Nếu hỏi tất cả những ai đã từng làm cha mẹ rằng họ mong muốn điều gì ở con của họ nhất, có lẽ câu trả lời của rất nhiều cha mẹ sẽ là mong con bình an, kiên cường và mạnh mẽ.
Đúng vậy, con phải bình an cả thể xác lẫn tinh thần, phải kiên cường, phải mạnh mẽ để khám phá thế giới, để đối diện với những khó khăn, chông gai trên đường đời mà con đi.
Nhưng để có được những điều này, cha mẹ cần phải trang bị cho trẻ một kỹ năng quan trọng, đó là kiểm soát cảm xúc.
Vì chỉ khi nào biết kiểm soát cảm xúc, trẻ mới có thể trở thành người thông minh, tốt bụng, chu đáo, biết chăm sóc và tôn trọng bản thân cũng như người khác.
Chỉ khi nào biết kiểm soát cảm xúc, trẻ mới có thể trở thành người thông minh, tốt bụng, chu đáo, biết chăm sóc và tôn trọng bản thân cũng như người khác (Ảnh minh họa).
Trên đời này có cha mẹ nào mà chẳng thương con. Ôm, hôn ,yêu thương và nuông chiều là cách thể hiện tình yêu nhiều nhất.
Ngoài ra, cha mẹ có thể đăng ký cho trẻ tham gia vô số các hoạt động ngoại khóa, lên kế hoạch đi chơi và nghỉ dưỡng, cho trẻ học nhạc, học ngoại ngữ, bóng đá, múa ba lê,… và cố gắng hết sức mình để cho con được học trường tốt nhất.
Nhưng hãy dừng lại một chút để nghĩ về hạnh phúc. Liệu tất cả những gì cha mẹ đang làm có khiến con hạnh phúc hay không?
Thời gian có một quyền năng vô hạn đó là làm thay đổi mọi thứ, và những đứa trẻ cũng không thoát được quy luật này.
Khi được 2 tuổi, dường như chỉ sau 1 đêm, mọi thứ về trẻ thay đổi 720 độ.
Những thiên thần bé nhỏ đáng yêu, dễ thương, hay cười hay nói bỗng nhiên bị thay thế bởi một đứa trẻ bướng bỉnh, hay cãi, hay dỗi, không biết cách cư xử và chống đối lại cha mẹ.
Cha mẹ ngỡ ngàng, ngơ ngác không hiểu chuyện gì đang đến với con của mình, còn các nhà tâm lý học gọi nó bằng cái tên là khủng hoảng tuổi lên 2.
Khủng hoảng tuổi lên 2 là giai đoạn mà trẻ đòi thể hiện cái tôi của mình một cách mãnh liệt. Nhu cầu duy nhất của trẻ trong thời điểm này là được thể hiện mình là ai, và mong muốn cha mẹ hiểu điều đó.
Nhưng không phải cha mẹ nào cũng hiểu. Khi "nghẹt thở" với những nhu cầu trẻ, cha mẹ thường lựa chọn cách bỏ qua chúng.
Thậm chí, dù vô tình hay cố ý, cha mẹ đều cố gắng uốn nắn trẻ, và định hình hành vi của chúng theo một số kỳ vọng định sẵn về hình mẫu trẻ là ai trong lòng cha mẹ.
Bằng cách phủ nhận bản thân trẻ, cha mẹ đã lấy đi khả năng hiểu chính mình, niềm đam mê khám phá thế giới và cắt đứt sự tò mò của trẻ.
Bạn đã gián tiếp rút ngắn động lực để trẻ học hỏi.
Bạn cũng đánh cắp sự tự tin để trẻ có thể củng cố các mối quan hệ, và quan trọng nhất là bạn làm gián đoạn khả năng phát triển các kỹ năng kiểm soát cảm xúc cần thiết để trẻ trở thành người thành công trong cuộc sống tương lai.
Bởi thành công không có nghĩa cứ phải là học sinh giỏi, hay là nghệ sĩ nổi tiếng hoặc doanh nhân thành đạt. Nếu đạt những điều đó thì quá tốt.
Nhưng một người cảm thấy tự tin để khám phá thế giới xung quanh với sự phấn khích và tò mò, không sợ phạm sai lầm, một người biết cảm nhận thế nào là an toàn để kết bạn và biết bật khóc khi buồn, một người biết cách xử lý cuộc sống, biết học hỏi, tự đứng lên và quan tâm đến người khác cũng được gọi là thành công.
Nhưng trẻ có thể làm hoặc nói nhiều điều mà theo quan điểm của người lớn là không hợp lý, không được xã hội công nhận, thậm chí là rất vô lý thì sao?
Thật vậy, có nhiều khi trẻ có những hành động hoặc lời nói phi logic khiến cha mẹ cảm thấy lo lắng và xấu hổ.
Và theo bản năng, cha mẹ sẽ có xu hướng sửa sai hoặc chỉ trích hay đơn giản là ngăn cấm không cho trẻ nói hoặc làm nữa. Bởi dưới mắt nhìn của người lớn, những hành vi giận dữ, không nghe lời, ném đồ đạc, chống đối cha mẹ… là những hành động xấu mà bạn cần phải kiểm soát và dạy bảo trẻ.
Nhưng bạn lại quên rằng chúng ta khi mất kiểm soát cũng sẽ có những hành động sai trái, và những gì trẻ đang thể hiện chỉ vì để khẳng định cái tôi của mình trong thời kỳ khủng hoảng tuổi lên 2.
Điều quan trọng cha mẹ cần làm lúc này là dạy trẻ cách điều khiển và kiểm soát cảm xúc của mình.
Điều quan trọng cha mẹ cần làm trong giai đoạn này là dạy trẻ cách điều khiển và kiểm soát cảm xúc của mình (Ảnh minh họa).
Có 6 cách mà cha mẹ có thể tương tác với trẻ trong thời kỳ khủng hoảng tuổi lên 2
1. Cha mẹ là tấm gương sáng về việc tạo mối quan hệ an toàn và tốt đẹp với mọi người xung quanh.
2. Hãy lắng nghe trẻ thay vì luôn nói và chỉ đạo chúng.
3. Cho trẻ tự do chơi và khám phá.
4. Cho phép trẻ có không gian và cơ hội để trải nghiệm sự thất bại.
5. Dạy trẻ làm việc để trẻ hiểu mình là ai và mình cần gì ở từng độ tuổi nhất định.
6. Cung cấp cho trẻ các qui định và hướng dẫn trẻ về những ranh giới ấy.
Những hành động đơn giản này giúp trẻ xây dựng một nền tảng vững chắc để phát triển trong thời gian chúng mới bắt đầu thử nghiệm tập hiểu bản thân trong mối quan hệ với người khác.
Nó cũng đáp ứng và quản lý những cảm xúc phức tạp của trẻ.
Vậy cha mẹ hãy thử đoán xem điều gì sẽ xảy ra khi bạn tương tác với trẻ theo cách này?
Khi cha mẹ trở nên bình tĩnh, đáp ứng rõ ràng những gì trẻ thực sự đang cần ở thì hiện tại thay cho những gì cha mẹ đang đòi hỏi ở con, đồng thời cha mẹ linh hoạt cho trẻ được lựa chọn mọi thứ theo ý thích trong giới hạn cho phép thì trẻ cũng sẽ tạm thời "đình chiến" với cha mẹ.
Cha mẹ hãy thay đổi quan điểm của mình và học cách nhìn thế giới qua con mắt của con bạn.
Điều này sẽ giúp trẻ trở nên tự tin, giúp kích thích trí tuệ cũng như trí tưởng tượng của trẻ, đồng thời thúc đẩy trẻ phát triển ý thức mạnh mẽ về bản thân trong các mối quan hệ với người khác.
Nuôi dạy con bằng cách này, cha mẹ cho trẻ cơ hội được tò mò, sáng tạo, kiên cường và hạnh phúc – đây là chìa khoá cho sự thành công suốt đời của trẻ.