Thời buổi vật tư leo thang hiện nay kéo theo các mặt hàng đồng loạt tăng giá với tốc độ chóng mặt. Dường như không ai có thể thoải mái giữa cơn bão lớn mang tên "bão giá", kể cả là các bạn học sinh sinh viên. Biểu hiện rõ nhất thì chẳng cần nói đâu xa, chỉ cần nhìn vào mâm cơm của team sinh viên ở trọ hiện giờ là rõ liền.
Đúng là "bão nào bằng bão giá". Trước ảnh hưởng của cơn bão không có cấp nhưng lại giật dữ dội này, những thói quen ăn uống ngày trước của sinh viên đã được thay thế bằng muôn kiểu tiết kiệm mới. Mới ra sao thì cùng tìm hiểu nhé!
Chia tay cơm tiệm, tiết kiệm tiền nong
Trước đây, việc ăn cơm hàng là một lựa chọn được nhiều sinh viên ưa tiên bởi tính tiện lợi mà nó mang lại khi có thể tiết kiệm về mặt thời gian trong việc nấu nướng. Tuy nhiên, khi thời "bão giá" ập đến, mọi thứ đều leo thang, do đó việc ăn cơm hàng không còn là lựa chọn tối ưu.
Phương Linh, sinh viên năm nhất trường Học viện Tài chính bày tỏ: "Sinh viên phải chịu nhiều mối lo về nhà ở, phí sinh hoạt, học phí… Trước tác động của thời 'bão giá', bữa cơm hằng ngày cũng trở thành một vấn đề đáng lo ngại đối với các bạn sinh viên".
Có thể nói, cơm áo gạo tiền - điều cơ bản nhất cũng khiến nhiều bạn phải đắn đo tính toán, xem xét để bớt đi khẩu phần ăn của chính mình. Nhiều bạn sinh viên để tiết kiệm chi phí chỉ ăn 1 bữa chính 1 ngày, bữa phụ thì sẽ ăn qua loa cho xong, hoặc nhịn đói. Như thế sẽ bớt đi được một khoản cho chi phí sinh hoạt. Còn đối với Phương Linh, việc tự nấu nướng ở nhà sẽ là sự lựa chọn tuyệt vời hơn cả.
"Đối mặt với thời bão giá, bản thân mình tự thấy khó mà có thể kiểm soát được ví tiền và cân bằng chi phí hợp lí. Mình đã cố gắng giảm thiểu những chi phí không cần thiết, bớt đi chi phí ăn vặt, không bỏ tiền để 'đu trà sữa' và tiết kiệm hơn nữa bằng cách tự nấu ăn, Phương Linh bày tỏ.
Phương Linh cảm thấy khó mà có thể kiểm soát được ví tiền và cân bằng chi phí hợp lí
Trong khi đó, Phương Thanh, sinh viên năm 2 trường Học viện Tài chính ước tính, ăn hàng trung bình sẽ hết khoảng 30 nghìn đồng/một suất cơm. Nếu ăn 2 bữa/ngày kèm theo đó là tiền ăn sáng, ăn vặt thì có khi chúng ta có thể tiêu tốn lên đến 100 nghìn/ngày. Nhân đều số tiền đó cho 30 ngày, số tiền phải bỏ ra chỉ riêng cho việc ăn uống đã "sương sương" 3 triệu đồng - một số tiền chẳng hề nhỏ với sinh viên.
"Việc ăn cơm hàng ở thời điểm hiện tại theo mình là không khả quan. Bởi lẽ, mọi thứ đều đồng loạt tăng giá vậy nên giá cho những suất cơm hàng cũng không thể nào bình ổn được. Do đó, mình quyết định tự nấu ăn ở nhà. Cách này vừa tiết kiệm chi phí, lại vừa có thể đảm bảo được sức khỏe cho bản thân", Phương Thanh chia sẻ.
Phương Thanh bày tỏ việc ăn cơm hàng ở thời điểm hiện tại là không khả quan
Tự nấu cơm ở nhà cũng là thói quen của Anh Nhân (sinh viên năm 3, trường Đại học Tài nguyên và Môi trường). Theo cậu bạn, ngay từ trước lúc "bão giá" ập đến, Anh Nhân đã duy trì thói quen tự nấu ăn ở nhà. Dẫu vậy, việc tự nấu ăn suy cho cùng không đơn giản chút nào.
Anh Nhân cho hay: "Việc tự nấu ăn ở nhà đôi khi sẽ vô cùng vất vả, đặc biệt đối với các bạn sinh viên. Mình thường học vào buổi sáng với thời gian bắt đầu từ khá sớm, xong kết thúc lại vô cùng muộn. Trưa về mệt, mình còn phải đi mua thức ăn và chế biến chúng. Nhiều lúc, 1-2h mình mới kịp ăn cơm trưa, có khi không kịp nấu xong mà mình đã phải vào ca học tiếp theo".
Bản thân Minh Hùng (sinh viên trường Đại học Phenikaa) cũng cảm thấy số tiền mình bỏ ra trong việc ăn uống là khá tốn kém. Vì ở kí túc xá cấm nấu ăn nên Minh Hùng phải ăn cơm ngoài hàng hoàn toàn, dẫn đến chi phí phải bỏ ra vô cùng lớn. Chính bởi vậy, Minh Hùng dự tính trong thời gian sắp tới sẽ thuê trọ ra ở chung với bạn bè để tiết kiệm chi phí.
Minh Hùng cảm thấy số tiền bỏ ra trong việc ăn uống là khá tốn kém.
Từ bỏ cơm hàng để ăn cơm nhà không phải là cách duy nhất mà sinh viên xoay sở trong thời kỳ vật tư leo thang như hiện nay. Việc rủ bạn bè nấu chung cũng là một cách tốt mà cô bạn Nguyễn Phương Linh, sinh viên năm 1 trường Học viện Tài chính áp dụng.
"Mình có rủ nhóm bạn thân của mình nấu cơm ăn chung, vừa tiết kiệm chi phí mua thực phẩm, vừa có thể tiết kiệm được tiền điện, nước và những phụ phí khác.
Có thể nói, khi ăn cơm chung mỗi người góp một chút thức ăn là có thể hoàn chỉnh được một bữa cơm 'thịnh soạn' với sinh viên. Nhìn thì có vẻ tốn kém hơn nhưng khi chia đầu người ra lại vô cùng tiết kiệm", Phương Linh nói.
Một vài bữa cơm của Phương Linh với bạn bè của mình
Tuy nhiên, Hương Giang (sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội) lại không tán đồng với việc cơm tự nấu tiết kiệm hơn cơm hàng. Bởi lẽ, việc tự nấu cơm không chỉ tốn tiền mua thực phẩm mà rất nhiều thứ khác kéo theo nhưng ga, điện... Suy cho cùng, việc ăn cơm hàng hay ăn cơm tự nấu sẽ không chênh nhau là mấy nhất là trong thời buổi "bão giá" như hiện nay.
Hương Giang cho rằng, việc ăn cơm hàng hay ăn cơm tự nấu sẽ không chênh nhau là mấy nhất là trong thời buổi "bão giá" như hiện nay
Nhận đồ "tiếp tế", không thế thì sao?
Trước đây, Anh Nhân được bố mẹ chu cấp cho khoảng 4 triệu rưỡi/tháng để chi trả cho mọi khoản phí của một sinh viên ngoại tỉnh lên Hà Nội học, song khi được bố mẹ "tiếp tế" thực phẩm từ dưới quê lên, số tiền mà cậu bạn nhận được vì thế cũng được rút lại khoảng 2 triệu một tháng.
"Mình thấy mức chi phí đó là hợp lý để bản thân chi tiêu trong vòng 1 tháng. Dù mức giới hạn tiều chu cấp của bố mẹ đã giảm gần một nửa so với trước nhưng còn hơn việc mình phải tự xoay sở thực phẩm trong thời buổi "bão giá" như hiện nay khi mà từ cọng hành, quả chanh đến mớ rau, miếng thịt đều tăng giá.
Nếu như bố mẹ vẫn gửi cho mình 4 triệu với điều kiện mình phải tự mua thức ăn để nấu nướng, e rằng với số tiền đó là không đủ cho bản thân mình chi tiêu", Hương Giang bày tỏ.
Hay đối với Huỳnh Đức, dù đã có thể tự túc trong việc kiếm tiền, nhưng quản lý chi tiêu trong thời buổi như ngày nay vẫn là khó khăn đối với cậu bạn. Đức vẫn cần bố mẹ cung cấp thực phẩm từ quê, còn mọi khoản phí khác cậu bạn sẽ tự mình chi tiêu.
Huỳnh Đức vẫn cần bố mẹ cung cấp thực phẩm từ quê
Khi hỏi về lý do tại sao lại quyết định gửi đồ ăn từ quê xuống cho con, cô Trịnh Khanh (Sơn La) - một phụ huynh chia sẻ, việc "tiếp tế" này không chỉ là một cách tốt để đối mặt với thời buổi "bão giá" như hiện nay, mà còn có thể cung cấp được nguồn thực phẩm sạch để đảm bảo sức khỏe.
"Cô khá lo vì sợ rằng con sẽ không được ăn uống những thực phẩm đảm bảo cho sức khỏe, nên đều như tăm tắp 2 lần/tháng, cô sẽ gửi thực phẩm tươi sạch từ trên này xuống cho con. Tính ra số tiền mình mua thực phẩm ở đây để gửi xuống dưới đấy không quá chênh lệch so với việc con phải tự lo lắng thực phẩm mọi thứ. Nhưng bù lại, con được ăn đảm bảo thì mình cũng an tâm hơn phần nào".
Có một cách khác cũng được nhiều bạn sinh viên áp dụng đó là rủ bạn bè cùng quê mua chung thực phẩm.
"Bố mẹ thường gom thực phẩm tươi sạch từ quê để gửi cho bọn mình. Đó là một cách vô cùng hiệu quả để vừa tiết kiệm chi phí, vừa được ăn thực phẩm đảm bảo. Bố mẹ sẽ mua đa dạng các loại thực phẩm như: thịt bò, thịt gà, cá... Nhưng khi chia ra lại không quá đắt đỏ mà thay vào đó là vô cùng hợp lý", cô bạn Phương Linh thủ thỉ.
Vậy còn bạn, cơn "bão giá" đã càn quét mâm cơm của bạn như thế nào vậy?
Ảnh: NVCC