Khi các tập đoàn xe điện phải lo đi... đào mỏ: ‘Cú tát’ cho những ông lớn từng tự tin ‘tiền có thể mua được mọi thứ’

Băng Băng |

Các tập đoàn xe điện sẵn sàng nâng giá để đảm bảo nguồn cung ổn định, đầy đủ nhưng các hãng đào mỏ lại chẳng thèm quan tâm. Vậy chuyện gì đang diễn ra?

Khi các tập đoàn xe điện phải lo đi... đào mỏ: ‘Cú tát’ cho những ông lớn từng tự tin ‘tiền có thể mua được mọi thứ’ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho biết khi General Motors (GM) lên kế hoạch chuyển hướng làm xe điện vào năm 2020, tập đoàn này không hề tính đến chuyện sẽ thiếu nguyên liệu thô sản xuất ắc quy.

“Tôi nhớ được khi đọc bản báo cáo của GM khi đó, các nhóm chiến lược đã nhận định có thừa Lithium và Nickel ở ngoài kia để hãng mua về, rằng chúng tôi có thể mua trên thị trường dễ dàng”, người chịu trách nhiệm mảng nguyên liệu thô cho ắc quy của GM, ông Sham Kunjur nhớ lại.

Thế nhưng có một yếu tố mà tập đoàn này không ngờ tới, đó là cho dù tiền có thể mua được rất nhiều thứ, nhưng không phải tất cả.

Khi các tập đoàn xe điện phải lo đi... đào mỏ: ‘Cú tát’ cho những ông lớn từng tự tin ‘tiền có thể mua được mọi thứ’ - Ảnh 2.

Sai lầm tai hại của GM đã khiến họ nhận một “cú tát” khi bắt tay vào thực hiện sản xuất xe điện, đó là Lithium hay Nickel vẫn còn nằm dưới đất, trong khi các hãng khai thác mỏ thì chẳng buồn để ý đến mặt mũi của các tập đoàn xe hơi cho dù họ có nâng giá cao đến đâu.

Theo WSJ, việc GM cùng hàng loạt người chơi nhảy vào mảng xe điện đã tạo nên cơn sốt nguyên liệu thô cho ắc quy, từ Lithium, Nickel, Cobalt cho đến than chì, khiến nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu và gây gián đoạn chuỗi cung ứng. Tệ hơn, phần lớn những mỏ lớn và nằm bên ngoài nước Mỹ lại ở tận Trung Quốc và Australia.

Hậu quả là giờ đây sau khi nhận ra thực tế “tiền không giải quyết được hết vấn đề” thì những ông lớn ngành xe hơi phải xắn tay tự mình đi đào mỏ. Thế nhưng càng đào sâu thì các tập đoàn càng nhận ra không phải cứ đổ tiền, gia tăng máy móc nhân công là có thể tăng sản lượng.

Quá rủi ro, quá nguy hiểm

Hiện nay nhiều tập đoàn xe hơi đã trở thành cổ đông cũng như khách hàng của các doanh nghiệp khai thác mỏ, nhằm cố gắng đảm bảo nguồn cung nguyên liệu ổn định, đầy đủ cho kế hoạch sản xuất xe điện. Đây là chuyện hiển nhiên của những doanh nghiệp nhiều tiền.

Thế nhưng hiện thực lại không như là mơ.

Trong khi các hãng xe vội vã cố gắng hoàn thành những mục tiêu đúng thời hạn để giành thị phần ô tô điện, đồng thời cố gắng đặt ra các kế hoạch cụ thể thì ngành khai thác mỏ lại chẳng chịu hợp tác.

Xin được nhắc nghề đào mỏ là một nghề nguy hiểm, đòi hỏi có trình độ kỹ thuật cũng như mức lương, thưởng, bảo hiểm khá lớn cho nhân công cũng như thiết bị. Chính bởi vậy các công ty khai thác thường bị đội chi phí lên khi kế hoạch phát sinh ngoài ý muốn, vốn thường xuyên xảy ra.

Câu chuyện chi phí vượt dự kiến, trễ hẹn bàn giao là văn hóa thường ngày của ngành khai thác mỏ, bởi chính những người công nhân hay các ông chủ cũng chẳng thể biết liệu sẽ có sự cố nào ngoài ý muốn diễn ra làm chậm tiến độ.

Tất cả những yếu tố từ thời tiết, khai thác ở vùng địa chất bất ổn, trục trặc kỹ thuật... đều có thể ảnh hưởng đến kế hoạch và gây tổn thất chi phí cũng như trễ hẹn.

Khi các tập đoàn xe điện phải lo đi... đào mỏ: ‘Cú tát’ cho những ông lớn từng tự tin ‘tiền có thể mua được mọi thứ’ - Ảnh 3.

Vậy là sự xung đột diễn ra khi đại diện các tập đoàn xe hơi muốn ổn định, nhanh chóng, đúng hẹn và tăng sản lượng nhưng phía khai thác thì chẳng thể đảm bảo được điều đó.

“Bạn sẽ thấy những người thợ ngập trong bụi bẩn và nguy hiểm, đối mặt với những yếu tố bất ngờ, chưa biết mỗi ngày. Thế nhưng các đại diện hãng xe thì sao, họ luôn ăn mặc chỉnh chu và đòi hỏi những thứ vô lý mà chẳng hiểu gì về đào mỏ”, giám đốc chiến lược Todd Malan của Talon Metals, chuyên khai thác Nickel, Đồng và Cobalt tại Minnesota mỉa mai.

Về phía xe điện, các công ty đang cố gắng xây dựng một chuỗi cung ứng ổn định khi vô số nhà máy ắc quy đang mọc lên trên khắp nước Mỹ. Vô số tập đoàn xe hơi đổ hàng tỷ USD cho ngành để tranh giành miếng bánh béo bở. Chẳng ai muốn bị bỏ lại phía sau, bởi điều này đồng nghĩa với việc phá sản khi các quy định về khí thải nhà kính có hiệu lực.

Thế nhưng như đã nói ở trên, tiền chẳng giải quyết được hết vấn đề khi những nguyên liệu thô như Lithium đang cung không đủ cầu. Tờ WSJ cho biết nếu ngành khai khoáng không mở rộng một cách mạnh mẽ như mảng xe điện thì chắc chắn nguồn cung Lithium sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu trong 10 năm tới bất chấp Mỹ có đổ bao nhiêu tiền đi chăng nữa.

“Nếu nói khan hiếm thì hơi quá, thế nhưng chắc chắn nhiều công ty xe điện hiện nay đang lo lắng liệu họ có duy trì nổi nguồn cung để sản xuất hay không”, CEO Paul Graves của hãng sản xuất Lithium Livent cho biết.

Bằng mọi giá

Việc khan hiếm nguồn cung nguyên liệu thô trong bối cảnh ngày càng nhiều người chơi đổ xô tranh giành miếng bánh xe điện đã khiến các tập đoàn đua nhau bảo vệ chuỗi cung ứng của mình bằng mọi giá.

Tháng 1/2023, GM đã đầu tư dự án hợp tác chung với hãng Lithium Americas, qua đó cho phép công ty này quyền tiếp cận ưu tiên khi khai thác Lithium tại các mỏ ở sa mạc Nevada.

Tương tự, Ford Motor vào tháng 3/2023 đã mua lại cổ phần của một hãng khai thác Nickel tại Indonesia. Trước đó vào tháng 2, công ty Stellantis cũng đã tuyên bố đầu tư 155 tỷ USD cho mỏ đồng ở Argentina.

“Bạn bắt buộc phải đảm bảo nguồn cung nguyên liệu thô nếu không muốn bị loại khỏi ngành này”, CEO Carlos Tavares của Stellantis nhấn mạnh.

Khi các tập đoàn xe điện phải lo đi... đào mỏ: ‘Cú tát’ cho những ông lớn từng tự tin ‘tiền có thể mua được mọi thứ’ - Ảnh 5.

Khai thác Lithium tại sa mạc Nevada

Xin được nhắc là ngay cả đế chế Tesla nhà Elon Musk cũng đã phải tốn nhiều năm để hoàn thiện chuỗi cung ứng nguyên liệu thô cho mình sau khi đối mặt với nhiều lần bị đứt gãy nguồn cung.

Năm 2022, Tesla đã ký hợp đồng trực tiếp với nhiều hãng khai thác mỏ để cung ứng cho hơn 95% lượng Lithium Hydroxide và 55% lượng Cobalt mà công ty này cần cho sản xuất ắc quy.

Ngay cả như vậy, tỷ phú Elon Musk vẫn than phiền rằng việc nguồn cung Lithium thiếu ổn định đang cản trở hoạt động của Tesla.

“Lithium có mặt ở khắp nơi trên trái đất nhưng tốc độ khai thác thì lại quá chậm”, nhà sáng lập Tesla này cho biết.

Lỗi tại Trung Quốc?

Tờ WSJ cho biết tình hình khai thác chậm Lithium hiện nay có thể truy ngược về 10 năm trước khi bong bóng hàng hóa nguyên vật liệu bị xì hơi sau khi Trung Quốc giảm nhu cầu, khiến vô số doanh nghiệp khai thác mỏ vỡ nợ. Sau nhiều năm tăng trưởng nóng, nền kinh tế số 2 thế giới giảm tốc đã ảnh hưởng nặng đến chuỗi cung ứng.

Trớ trêu thay, việc Trung Quốc cần gấp nhiều loại tài nguyên đã khiến vô số nhà khai thác đổ hàng tỷ USD vay nợ cho các dự án mỏ, để rồi cay đắng phá sản khi thị trường này xì hơi.

Chính nỗi sợ hãi này đã khiến các doanh nghiệp khai thác mỏ hiện nay chi hàng tỷ USD cho cổ tức chứ không chịu tái đầu tư các dự án mới.

Ban đầu các công ty này cũng lo ngại xu thế xe điện chỉ là bong bóng, thế nhưng với sự tham chiến của hàng loạt tập đoàn thì dần dần các doanh nghiệp mới có sự thay đổi về chiến lược.

Vào cuối năm 2017, Volkswagen đã mời hàng loạt nhà khai thác Cobalt đến trụ sở của họ ở Đức để bàn về việc đảm bảo ổn định nguồn cung, qua đó cho thấy sự chân thành cũng như cam kết bền vững của tập đoàn.

Khi các tập đoàn xe điện phải lo đi... đào mỏ: ‘Cú tát’ cho những ông lớn từng tự tin ‘tiền có thể mua được mọi thứ’ - Ảnh 6.

Ngành xe điện đang biến các nguyên liệu thô như Lithium, Nickel, Cobalt trở thành cơn sốt chẳng kém gì vàng

Bên cạnh đó, các hãng xe cũng nhận ra tầm quan trọng của ngành khai khoáng nên đã tích cực đổ tiền cho những dự án thăm dò vốn khá rủi ro vì có thể chẳng đào lên được cái gì.

“Các nhà khai thác mỏ hiện đang trở nên cực kỳ quan trọng trong chuỗi cung ứng của những hãng xe hơi”, giám đốc John Startin của Evercore thừa nhận.

*Nguồn: WSJ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại