1. Khi Mourinho đối diện với cánh truyền thông tại Anfield vào tối chủ nhật, ông có biết về chuyện mình sắp bị sa thải không? Chúng ta sẽ không có câu trả lời. Chỉ biết rằng, ông đã có quá đủ tuổi đời và tuổi nghề để có thể nhận thức một cách mơ hồ về những gì sắp diễn ra.
Có cảm giác như thất bại trước Liverpool còn hơn cả một trận thua, khoảng cách của Manchester United – đang xếp ở vị trí thứ 6 trên bảng xếp hạng Premier League, với đối thủ truyền kiếp của họ - đang dẫn đầu giải đấu số một nước Anh, đã trở nên quá lớn.
Khi đó, Mourinho trông như một người đàn ông đáng thương đang cần sự thoải mái và được an ủi. Đã có những khoảnh khắc như thế vài tháng trước, khi mùa giải của Manchester United dần đi từ "thất vọng" tới "khốn cùng".
Luôn có những cơn khủng hoảng lấp ló đâu đó. Và mãi đến thứ ba tuần này, đội bóng thành Manchester đã quyết định phải kết thúc cuộc khủng hoảng đó bằng cách đá Mourinho ra đường.
Suốt cả mùa giải này, chỉ tồn tại duy nhất một "cái hang" mà Jose Mourinho có thể lẩn trốn đến: Một nơi mà ông sẽ không bao giờ bị đặt câu hỏi, một nơi mà ông nghiễm nhiên được xem là một vị chúa, một nơi mà ông có thể tìm được câu trả lời cho tất cả những câu hỏi được đặt ra nhiều nhất.
Mourinho ngày càng nhắc nhiều đến quá khứ vinh quang.
Vào chủ nhật vừa qua, tại Anfield, ông lại tìm đến nơi đó: Kể lể về cái quá khứ rực rỡ, huy hoàng của bản thân.
Những vinh quang trong quá khứ của Jose Mourinho đã trở thành một chủ đề được nhắc đến liên tục trong mùa giải này, nhưng vấn đề là: Tần suất được nhắc đến của chúng lại hoàn toàn tỷ lệ nghịch với phong độ của Manchester United.
Vị chiến lược gia người Bồ đã nhắc đến chúng sau trận thua 3-0 trước Tottenham Hospurs ngay trên sân nhà vào tháng 8, Mourinho liên tục lặp đi lặp lại chữ "tôn trọng" để nhấn mạnh rằng mình cần được tôn trọng nhiều hơn.
Chúng cũng được nhắc đến khi đội bóng của ông đánh rơi chiến thắng tại Stamford Bridge, với việc để Chelsea ghi bàn ngay trong phút cuối, Mourinho đã đáp trả lại những lời chế nhạo từ các cổ động viên đội nhà bằng cách giơ lên ba ngón tay, để gợi nhớ đến ba chức vô địch Premier League mà ông từng giành được cùng The Blues.
Ngoài ra, ông cũng đã có những cử chỉ tương tự với các cổ động viên người Italia, trong trận đấu mà đội bóng của ông đánh bại Juventus ngay trên sân khách, lần này, là để nhắc đến ba chức vô địch mà ông đã giành được trong tư cách là huấn luyện viên của Inter, đối thủ không đội trời chung của Bianconeri.
Bên trong những cử chỉ đó, lời nói đó, tồn tại một sự thách thức, ngang tàng rất rõ ràng. Thái độ "nghiện ngập" với cái quá khứ vinh quang đó của Mourinho có thể chỉ đơn giản là được thực hiện chỉ vì bắt buộc, một cách phản ứng để tự bảo vệ bản thân, nhưng ít nhất, ông cũng đã công khai chiến đấu.
Nhưng dù sao đi nữa, với việc Mourinho đang sử dụng "con át chủ bài" này của mình càng lúc càng nhiều, thì nó đã bắt đầu trở nên không khác gì một trò lừa bịp của vị chiến lược gia người Bồ.
2. Vào chủ nhật, khi ông dùng đến nó một lần nữa, đó chỉ đơn giản là một hành động trong cơn tuyệt vọng: Mourinho đã trốn vào nơi ẩn nấu cuối cùng của ông, nép mình vào những kỷ niệm đầy vinh quang, bám chặt vào cái quá khứ huy hoàng và điên cuồng khước từ cái bóng tối đang hiện lên rõ hơn bao giờ hết.
Khi Mourinho so sánh Liverpool – đội bóng vừa khiến ông phải hứng chịu thêm một thất bại muối mặt, một sự sỉ nhục khác – với F.C Porto, đội bóng đã giúp ông bắt đầu xây dựng tên tuổi như một trong những vị huấn luyện viên xuất sắc nhất thế giới bóng đá, ít nhất thì ông cũng đã có những nhận định rất logic.
Liverpool, theo ông, cũng giống như Porto của ngày trước :"Họ rất nhanh và chơi với cường độ cao. Họ hung hãn, mạnh mẽ và biết rõ mục tiêu. Họ chạy với tốc độ 200 dặm/giờ cả lúc có hay không có bóng."
Mourinho so sánh Liverpool với Porto.
Cho đến hiện tại, Jose Mourinho luôn sẵn sàng giành thời gian để liệt kê lại những ngôi sao mà ông từng dẫn dắt trong sự nghiệp – các phiên bản trẻ của những Di Maria, Cristiano Ronaldo và Higuain, hoặc thường xuyên hồi tưởng lại chức vô địch Châu Âu mà mình từng giành được cùng Inter Milan.
Thế nhưng, ông lại không dùng quá nhiều từ ngữ để ca ngợi thứ sức mạnh mà đội bóng của Jurgen Klopp đã trình diễn.
Mourinho không phải là kiểu người thích tốn công sức để ca ngợi những đối thủ vượt trội hơn hẳn đội bóng của mình. Rốt cục, Liverpool chính là đội bóng mà vị huấn luyện viên người Bồ thích thú nhất khi công kích, chế nhạo.
Tất cả những gì mà ông nói, chỉ mang một ý nghĩa duy nhất, một ý nghĩa mà chúng ta đã nghe nhiều đến phát chán: Đó là lời nhắc nhở về tất cả những chiến thắng, tất cả những thành tựu ông đã giành được trong sự nghiệp huấn luyện huy hoàng của mình.
Tuy nhiên, khi mà mùa giải của Manchester United trở thành một thảm họa, khi mà Jose Mourinho cất công tạo ra hàng loạt những cái cớ, thì những câu chuyện mà ông đang nhắc đi nhắc lại đã không còn có thể giúp vị chiến lược gia này nhắc cho người ta nhớ lại ông đã từng vĩ đại ra sao.
Hình ảnh duy nhất từng gắn liền với Jose Mourinho chính là một nhà vô địch, luôn lấy chiến thắng làm mục tiêu tối thượng. Đó chính là sự khác biệt giữa ông và các đồng nghiệp của mình, những người luôn thích nói chuyện một cách cao đạo về triết học, hay có tư tưởng kiểu "thứ đáng giá thật sự là cuộc hành trình chứ không phải đích đến, kết quả".
Vị huấn luyện viên người Bồ đã chế nhạo họ một cách không thương tiếc, từ việc giễu cợt Arsene Wenger là một "chuyên gia thất bại", cho đến những lời nhận xét đầy tính khiêu khích về Klopp và Pochettino ở mùa giải trước.
Mourinho từng chê bai Wenger là "kẻ thất bại". Nhưng bây giờ Mourinho cũng thất bại.
"Chiến thắng" chính là thứ phẩm chất đã thuyết phục Manchester United cố gắng mời gọi José Mourinho một lần nữa và mang ông về Old Trafford vào năm 2016.
Mặc dù United hiểu rõ rằng, tại bất kì nơi nào Mourinho đặt chân đến, thì sự bất ổn và hỗn loạn sẽ luôn theo sau, nhưng họ có rất ít sự lựa chọn.
Manchester City đã bổ nhiệm Pep Guardiola vào chiếc ghế huấn luyện, Liverpool đã chọn Klopp, còn Chelsea là Conte. Vì vậy, ban lãnh đạo United hiểu rằng họ cần một cái tên có thể đảm bảo sự thành công. Và Jose chính là người được chọn.
Mourinho đã thật sự mang đến cho Manchester United những chiến thắng, với một chức vô địch Europa League và một Carabao Cup ngay trong mùa giải đầu tiên đặt chấn đến Old Trafford.
Nhưng đó không phải là những danh hiệu mà United thèm khát vị huấn luyện viên người Bồ mang về cho họ. Ngay cả Mourinho có lẽ cũng không mơ ước gì cái "thành công" này, qua chính những phát ngôn mà ông đã từng nói: Trước đây, ông đã khẳng định rằng mình sẽ không thèm ăn mừng nếu vô địch Europa League, giải đấu này không xứng tầm với ông.
Thế nhưng, tất cả chúng ta đều đã thấy được Jose Mourinho đã vui mừng đến mức nào với những chức vô địch này, cũng như việc ông đã bám víu lấy chúng ra sao, và nó đã trở thành hình ảnh tóm tắt lại toàn bộ triều đại của vị huấn luyện viên này ở United.
Mourinho đã tiêu tốn đến 440 triệu USD cho các cầu thủ và vẫn liên tục phàn nàn rằng Manchester United – một trong số những câu lạc bộ giàu nhất thế giới – không có đủ năng lực tài chính để cạnh tranh với các đối thủ.
Điều đó có thể đúng nếu so sánh với Manchester City. Nhưng rõ ràng là rất vô lý nếu đặt cạnh Tottenham, đội bóng đang đứng trên United ba bậc trên bảng xếp hạng Premier League.
Mối quan hệ của ông với các cầu thủ, hầu như là tất cả, đã hoàn toàn đổ vỡ.
Paul Pogba chính là người đang có mâu thuẫn lớn nhất với Jose Mourinho – huấn luyện viên người Bồ Đào Nha đã viết thư cho Ed Woodward để nói rằng ông đã thử mọi cách, từ chỉ trích trong nội bộ đến chỉ trích công khai, với tuyển thủ quốc gia Pháp, như vẫn không thể tìm ra cách tốt nhất để "dạy dỗ" anh ta.
Mourinho hoàn toàn "bó tay" với Pogba.
Luke Shaw, Anthony Martial, Eric Bailly, Marcus Rashford – tất cả bọn họ từ lâu đều đã có những rạn nứt trong mối quan hệ với ông thầy người Bồ.
Ông đã liên tục than phiền rằng những cầu thủ này chỉ là một đám thiếu cá tính, thiếu sự gan góc. "Đám trẻ hư đốn," đó là cụm từ mà ông dùng để gọi bọn họ. Ông đã không còn có thể truyền cảm hứng và thúc đẩy họ, một cách dễ dàng như chính ông đã từng làm trong quá khứ với những cầu thủ khác.
Sau thất bại tại Anfield, ban lãnh đạo United đã đi đến quyết định rằng mọi chuyện đã vượt quá giới hạn để có thể tiếp tục chịu đựng.
Mourinho bị đá ra đường, cái tên được chỉ định để thay thế nhà cầm quân người Bồ Đào Nha chính là cựu cầu thủ của chính Qủy Đỏ, Ole-Gunnar Solskjaer, tạm quyền cho đến cuối mùa giải, và sau đó sẽ tiếp tục lựa chọn cái tên chính thức được ngồi vào chiếc ghế huấn luyện viên trưởng. Mauricio Pochettino từ lâu đã được xem là mục tiêu hàng đầu.
Dĩ nhiên, Pochettino không phải là một nhà vô địch. Ông chưa bao giờ có bất kì một danh hiệu nào với tư cách là một huấn luyện viên, chính Mourinho cũng từng chế giễu rằng Tottenham đáng lẽ ra chỉ nên được khen ngợi bởi những chuyện "tầm thường" như tuyển dụng thông minh hoặc phát triển cầu thủ trẻ.
Nhưng dù sao đi nữa, thì vị huấn luyện viên người Argentina vẫn là một cái tên rất hấp dẫn. Điều quan trọng là ông sẵn sàng làm việc trong một hệ thống, cấu trúc có sẵn, thay vì mong đợi, đòi hỏi câu lạc bộ phải thực hiện những sự cải tổ theo đúng ý thích của mình.
Ngoài ra, ông còn nhận thấy được lợi ích từ việc đào tạo cầu thủ trẻ, và chưa bao giờ chần chừ trong việc kiểm kê các khoản thu chi, cũng như có thể tìm được nhiều điểm chung giữa các tài năng trẻ và sự giàu có.
Pochettino, cũng như Klopp hay Sarri hoặc Pep, đã làm được điều đó. Ông đại diện cho một phong cách điều hành câu lạc bộ, một cách chơi bóng. Triết lý của ông có thể được gói gọn, phổ biến và phát triển. Thứ "bóng đá quyến rũ" đó có thể được đem truyền bá tại các thị trường toàn cầu. Có thể thu hút người hâm mộ mới và giữ được người hâm mộ lâu năm.
Mourinho không phải là người có thể mang đến điều đó. Cuối cùng thì Manchester United của ông chỉ là một đội bóng thiếu cá tính, và cũng chẳng có gì chạm được đến sự "hấp dẫn" hay "quyến rũ".
Cách tiếp cận của vị huấn luyện viên người Bồ đã phản bội chính ông, cũng như những kết quả tệ hại. Và chính những điều đó đã khiến ông không thể chịu đựng nổi chính các đội bóng đã từng liên tục mời gọi ông, khi ông quyết định quay trở lại với công việc sau mỗi lần tạm nghỉ.
Mourinho liệu có thể trở lại đỉnh cao một lần nữa?
Kịch tính, căng thẳng và mưu mô đều sẽ được xem là những cái giá xứng đáng, nếu kết quả trên sân đủ hấp dẫn. Còn nếu không, chúng sẽ bị gọi là những cái giá quá đắt.
Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là Mourinho sẽ không trở lại, hoặc sự nghiệp huấn luyện của ông với bóng đá đỉnh cao đã kết thúc: Ngay sau khi nhà cầm quân người Bồ rời United, đã có những thông tin cho rằng Florentino Perez đã lên tiếng mời gọi Mourinho trở về Santiago Bernabeu để dẫn dắt công cuộc trẻ hóa của Real Madrid.
Nhưng thật khó để không có suy nghĩ rằng, tại bất cứ điểm đến nào mà người đàn ông này sẽ đặt chân đến tiếp theo, những điều mà ông mang lại sẽ không còn là thứ mà các ông chủ, các giám đốc điều hành, các câu lạc bộ hoặc các cầu thủ cần nữa.
Cho dù bảng thành tích của vị chiến lược gia người Bồ có sáng chói đến đâu, dù cho quá khứ của ông có huy hoàng đến mức nào, thì Jose Mourinho cũng đã chạm đến cái ngưỡng cửa của hai chữ … hết thời.