Khi “Con rồng” Trung Quốc phải sợ hãi

Tiểu Mã |

Rất có thể kỳ Olympic Rio 2016 với người Trung Quốc sẽ không đẹp đẽ và tráng lệ như họ đã kỳ vọng.

Tham vọng lớn sắp sụp đổ và sự bào chữa quanh co

Trước Olympic Rio 2016, một số hãng truyền thông Trung Quốc trong đó có Beijing Evening News khẳng định đoàn Thể thao nước này đặt mục tiêu giành 30-36 HCV, cùng với Mỹ tạo nên sự khác biệt so với phần còn lại của thế giới.

Nhưng sau gần 2 tuần, ngay cả tới những chuyên gia của Trung Quốc cũng bắt đầu lo lắng cho viễn cảnh một kỳ Thế vận hội ảm đạm trên đất Brazil, bởi mục tiêu 30-36 HCV đang có nguy cơ rất lớn bị phá sản.

Tính tới hết ngày 15/8 (chỉ còn đúng 1 tuần trước ngày bế mạc), dù trải qua nhiều môn thi được kỳ vọng cao (bơi, lặn, TDDC, cử tạ, bóng bàn…) nhưng đoàn Trung Quốc chỉ mới giành được 15 HCV, nghĩa là chỉ một nửa mục tiêu đề ra.

Khi “Con rồng” Trung Quốc phải sợ hãi - Ảnh 1.

Đoàn Trung Quốc đang tụt dốc tại đấu trường Olympic.

Tất nhiên, Trung Quốc đang tỏ ra "không có cửa" trước Mỹ khi để xứ Cờ hoa nới rộng khoảng cách lên tới 10 tấm HCV, thậm chí còn bị đoàn Anh vượt lên chiếm vị trí số 2 trên bảng tổng sắp với 16 HCV.

Sự lo lắng thể hiện rõ qua nhiều bình luận được bày tỏ trên Twitter. Ngay cả tới Yang Dawei, một nhà báo kỳ cựu có quá nhiều năm gắn bó với nền thể thao Trung Quốc cũng phải thừa nhận trên tờ báo Dalian Daily:

"Sẽ là rất khó khăn để Trung Quốc có thể giành được 25 tấm HCV tại Rio. Đó là điều đáng buồn nhưng có lẽ chúng ta sẽ phải chấp nhận".

Tờ Thời báo Hoàn Cầu cũng phải lên tiếng để trấn an: "Có lẽ chúng ta nên khoan dung đối với sự hạn hán về những tấm HCV ở ĐTQG".

Khi “Con rồng” Trung Quốc phải sợ hãi - Ảnh 2.

Chỉ số khiến không nhiều người Trung Quốc cảm thấy hài lòng.

Ông Wenyi – một chuyên gia Thể thao giàu kinh nghiệm tại Đại học Bắc Kinh lại có một phát biểu nhằm mục đích… hạ thấp sự kỳ vọng của người dân nước này, hoặc cũng có thể là một lời bào chữa quanh co:

"Trung Quốc đã phát triển từ một đất nước lạc hậu để trở thành cường quốc thứ 2 thế giới. Chúng ta không cần phải sử dụng sức mạnh của thể thao để thúc đẩy sự tự tin của chính mình".

Tờ Nhân dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng tìm cách để bào chữa khi cho rằng sở dĩ đoàn Trung Quốc chưa đạt được kết quả như mong đợi là do những nguyên nhân khách quan như tình trạng chấn thương của các VĐV…

Đài truyền hình quốc gia – CCTV lại viện ra nhiều lý do, trong đó có công tác trọng tài. Thậm chí người dẫn chương trình Chen Huaijie của đài này còn đưa ra một "chân lý: "Anh hùng có khi chẳng cần tới vương miện. Biết đâu đó lại là sự quyến rũ của Thế vận hội"?!

Một quan chức khác của ngành thể thao lại nói: "Việc giành được bao nhiêu HCV không quan trọng, quan trọng là các VĐV có thể trở về một cách an toàn".

Niềm kiêu hãnh bị bào mòn

Olympic Rio hoàn toàn có thể trở thành kỳ Thế vận hội nhạt nhòa nhất của đoàn Trung Quốc kể từ Sydney 2000.

Cách đây 16 năm tại Australia, dù xếp thứ 3 toàn đoàn (sau Mỹ, Nga) nhưng Trung Quốc vẫn giành tới 28 HCV, 16 Bạc, 15 Đồng.

4 năm sau tại Athens (Hy Lạp), quốc gia đông dân nhất thế giới đã xuất sắc hạ bệ Nga để leo lên thứ 2 với 32 HCV (chỉ kém Mỹ 4 tấm HCV).

Tới Thế vận hội Bắc Kinh 2008, với lợi thế chủ nhà, không ngạc nhiên khi Trung Quốc lật đổ Mỹ để ngự trị ngôi vương với 51 HCV, bỏ xa đoàn Mỹ tới 11 HCV. Ở kỳ Olympic London 4 năm sau đó, Trung Quốc cũng xuất sắc giữ vị trí thứ thứ 2 với 38 HCV.

Khi “Con rồng” Trung Quốc phải sợ hãi - Ảnh 3.

Sun Yang dù giành 1 HCV tại Rio nhưng chừng đó là chưa đủ so với những kỳ vọng.

Trở lại hiện tại, khi ngày hội Olympic Rio chỉ còn 1 tuần nữa là hạ màn, người Trung Quốc chẳng còn nhiều hy vọng để tạo nên một cuộc "chạy nước rút thần thánh".

Trên lý thuyết, đoàn Trung Quốc còn cơ hội cạnh tranh vàng ở khá nhiều môn được đánh giá cao như điền kinh, cầu lông, boxing, TDDC, vật.

Song thực tế, ở những kỳ Thế vận hội gần đây, Trung Quốc lại chỉ tỏ ra có thế mạnh với những môn ít đối đầu với Mỹ (như bóng bàn, cầu lông, bắn súng…). Và ngay cả những môn trên dù được đánh giá cao thì cũng chỉ có cầu lông và TDDC là có cơ hội giành vàng thực sự khả dĩ.

Nếu như vào ngày bế mạc tại Rio, đoàn Trung Quốc chỉ có thể khép lại tối đa 25 HCV như tính toán của nhà báo Yang Dawei thì đó chắc chắn sẽ là một thất bại đối với quốc gia này.

Mao Zhixiong – một chuyên gia khác của Đại học Bắc Kinh đã thừa nhận dấu hiệu "xuống dốc" của Thể thao Trung Quốc với phát biểu: "Rõ ràng, cơn sốt vàng của chúng ta đang mờ dần".

Ông Mao cũng phát biểu: "Chúng ta vẫn cần phải sử dụng sức mạnh thể thao như một phần để khẳng định sức mạnh của đất nước Trung Hoa trên toàn thế giới".

Khi “Con rồng” Trung Quốc phải sợ hãi - Ảnh 4.

Nhiều VĐV Trung Quốc chưa đạt điểm rơi phong độ tại Rio.

Những năm qua, nền Thể thao Trung Quốc không ít lần bị truyền thông nước ngoài, trong đó có truyền thông Mỹ phê phán vì cách đào tạo quá hà khắc đối với các VĐV, bắt nguồn từ căn bệnh thành tích vốn dĩ rất trầm kha.

Biết đâu, chính sự hà khắc đó lại đang khiến người Trung Quốc phải trả giá khi nhiều VĐV đã không thể giữ điểm rơi phong độ khi bước thi đấu tại Rio, như những trường hợp của Sun Yang, Ning Zetao, Fu Yuanhui có thể là minh chứng.

Nếu như Thể thao đang thực sự tụt dốc, điều đó chẳng khác nào một cơn lốc đang bào mòn niềm kiêu hãnh của người Trung Quốc.

Và tất nhiên, đất nước Trung Hoa vốn yêu thích sự hào nhoáng sẽ cần phải nhìn lại thay vì vỗ ngực tự huyễn hoặc vào chính bản thân mình.  

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại