"Khi chạy thận được 45 phút tôi bắt đầu thấy ngứa, nôn thốc nôn tháo rồi rơi vào hôn mê"

Hoàng Hải |

Trao đổi với PV bên lề cuộc họp báo sáng 30/5, lãnh đạo BVĐK Hoà Bình cho biết, chưa thể đánh giá nguyên nhân vụ việc khiến 7 người tử vong.

Ngay trong đêm 29/5, 10 bệnh nhân xảy ra sự cố khi đang chạy thận tại khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình đã được chuyển về Bạch Mai để tiếp tục điều trị, cấp cứu.

Theo ghi nhận vào sáng nay tại Bệnh viện Bạch Mai, hiện đã có 9 bệnh nhân ổn định, chỉ còn 1 bệnh nhân nặng hơn đang phải lọc máu liên tục.

Sáng 30/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã tới bệnh viện Bạch Mai thăm hỏi, kiểm tra tình hình cứu chữa người bệnh tại đây.

Hiện tại, các bệnh nhân được nằm rải rác tại các khoa chuyên môn của Bệnh viện Bạch Mai như Hồi sức cấp cứu, chống độc, thận – tiết niệu…

Trong buổi sáng nay, tại UBND tỉnh Hoà Bình cũng diễn ra buổi họp báo liên quan đến sự việc nghiêm trọng trên.

Khi chạy thận được 45 phút tôi bắt đầu thấy ngứa, nôn thốc nôn tháo rồi rơi vào hôn mê - Ảnh 1.

Các bệnh nhân được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai vào đêm 29/5.

Sau khi cuộc họp kết thúc, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Bác sỹ Trương Quý Dương – Giám đốc BVĐK tỉnh Hoà Bình.

Khi được hỏi về nguyên nhân dẫn đến sự việc này có nhiều nguồn tin cho rằng có thể là do đường nước hoặc dịch truyền không đảm bảo nên mới dẫn đến việc sốc phản vệ tập thể, vì trước đó tại khoa điều trị lọc máu bệnh viện ĐKHB tiến hành sửa chữa hệ thống cung cấp nước phục vụ cho công tác lọc máu chạy thận, ông Trương Quý Dương, Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho hay:

Thời điểm này, bản thân ông Dương chưa thể cung cấp bất kì thông tin nào liên quan tới nguyên nhân. Còn việc sửa chữa hệ thống cung cấp nước cho lọc máu chạy thận là việc làm hàng tuần, hàng tháng của bệnh viện.

"Tôi chưa thể đánh giá nguyên nhân của vụ việc này là do đâu. Hiện cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình đang vào cuộc điều tra nguyên nhân của vụ việc", ông Dương nói.

Khi được hỏi nguồn gốc xuất xứ máy lọc thận, ông Dương cho biết máy lọc thận của bệnh viện được nhập từ nhiều nguồn khác nhau, liên doanh có, ủng hộ từ thiện có.

Khi chạy thận được 45 phút tôi bắt đầu thấy ngứa, nôn thốc nôn tháo rồi rơi vào hôn mê - Ảnh 2.

Lãnh đạo BV Bạch Mai thăm khám cho các bệnh nhân.

Là một trong những bệnh nhân thoát chết sau 12 tiếng bị rơi vào tình trạng hôn mê, bà Bùi Thị Vân (54 tuổi, ở Lạc Sơn, Hòa Bình) vẫn chưa hết sợ hãi chia sẻ, vào chiều ngày 28/5, bà một mình bắt xe vượt gần 80km từ nhà ra Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình để kịp cho ca chạy thận vào sáng ngày 29/5.

Khi ra đến thành phố Hoà Bình, bà phải thuê nhà ở trọ cạnh bệnh viện để sáng hôm sau kịp vào chạy thận ca đầu tiên.

Dự định sau khi chạy thận xong, bà Vân sẽ ra ở trọ qua đêm đến hôm sau rồi về.

Nhớ lại giây phút xảy ra sự cố, bà Vân kể: "Lúc đó mới chạy thận được khoảng 45 phút, tôi bắt đầu cảm thấy ngứa tai, sau đó là ngứa lưỡi, cổ họng rồi lan ra toàn thân. Chưa kịp hiểu chuyện gì thì tôi nôn thốc, nôn tháo, sau đó tôi rơi vào hôn mê".

Sau khi được các bác sĩ cấp cứu, bà Vân tỉnh lại thì mới biết không chỉ một mình mình bị tai biến, mà những người chạy cùng ca sáng ngày 29/5 đều chung tình trạng như bà, thậm chí có người đã tử vong.

Bệnh nhân Lê Văn Tiến (50 tuổi, ở huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình) cho biết, sau khi xảy ra tai biến, ông Tiến đã được chuyển sang lọc máu tại bệnh viện đa khoa thành phố Hoà Bình.

"Phòng tôi có 6 bệnh nhân chạy thận thì đã mất 5 người, còn mỗi mình tôi thôi. Tôi sốc lắm nhưng vẫn cảm thấy mình quá may mắn. Tôi mới chạy được 20 phút vào hôm qua, thì thấy các bệnh nhân khác bị đau bụng, tôi cũng liền được ngừng chạy thận", bệnh nhân Lê Văn Tiến nhớ lại.

Trong buổi sáng nay (29/5), ông Nguyễn Minh Quang - Chủ tịch UBD tỉnh Hoà Bình khẳng định, đến khoảng 8h00 sáng 30/5, có 7 bệnh nhân tử vong, 1 bệnh nhân nguy kịch và 10 bệnh nhân được chuyển xuống Bệnh viện Bạch Mai.

Tiến sỹ Nguyễn Hữu Dũng - Trưởng khoa thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai cho biết, kể từ khi ra đời việc chạy thận nhân tạo, trong hơn 45 năm qua, ở Việt Nam chưa từng có sự cố nào nghiêm trọng như ở BVĐK Hoà Bình.

Tiến sỹ Nguyễn Hữu Dũng cũng cho biết, biến chứng với 1, 2 bệnh nhân khi đang chạy thận thi thoảng vẫn có.

Nhưng vụ việc ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình là sự cố y khoa cực kỳ nghiêm trọng.

Trên thế giới, cũng mới chỉ có 1 vụ tương tự nhưng đã xảy ra từ rất lâu rồi.

Theo TS Dũng, để thực hiện được 1 ca lọc máu quy trình rất chặt chẽ, phải có nước lọc máu, quả lọc máu, thăm khám bệnh nhân, theo dõi bệnh nhân trong 3-4 tiếng…

Trên thế giới cũng như Việt Nam, khi thực hiện một kỹ thuật y khoa đều phải nắm rõ các nguy cơ biến chứng có thể xảy ra.

Cụ thể, có khoảng hơn 20 biến chứng có thể xảy ra trong quá trình lọc máu. Đặc biệt nếu để khí lọt vào máu trong quá trình bơm máu vào người bệnh nhân thì cực kỳ nguy hiểm, chỉ cần 10 ml khí chèn vào có thể gây biến chứng tắc mạch máu, tử vong.

Tuy nhiên những biến chứng này rất hiếm gặp vì máy móc chạy thận hiện rất hiện đại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại