Một bà mẹ ở Trung Quốc mới đây chia sẻ câu chuyện: "Cuối tuần rồi tôi cùng con đi mua sắm, tình cờ gặp hai mẹ con nọ đang đứng trước một toa tàu điện ngầm. Đứa trẻ muốn được mẹ ôm vào lòng, nhưng người mẹ khẳng định con nên tự đi. Dù bé năn nỉ, cô cũng không nhân nhượng, dứt khoát quay lưng bỏ đi. Đứa trẻ khóc thét: "Mẹ đừng đi!". Nhưng người mẹ không quay lại nhìn cho đến khi đứa trẻ loạng choạng và ngã.
Đến lúc đó cô mới nhận ra con gái bị trẹo chân khi xuống tàu. Vì cuộc rượt đuổi vừa rồi, mắt cá chân nhỏ đã đau càng thêm sưng đỏ khiến ai nấy xót xa. Nếu người mẹ lúc đó có thể kiên nhẫn hỏi đứa trẻ tại sao lại muốn bế, có lẽ vết thương đã không trầm trọng đến thế".
Nhiều bậc cha mẹ không coi trọng lời nói của con cái bởi suy nghĩ "con nít thì biết gì" hay chỉ làm nũng. Chúng ta dùng suy nghĩ của người lớn để định nghĩa trẻ nên luôn phớt lờ và cảm thấy những gì trẻ nói là tầm thường. Không những thế, khi trẻ đưa ra yêu cầu, nhiều người lớn còn viện cớ qua loa chiếu lệ để làm hài lòng trẻ. Chẳng hạn như "ăn sau", "mua lần sau"...
Điều này không chỉ gây sang chấn tâm lý cho trẻ mà còn ảnh hưởng đến tình cảm gia đình.
Thực tế cho thấy, trẻ con thường nhạy bén và thông minh hơn chúng ta nghĩ, đặc biệt là 4 câu sau, một khi trẻ đã nói ra thì cha mẹ đừng lơ là bỏ qua, đừng để sự "keo kiệt" của mình ảnh hưởng đến cuộc đời con cái:
1. "Bố/mẹ sẽ ở với con một chút chứ?"
Vì trẻ em chỉ lớn lên một lần, nên sự đồng hành cùng con trở nên đặc biệt quý giá. Nếu con nói điều này, cha mẹ thực sự nên nghĩ xem liệu mình có dành quá ít thời gian cho con hay không. Dù trẻ đang ở giai đoạn nào thì cũng không thể tách rời sự chăm sóc của cha mẹ.
Dù cha mẹ thực sự quá bận rộn khó có thể cân bằng giữa công việc và con cái, nhưng hãy dành một giờ cho con mỗi ngày, gác lại công việc và điện thoại di động, để hiểu và đồng hành cùng con. Chúng ta phải biết rằng sự quan tâm của cha mẹ không chỉ mang lại cho trẻ sự chăm sóc về thể chất mà còn là sự trưởng thành về mặt tinh thần!
2. "Con muốn tự mình làm!"
Đây là biểu tượng cho sự phát triển ý thức độc lập của trẻ! Có thể ban đầu chỉ là những việc nhỏ như buộc dây giày và mặc quần áo, nhưng nó đã là một bước tiến lớn. Nếu lúc này cha mẹ phớt lờ yêu cầu sẽ làm nản lòng nhiệt tình của trẻ. Trong một nghiên cứu, những người thành công có xu hướng dựa vào bản thân nhiều hơn là cha mẹ để giải quyết các vấn đề khi còn nhỏ. Vì vậy, trau dồi tính tự lập cho trẻ cũng là bước đầu tiên dẫn trẻ đến thành công.
Khi con muốn tự làm, cha mẹ đừng quá phiền hà, hãy đồng hành cùng con để thực hiện. Suy cho cùng, cha mẹ chỉ là người dẫn đường, và con cái luôn cần tự bước đi trên con đường tương lai.
3. "Bố/mẹ nghĩ con đang làm tốt chứ?"
Mong muốn được khẳng định là một phần quan trọng trong quá trình phát triển tâm lý của trẻ. Trẻ em liên tục hỏi cha mẹ: "Con có đẹp trai không?"; "Con rất ngoan phải không?"... cũng là lúc chúng đang tìm kiếm sự đồng tình hay khen tặng của cha mẹ.
Trong bộ phim Nhật Bản "Cuộc đời của Matsuko", cô bé Matsuko luôn bị cha từ chối, đánh giá thấp. Khi còn là một cô bé tiểu học, cô luôn tìm cách làm cho cha vui (dù là phải làm những hành động kì dị. Matsuko làm mọi thứ vì cảm thấy cha chỉ dành tình cảm yêu thương cho cô em gái bệnh tật của mình.
Lớn lên, dù là một người tốt, yêu hết mình, có giọng hát cực kì hay, nhưng trớ trêu thay những hành động tốt của Matsuko luôn đem kết quả ngược lại và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc đời của cô. Cô càng yêu, càng sống hết mình vì người mình yêu thì những gì cô nhận được lại càng tệ hơn. Cô khiêm tốn cầu xin tình yêu, lựa chọn công việc một cách u mê, cuối cùng chán nản và không thể thoát khỏi cảm giác tự ti cả đời.
Những đứa trẻ không có ý thức về bản sắc của mình thường dễ bị đánh giá thấp. Và ngược lại, những đứa trẻ được cha mẹ tôn trọng, động viên lâu dài sẽ tự tin hơn và có chỗ đứng riêng trong xã hội.
Vì vậy, khi trẻ hớn hở cầm "tác phẩm" của mình và hỏi bạn xem có đẹp không, dù bận rộn, hãy dành một phút để khen ngợi dựa trên sự cố gắng của trẻ, để trẻ cảm thấy nỗ lực của mình không phải là vô ích!
4. "Bố/mẹ đừng mắng con nữa được không?"
Trẻ em thực sự biết vấn đề của chính mình sau khi mắc lỗi, chúng thường cảm thấy rất tội lỗi và tự trách bản thân. Lúc này, nếu cha mẹ vẫn chỉ trích không ngừng thì sẽ tác động rất lớn đến tâm lý của trẻ, khiến trẻ cảm thấy mình thật vô dụng.
Trong một tập của "Bố ơi mình đi đâu thế" bản Trung Quốc, khi đối mặt với một Trần Tiểu Xuân đang tức giận, con trai của nam diễn viên đã hỏi ba lần liên tiếp: "Bố có thể đừng giận nữa không?". Nó khiến Trần Tiểu Xuân nhận ra mình quá nghiêm khắc với con cái nên đã thay đổi thái độ, mối quan hệ cha con sau đó cũng trở nên thân thiết hơn.
Khi con yêu cầu bạn ngừng mắng mỏ, hãy bình tĩnh và suy nghĩ xem liệu hành động của bạn có đi quá xa và khiến con bạn sợ hãi hay không. Nhu cầu tâm lý của trẻ đôi khi đáng được quan tâm hơn cả sức khỏe thể chất, học cách hướng dẫn trẻ đúng cách cũng là một khóa học bắt buộc đối với các bậc cha mẹ.