“Tiểu đoàn 4 vào sẵn sàng chiến đấu 100%...” - ông Nguyễn Xuân Thu lúc đó đang là tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 - Sao Vàng nhớ lại câu hiệu lệnh cuối cùng mình nghe được khi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc 40 năm trước, chính thức bắt đầu.
Bởi khi lệnh chỉ huy từ trung đoàn chưa dứt, pháo kích từ phía Trung Quốc (TQ) nã vào đã phá hỏng hệ thống liên lạc. Chiến sĩ thông tin của tiểu đoàn đã hy sinh.
Đương đầu với dàn quân khổng lồ từ TQ
Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm (nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam) lúc đó đang là phó chính ủy Trung đoàn 148, Sư đoàn 316 đang đóng ở huyện Than Uyên, Hoàng Liên Sơn (nay là Lai Châu) cho hay phải đến ngày 18-2-1979, ông mới nhận được thông báo TQ đã đánh vào thị xã Lào Cai.
“TQ đưa đến 60 vạn quân, hơn 10 quân đoàn tấn công hàng loạt tuyến biên giới phía Bắc của chúng ta. Chiều sâu tiến vào của họ là 50 km, nếu tính cả chiều sâu hỏa lực là hơn 70 km” - Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm nhớ lại.
Còn với ông Nguyễn Xuân Thu, sau khi liên lạc bị cắt đứt, ba ngày liền tiểu đoàn chiến đấu độc lập trên trận địa của mình mà không có pháo binh và lực lượng bộ binh cơ động chi viện.
Dù vậy, toàn tiểu đoàn vẫn giữ chốt tới ngày 20-2-1979. Đến ngày 21, với sức tấn công của một sư đoàn bộ binh quân TQ và một tiểu đoàn xe tăng thì một số điểm trong trận địa của tiểu đoàn đã không cầm cự nổi.
Do lực lượng quá mất cân đối, tiểu đoàn phải lui về xây dựng trận địa phòng ngự tại cao điểm 300 phía Nam Đồng Đăng (Lạng Sơn) và bắt được liên lạc với trung đoàn. “Lúc đó trung đoàn mới biết tôi còn sống và bộ đội Tiểu đoàn 4 vẫn chiến đấu trên trận địa của mình trong những ngày mất liên lạc” - ông Nguyễn Xuân Thu kể.
Ông Phạm Văn Quang, nguyên Tiểu đoàn trưởng thuộc Trung đoàn 197, kể lại ngay từ ngày 17-2 đã nhận được lệnh cấp trên chặn quân TQ ở phía Bắc cầu Khánh Khê với tinh thần bằng mọi giá phải bẻ gãy mũi vu hồi chiến dịch bao vây chia cắt Lạng Sơn của địch.
“Đến ngày 21-2-1979 địch bắt đầu nã pháo, rồi bộ binh có xe tăng yểm trợ tiến đánh vào trận địa. Ta có pháo binh yểm trợ đã bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch. Suốt từ sáng cho đến 17 giờ, quân địch tổn thất nặng nề cả về người và xe tăng. Xác địch nằm la liệt trước trận địa” - ông Phạm Văn Quang hồi tưởng.
Cảnh hoang tàn đổ nát ở Lạng Sơn vào tháng 2-1979. Ảnh: TƯ LIỆU
Các lực lượng của bộ đội ta chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ Tổ quốc trước quân Trung Quốc. Ảnh: TƯ LIỆU
Chiến đấu đến hơi thở cuối cùng
Nói về tổn thất ban đầu của ta trong cuộc chiến đó, Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm miêu tả: Địch gần như phá hủy cơ bản năm thị xã lớn của chúng ta là Lào Cai, Cam Đường, Cao Bằng, Lạng Sơn, Móng Cái.
Trung đoàn 148 nhận nhiệm vụ phòng ngự để bảo vệ dân, dàn quân từ Cốc San lên tuyến đường đi Sa Pa. Từ hai thị xã Lào Cai và Cam Đường, hàng vạn người dân hoảng loạn chạy sơ tán. Bộ đội ta tiến lên phía trước, còn dân chạy về phía sau để tránh bớt thương vong.
Ông Phạm Văn Quang nhớ lại, đến ngày 25-2-1979 địch đã mở rộng tấn công vào nhiều trận địa. Có tiểu đội đã chiến đấu dũng cảm đến giây phút cuối cùng, cả tiểu đội hy sinh. Khi hết đạn, chiến sĩ đánh giáp lá cà với địch để chờ quân tiếp viện của ta đến.
Ông Quang nhớ mãi hình ảnh Tiểu đội trưởng Vi Văn Thắng vẫn ôm chặt tên địch ngay trên bờ công sự. Khi đồng đội gỡ tay ra và đưa anh về phía sau nằm, anh chỉ bảo: “Kê đầu tôi lên cao chút nữa để tôi nhìn thấy trận địa chốt của ta lần cuối”. Sau đó anh trút hơi thở cuối cùng.
Những bài học rút ra
Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm cho rằng đây là lúc để chúng ta nhắc lại cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc, vì nó là lịch sử và phải nhắc lại đúng bản chất, tính chất, tên tuổi của nó.
Theo tướng Khảm, cuộc chiến này đã để lại cho cả hai bên nhiều bài học. Ông nói: Bài học của chúng ta là không được mất cảnh giác trong bất kỳ điều kiện và hoàn cảnh nào. Xây dựng đất nước chúng ta giàu đẹp nhưng không được lãng quên, phải luôn luôn bảo vệ Tổ quốc, chuẩn bị tốt nhất cho đất nước.
Phía bên kia cũng phải rút ra những bài học, đó là bài học về sự hơn thua. “Họ nói dạy cho chúng ta một bài học nhưng ai dạy ai. Đó là cuộc chiến vừa phi lý vừa thiệt hại lớn cho TQ” - tướng Khảm nhận định.
Tướng Khảm cho rằng xảy ra xung đột, xảy ra chiến tranh cả hai bên đều tổn thất, hậu quả sẽ kéo dài. Vì vậy việc giải quyết các vấn đề bằng hòa bình, hữu nghị phải luôn được đưa lên hàng đầu.
Bởi để xảy ra xung đột, chiến tranh là bài học lịch sử phải tránh, bất cứ nước nào dù có lớn mạnh đến đâu cũng vậy. “Nhưng khi đất nước bị xâm phạm chủ quyền thì cả dân tộc sẵn sàng đứng lên bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc” - Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm quả quyết.
Chung tay hàn gắn vết thương chiến tranh
Sau cuộc chiến tôi rất phấn khởi vì Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước đã chung tay hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai Đảng, hai nhà nước, hai dân tộc ngày càng phát triển. Biên giới Việt Nam và TQ trên bộ đang hiện thực là hòa bình hữu nghị…
Trung tướng NGUYỄN HỮU KHẢM, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam