc.
Ở quê xưa, bọn trẻ chăn trâu từ 6-7 tuổi muốn lên xuống lưng trâu đều dạy trâu cúi đầu, trèo lên sừng và bám cổ trâu để leo lên lưng.
Hình ảnh miền quê thanh bình là con trâu đi trước, cái cày theo sau, trâu nghe lệnh và quen giọng của chủ. Biết bao thơ ca về con trâu hiền hòa "Trâu ơi ta bảo trâu này//Trâu ăn no cỏ trâu cày với ta".
Trâu có thể húc người lạ nhưng không bao giờ húc chủ, trừ trâu điên.
Dù là chủ trâu như ông Hướng hay đối thủ của bò tót như Fandino, cả hai đều đi đến một kết thúc đau đớn như nhau, khi lấy loài vật ra làm thú vui tiêu khiển.
Trên VnExpress, GS Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa, nói rằng chọi trâu là lễ hội truyền thống của người dân vạn chài vùng biển Đồ Sơn, có sự giao thoa giữa những yếu tố văn hóa nông nghiệp đồng bằng với văn hóa cư dân ven biển, gắn với nước, mặt trăng và cầu mùa trong sinh hoạt tâm linh của người xưa.
"Tuy nhiên, các hoạt động chọi trâu hiện nay không đáng để gọi là lễ hội truyền thống. Nó quá xa rời bản chất văn hóa đẹp đẽ ông cha tạo ra là cầu cho biển cả êm ả. Người ta đưa nó vượt ra khỏi không gian làng xã và chỉ còn là trò chơi núp bóng lễ hội, kích thích giải trí", GS Biền nói.
Ông phân tích, việc tổ chức hoạt động chọi trâu hiện núp dưới góc độ thượng võ, nhưng thực ra là lấy hình ảnh tàn bạo để kích thích tính hiếu kỳ của người xem. "Cần hủy bỏ việc chọi trâu quy mô lớn, bạo lực, chỉ nên duy trì những lễ hội truyền thống trong cấp làng xã", ông đề xuất
Tranh cãi về trò chơi mạo hiểm liên quan đến trâu bò vốn dĩ chưa có hồi kết.
Người ủng hộ cho là lễ hội truyền thống cần được bảo tồn. Những người yêu động vật gọi là trò man rợ, đầy mùi máu và cả mùi tiền, cần phải chấm dứt.
Tại Columbia đang nội chiến mấy thập kỷ, một nơi có truyền thống đấu bò tót như Tây Ban Nha, có phong trào tẩy chay môn thể thao đẫm máu này. Năm 2012 có thăm dò do tivi tổ chức, có tới 87% dân chúng phản đối đấu bò tót. 43% dân số ở tuổi dưới 25 nên có thể đoán thế hệ này sẽ xóa bỏ nghề đấu sỹ chuyên hạ sát những con bò đáng thương.
Theo số liệu của Bộ GDVHTT Tây Ban Nha, từ năm 2007 đến 2014, số trận đấu bò đã giảm từ 953 trận xuống 398 trận do kinh tế trì trệ, số người đến sân ít hơn. Cả vùng Catalonia bao gồm Barcelona bị cấm đấu bò tót từ 4 năm nay dù vùng này có truyền thống lâu đời với môn thể thao nổi tiếng.
Panama cũng cấm trò chơi này vào năm 2012. Bang Sonora ở Mexico làm tương tự vào năm 2013. Ecuador chưa cấm nhưng thủ đô Quito thì tuyệt đối cấm. Pháp đang làm tương tự, tòa án tối cao phán quyết đấu bò tót phải ra khỏi danh sách di sản văn hóa quốc gia.
Thế giới đã thay đổi. Còn Việt Nam thì sao?
Đến lúc trâu vào sới không biết đâu là chủ, đâu là trâu đối phương cần phải húc, mà cứ thấy gì chuyển động là lao tới như bò tót Tây Ban Nha, thì lễ hội chọi trâu còn chút giá trị nào gọi là truyền thống không, hay chỉ còn lại bạo lực và tàn ác?