Nếu bạn nghĩ việc tìm một trung tâm chăm sóc trẻ em ở Mỹ là khó khăn thì hãy thử đến Nhật Bản.
Với những vị phụ huynh Nhật Bản, công cuộc tìm trường mầm non hay nhà trẻ cho con thật sự là một cuộc chiến.
Tính đến năm 2016, có gần 3 triệu trẻ em phải xếp hàng để vào trường mầm non công lập ở nước này.
Sự khốc liệt này đã dẫn đến việc ra đời của "baby hotels" - những nhà trẻ trái phép ẩn chứa bao nguy hiểm rình rập.
Nhân viên chăm sóc trẻ ít kinh nghiệm thậm chí không có bằng cấp
Để khắc phục sự thiếu thốn cơ sở chăm sóc trẻ, chính phủ Nhật Bản đã đưa ra những kế hoạch để tăng số lượng nhà trẻ.
Tuy vậy, chất lượng chăm sóc lại không hề tỉ lệ thuận với số lượng tăng thêm.
Chất lượng chăm sóc tại các "baby hotels" không hề được đảm bảo.
Tháng 12 năm 2015, bé Rinto Idenawa đã qua đời vì tổn thương não khi được gửi ở nhà trẻ Chibikko Boy tại Hiratsuka, tỉnh Kanagawa.
Người bị tình nghi đã bạo hành và gây ra cái chết thương tâm của cậu bé là nhân viên trông trẻ.
Hay vào tháng 3 năm 2016, Kento - cậu bé 14 tháng tuổi đã chết tại trung tâm chăm sóc trẻ em Nihonbashi Muromachi ở Tokyo.
Nhân viên chăm sóc đưa cậu bé vào một phòng riêng biệt để ngủ trưa do em chưa quen với việc ngủ theo nhóm.
Họ đặt em nằm sấp, xoa lưng và rời khỏi phòng khi xác định là em đã ngủ. Hơn hai giờ sau, nhân viên chăm sóc mới kiểm tra vì không thấy em thức dậy.
Cậu bé đã qua đời khi ngủ trong tư thế nằm sấp.
Mẹ của Kento - cậu bé qua đời tại trung tâm chăm sóc trẻ em Nihonbashi Muromachi ở Tokyo.
Mẹ của Kento cho rằng, hơi thở và màu da mặt của con không được kiểm tra.
Nhân viên tại trung tâm thừa nhận rằng, họ không được đào tạo về vấn đề này, thái độ làm việc của nhân viên có phần lơ là, lỏng lẻo.
Thời điểm thành lập cơ sở vào năm 2011, ngoài người đứng đầu và 4 nhân viên chuyên nghiệp thì lúc sự việc xảy ra chỉ có 2 nhân viên bán thời gian không có giấy phép.
Kinh nghiệm trong nghề của họ cũng chỉ xấp xỉ 1 năm.
Ở những cơ sở khác còn có rất nhiều nhân viên chăm sóc không hề có bằng cấp, việc này dẫn đến xảy ra nhiều tai nạn thương tâm.
Theo số liệu của văn phòng Nội các Nhật Bản, 9 trẻ em đã chết tại các nhà trẻ trong năm 2015.
Tuy điều này không chỉ xảy ra ở Nhật, nhưng ở Anh hay các nước châu Âu, nhân viên chăm sóc trẻ cần phải trải qua các đợt kiểm tra và cấp bằng.
Tất cả các cơ sở cũng thường xuyên được tổ chức Ofsted kiểm tra.
Ngược lại, Nhật Bản thiếu hệ thống luật lệ kiểm soát tương tự, đồng nghĩa với việc các nhà trẻ kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn vẫn nhan nhản.
Môi trường không đảm bảo vệ sinh, thiếu thốn các dịch vụ y tế đi kèm
Một nhân viên làm việc tại nhà trẻ ở Nagasaki đã miêu tả nơi làm việc của mình bằng hai từ "bẩn thỉu".
Cô nói rằng, trung tâm chăm sóc không hề cung cấp một chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ em. Thức ăn không tươi và trẻ phải ăn thức ăn đóng gói mỗi ngày.
Một trung tâm chăm sóc trẻ em tại Tokyo.
Việc vệ sinh cũng vậy. Tại trung tâm không có bồn tắm hay vòi hoa sen để tắm cho trẻ. Sau khi các bé ăn, nhân viên tại đây cũng không lau rửa đúng cách.
Da trẻ trong giai đoạn này rất dễ bị tổn thương nên khi không được vệ sinh đầy đủ sẽ bị viêm nhiễm và gây ra những bệnh nguy hiểm.
Những "baby hotels" này đều quảng cáo như "rót mật vào tai" phụ huynh về sự đầy đủ của dịch vụ y tế hay các bác sĩ chuyên khoa.
Họ sẵn sàng cung cấp những bữa ăn bổ sung và có thể chăm sóc trẻ bị ốm qua đêm. Mức phí cho dịch vụ này là 20.000 JPY (khoảng hơn 4 triệu đồng) một đêm.
Trong thực tế, không hề xuất hiện bóng dáng của bất kỳ một vị bác sĩ, y tá hay chuyên gia dinh dưỡng nào tại trung tâm.
Khi "baby hotels" là lựa chọn cuối cùng của cha mẹ Nhật
Chẳng cha mẹ nào muốn đưa con vào nơi không an toàn nhưng tình trạng khan hiếm nhà trẻ và trường mầm non công ở Nhật Bản khiến họ không còn lựa chọn nào khác.
Ít người nước ngoài biết học phí của những trường mầm non công ở Nhật Bản phụ thuộc vào thu nhập của cha mẹ trẻ.
Bởi vậy thu nhập của cha mẹ càng thấp thì càng phải đóng ít học phí. Để có thể thực thi một chế độ rất nhân văn này, chính phủ Nhật phải hỗ trợ rất nhiều cho các trường mầm non.
Bởi vậy, bài toán kinh phí không cho phép họ mở thêm nhiều nhà trẻ.
Chính nhờ sự hỗ trợ này, cha mẹ đều muốn đưa con vào các trường công. Điều này khiến cho cuộc cạnh tranh hồ sơ thêm cam go.
Thời gian thông qua đơn đăng ký cũng rất lâu (từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau). Tờ giấy báo con trúng tuyển vào cơ sở công giống như một "tấm vé số độc đắc" với các bậc cha mẹ ở Nhật.
Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn dành được một suất cho con.
Lựa chọn cuối cùng của cha mẹ Nhật Bản là những nhà trẻ địa phương như "baby hotels".
Mặt khác, chính phủ luôn thúc đẩy phụ nữ làm việc, bản thân họ cũng muốn có sự nghiệp nhưng họ vẫn phải chịu áp lực từ việc chịu trách nhiệm chăm sóc trẻ.
Trong khi đó, quy định về công việc tại Nhật rất cứng nhắc.
Khi phụ nữ không thể đảm bảo công việc ổn định và thường xuyên như phải nghỉ việc vì con nhỏ, các công ty sẽ đánh giá thấp và không công nhận họ.
Bởi vậy, lựa chọn cuối cùng của cha mẹ Nhật Bản là những nhà trẻ địa phương như "baby hotels" để con họ được chăm sóc trong khi các bậc phụ huynh chia sẻ cùng nhau vấn đề tài chính trong gia đình.
Điều mà Nhật Bản rất cần là một hệ thống sàng lọc cho những người muốn làm việc với trẻ em tương tự như ở Anh.
Thêm vào đó là những thay đổi sâu sắc và quyết liệt hơn nữa về chất lượng của các cơ sở chăm sóc trẻ em.
Nhật Bản có lẽ không muốn chứng kiến thêm sự đau đớn nào từ phụ huynh những đứa trẻ đang được chăm sóc tại các "baby hotels" nữa.
Nguồn: Vice