Những ngày vừa qua, câu chuyện một bé gái 8 tuổi tại TP.HCM bị "dì ghẻ" bạo hành trong một thời gian dài khiến dư luận không khỏi bức xúc. Mối quan hệ "dì ghẻ con chồng" một lần nữa trở thành vấn đề nhức nhối xã hội. Người ta không ngừng lên án và thở dài nhắc lại câu ca dao: "Mấy đời bánh đúc có xương".
Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng. Vẫn luôn có những chiếc "bánh đúc có xương" và những người "dì ghẻ" yêu thương, hy sinh cho "con chồng" không hề thua kém đứa con do mình dứt ruột sinh ra.
"Dì ghẻ" nuôi nấng 8 người con chồng đau ốm, tự triệt sản ngay khi vừa sinh người con đầu lòng
Câu chuyện về "dì ghẻ" Phan Thị Hoa (46 tuổi, ở xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương, Nghệ An) lặn lội nuôi lớn 8 người con đau ốm của chồng nhiều năm về trước đã khiến nhiều người nghẹn ngào.
Bà Hoa xuất hiện trong chương trình Điều Ước Thứ 7 của VTV3 với vóc dáng nhỏ gầy gò, đôi mắt dần mờ vì bệnh sụp mí nhưng vẫn tần tảo sớm hôm chăm sóc một thanh niên trẻ bị ung thư đầu gối tại bệnh viện K (BV U bướu Trung ương, Hà Đông, Hà Nội).
Nam thanh niên Trần Văn Thắng (1997) mà bà vẫn hằng ngày chăm sóc và gọi là con thực ra lại là con riêng thứ 7 của chồng bà. Vốn là một chàng trai khỏe mạnh nhưng lại bất ngờ phát hiện bản thân bị ung thư đầu gối. Sau phẫu thuật, Thắng gặp khó khăn trong việc đi lại, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải cậy nhờ vào bà Hoa.
Để chăm sóc Thắng, bà Hoa một mình lặn lội lên Hà Nội. Những đêm trời trở gió, bà Hoa lại trằn trọc thâu đêm. Phần vì lo cho Thắng, phần vì nhớ thương chồng và các con ở quê nhà.
Thắng là người rất ít khi bộc lộ cảm xúc nhưng bà Hoa vẫn luôn tin rằng, cậu rất yêu thương mình và quả thực, đối với Thắng, mẹ Hoa là một người vô cùng quan trọng
Thắng không phải là người con chồng duy nhất được bà Hoa yêu thương, cưng chiều. Ngoài cậu, bà có tất cả 9 người con nhưng trong đó, chỉ có một người là do bà sinh ra.
Càng khiến người ta cảm động hơn là, ngay sau khi vừa hạ sinh đứa con đầu lòng, bà đã đi triệt sản để dồn hết tâm sức chăm sóc các con chồng. Đối với bà, không có khái niệm con riêng mà chỉ có con chung vì dù 8 người con kia bà không sinh ra bằng máu mủ nhưng lại sinh ra bằng một trái tim bao la tình yêu.
"Khi tôi về sống chung với bố nó thì các con còn nhỏ dại lắm, Thắng mới chỉ có 3 tuổi thôi còn đứa út vừa tròn 2 tháng. Chúng không có tội tình gì và tất cả đều thiếu vắng tình yêu của mẹ. Vì thế, tôi thương các con như thương chồng, thương cho chính số phận của bản thân mình" - Bà Hoa chia sẻ.
Bà kể, chính bà cũng từng mồ côi mẹ khi còn rất nhỏ. Gia đình bà có tới 9 anh chị em, hoàn cảnh cũng vô vàn khó khăn. Bố bà cũng từng đi bước nữa để tìm người phụ nữ chung tay chăm sóc các con và đến lượt bà, chứng kiến hoàn cảnh tương tự của cha con Thắng, bà tin rằng, việc lãnh nhận trách nhiệm nuôi dạy 8 người con của chồng là một sứ mệnh mà ông trời sớm đã định đoạt sẵn cho mình.
Gia cảnh nhà chồng rất nghèo, quanh năm sống bám vào vài sào đất trồng chè nên các con đều ốm đau quặt quẹo. Người con gái đầu bị bệnh câm điếc bẩm sinh, tốn không ít tiền chạy chữa nên trong căn nhà vách đất của cha con Thắng, chẳng mảy may có một chút của cải, tiền bạc. Hàng xóm thường nói, bà Hoa là một người không bình thường bởi vì chỉ có người như thế mới dám đi vào một "vũng lầy" mà bản thân đã biết là trong đó có rất nhiều chông gai, đớn đau.
"Bố tôi cũng cấm đoán rồi hàng xóm thì dị nghị nhưng tôi không bận tâm. Có lẽ tình yêu sẽ là một phép màu để có những quyết định lạ lùng, tôi yêu ông ấy và tôi còn yêu các con riêng của ông nhiều hơn", bà Hoa tâm sự.
Nói ra chắc không mấy ai tin những sâu thẳm trong trái tim người phụ nữ giàu đức hy sinh ấy chỉ có một ước muốn rất bình dị là được nghe các con gọi một tiếng "mẹ ơi". Ở vùng đất nơi bà sinh sống, giữa mẹ ghẻ và con chồng vẫn còn tồn tại những định kiến gay gắt. Người ta thường gọi mẹ kế là "mợ" để phân biệt với người có công sinh ra mình.
Nói về tình cảm dành cho "mợ" Hoa, cả Thắng và các anh chị em khác đều nói rằng, thuở ban đầu khi bố mới lấy người phụ nữ khác, các chị em trong nhà đều rất hoài nghi vào lòng tốt của mẹ kế. "Khi đó hàng xóm hay xì xào, dọa dẫm rằng bố lấy người khác rồi có em bé thì các chị em chỉ có nước ra rìa, sẽ bị hành hạ, bị đối xử bất công, tệ bạc", Trần Thị Hiền - chị gái kế của Thắng - bộc bạch.
Nhưng rồi mọi nghi kị cũng dần qua đi. Mẹ Hoa không những không ghét bỏ chị em Hiền mà còn vô cùng yêu thương, ân cần chỉ bảo từng li, từng tí. Nhờ có bà, bản thân Hiền và các chị em khác bỗng thấy căn nhà nhỏ như ấm áp tình yêu thương nhiều hơn. Thậm chí, ngay cả hàng xóm cũng dần phải thay đổi cách nhìn.
Bây giờ nhiều người con của bà Hoa đã đi làm, đi lấy chồng ở xa quê nhưng mỗi khi có tâm sự gì, chúng lại tìm đến bà để sẻ chia. Thương mẹ là thế, nhưng vì một nếp văn hóa từ bao đời và cả thói quen từ nhỏ, chưa ai dám một lần gọi tiếng mẹ trước mặt bà Hoa.
"Thật trong tâm thì đã coi mợ là mẹ lâu lắm rồi nhưng vẫn không dám nói ra, phần vì e thẹn, phần vì quen miệng. Có những lúc mình nghĩ, người ta vẫn nói bánh đúc mấy đời có xương nhưng đúng là với mẹ Hoa, bánh đúc đã có xương thật rồi", Hiền tâm sự.
"Dì ghẻ" gồng gánh nuôi 4 người con chồng cùng cô em chồng mắc bệnh thần kinh
Suốt hơn 30 năm qua, bà Nguyễn Thị Tứ (thôn 13, xã Hà Linh, Hương Khê - Hà Tĩnh) vẫn luôn dành trọn mọi yêu thương, chăm sóc cho các con - những người con riêng của chồng.
Bà Tứ (áo sơ mi kẻ đỏ) cùng con cháu (Báo Hà Tĩnh)
Theo báo Hà Tĩnh thông tin, từ năm 1990, bà Nguyễn Thị Tứ (SN 1949) và ông Nguyễn Văn Tiến (SN 1946) gặp nhau rồi nên duyên chồng vợ. Chồng bà còn có 4 người con riêng và 1 người em gái mắc bệnh tâm thần.
Những đứa trẻ ngày ấy đứa lớn nhất 14 tuổi, đứa nhỏ nhất 8 tuổi. Ở lứa tuổi chưa đủ khôn lớn nhưng cũng chẳng phải nhỏ dại, để dạy bảo, chăm sóc các con không hề dễ dàng. Thế nhưng, bằng tất cả sự bao dung và tình yêu thương, bà Tứ đã thực sự là một người mẹ hiền.
Mỗi ngày, bà Tứ hái rau mang ra chợ bán mong kiếm thêm đồng tiền nuôi sống chồng và em gái chồng
Bà Tứ chia sẻ: "Cuộc sống ngày trước vất vả, khổ sở vô cùng, tôi buôn bán ở chợ, ông ở nhà đi làm thuê. Quần quật ngày này qua ngày khác như vậy nhưng vẫn không đủ ăn, thậm chí có lúc vợ chồng đành nhịn đói để các con được no.
Năm 1996, khi người con trai đầu bị tai nạn nặng, lúc đó tôi vừa ngược xuôi vừa chăm con trai ở viện, vừa lo bữa ăn cho các con nhỏ và người em gái chồng bị bệnh ở nhà. Nói không vất vả là nói dối nhưng vì các con, vì chồng, tôi không bao giờ phân vân bởi những gì mình đã làm".
Sau chăm sóc các con, bà Tứ chăm sóc cháu ngoại
Dường như càng trong khốn khó, cả gia đình lại càng bao bọc, che chở cho nhau nhiều hơn. Những lần "thức khuya dậy sớm" đi chợ, những bữa ăn ngon bà cố gắng mang về cho các con, những đêm trắng chăm con ốm hay những bộ quần áo mới bà dành dụm tiền sắm cho con trong năm học mới hay khi tết đến... tất cả yêu thương gói trong từng cử chỉ, hành động, lời nói đều được những đứa trẻ cảm nhận rõ.
Hơn 30 năm trôi qua với bao vất vả, nhọc nhằn những tưởng khi con cái lớn khôn, có gia đình riêng bà sẽ đỡ lo toan. Thế nhưng, cuộc sống của các con bà cũng còn nhiều chật vật, ngày ngày bà Tứ vẫn trồng rau đi chợ bán những mong kiếm thêm thu nhập để tự lo cho cuộc sống gia đình, các con bớt lo toan.
Oái oăm hơn, khi vào năm 2012, ông Tiến bị tai biến mạch máu não; căn bệnh tâm thần của em gái chồng ngày càng có dấu hiệu nặng thêm. Vậy mà, chẳng bao giờ bà kêu ca, oán thán. Bà nói: "Mình làm mẹ mà, dù có không làm được gì nữa thì cũng phải là động lực, niềm tin cho con cháu chứ".
Chị Nguyễn Thị Chung, người con gái thứ 3 xúc động: "Mẹ đã vắt kiệt sức cho gia đình, cho sự lớn khôn của anh em tôi ngày hôm nay. Với mẹ, dẫu có bao nhiêu yêu thương, săn sóc của chúng tôi cũng không thể đền đáp được công ơn trời biển đó."
Chồng thương binh bị liệt, "dì ghẻ" nuôi dạy 2 con chồng khôn lớn: "Ông trời đã cho tôi gia đình nhiều người mơ ước"
Câu chuyện cảm động về bà Lê Thị Phương (SN 1955) - một trong những người phụ nữ đã mạnh mẽ vượt qua ranh giới hằn sâu bởi định kiến xã hội về mối quan hệ "dì ghẻ con chồng" cũng đã được đăng tải một cách cụ thể trên báo Đời sống và Pháp luật.
Ông Lê Hồng Cư (SN 1960, ở thôn Giải Uấn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa) - chồng bà Phương cho hay, người vợ trẻ của ông đã đột ngột qua đời sau cơn bạo bệnh, bỏ lại ông cùng 2 đứa con, đứa lớn 5 tuổi, đứa bé mới 1 tuổi khóc lả vì khát sữa mẹ. Bản thân ông lại bị liệt phải ngồi xe lăn, nhìn con nheo nhóc, ông đầy xót xa cùng bế tắc.
Giữa lúc ấy, hạnh phúc bất ngờ đến với ông Cư khi bà Phương đã bỏ qua những thị phi, chấp nhận về làm vợ, làm mẹ.
Ông Cư kể: "Năm 18 tuổi, tôi lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại Campuchia từ 1978 - 1982. Do điều kiện khí hậu khắc nghiệt tôi bị sốt rét ác tính dẫn đến biến chứng bị liệt, điều trị được hai năm tôi bắt đầu tập đi lại. Năm 1986, xuất ngũ về địa phương với thương tật 81%, lúc đó mẹ già ở quê mai mối cho người vợ cả ở xã bên. Cưới nhau được 6 năm, cô ấy sinh cho tôi 2 đứa con, rồi không may qua đời. Cuộc sống lúc bấy giờ khó khăn, thiếu thốn đủ thứ, phải chạy ăn từng bữa. Con còn quá nhỏ, nhìn chúng ngơ ngác tìm mẹ khiến tôi không thể gục ngã".
Vợ chồng ông Cư, bà Phương (Ảnh: báo Đời sống và Pháp luật)
Cảnh "gà trống nuôi con" đối với một người bình thường vốn đã khó khăn, với ông Cư bị liệt ngồi một chỗ lại càng khó khăn hơn. Thời gian cứ đằng đẵng trôi qua, không lúc nào bà Phương được thảnh thơi.
Lúc con còn nhỏ thì lo cái ăn, cái mặc, giờ khôn lớn nhưng bà lúc nào cũng đau đáu nỗi niềm làm sao lo cho các con yên bề gia thất.
Nhìn các con thơ dại, điều kiện lại vô cùng khó khăn, sau nhiều đêm thức trắng, trăn trở, bà quyết định hy sinh một phần thiên chức "mang nặng đẻ đau" để toàn tâm, toàn trí lo cho chồng con. Để có quyết định đó bà đã phải gắng gượng rất nhiều, tự động viên mình, xem con của chồng như con đẻ.
Nhớ lại những tháng ngày khốn khó đã qua, bà Phương tâm sự: "Cùng là người lính với nhau nên giữa tôi và ông ấy có rất nhiều điểm tương đồng trong suy nghĩ. Năm 1973, tôi phục vụ tại Trung đoàn an dưỡng 580 Quân khu Hữu Ngạn. Cuối năm 1976, tôi xuất ngũ về công tác tại địa phương. Thời con gái cũng rất nhiều người theo đuổi, lúc tôi đang làm cán bộ trực văn phòng xã Châu Lộc, huyện Hậu Lộc có người mai mối tôi với ông Cư.
Nhìn thấy cảnh ông ấy chống nạng lết từng bước, 2 đứa con lấm lem, còi cọc, tôi không thể cầm lòng. Chính trong cái buổi chiều gặp gỡ định mệnh ấy, duyên số đã gắn kết chúng tôi đến tận bây giờ. Do đường sá xa xôi, lúc lấy ông ấy tôi chấp nhận bỏ công việc đang làm ở xã".
Ngoài 3 sào ruộng, đồng lương thương binh của ông Cư ít ỏi không đủ trang trải, ban ngày bà Phương ra đồng mót từng hạt thóc, chăm từng ngọn mồng tơi. Đêm đêm, bà lọ mọ nấu rượu đến 2-3h sáng. Khổ nhất là những ngày trời đông giá rét, 4h sáng khi trời còn tối đen, bà đã phải đạp xe khoảng 15km để nhập rượu, xong lại vội vã về lo cơm nước cho các con kịp đến trường. Lo cho chồng, con xong, bà lại tất tưởi gánh rau ra chợ đầu làng bán.
Chồng thì liệt, hai con quá nhỏ, phải chạy ăn từng bữa, bà còn phục vụ mẹ chồng bị tai biến mạch máu não nằm bất động gần hai năm. Chưa kể những lúc trái gió trở trời người ông Cư đau nhức, bà thức thâu đêm xoa bóp. Những sinh hoạt hàng ngày của chồng đều phải nhờ bà phụ giúp. Dù vất vả, khổ cực nhưng bà luôn lo chu toàn mọi việc.
"Niềm vui, hạnh phúc nhất cuộc đời tôi là các con xem tôi như mẹ đẻ. Chúng giờ đã lớn nhưng thường xuyên tâm sự, chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống. Mỗi dịp chúng được nghỉ về quê thăm bố mẹ lại sà vào lòng tôi nũng nịu như những ngày còn nhỏ. Tôi luôn quan niệm, con nào cũng là con miễn sao mình nuôi dạy, yêu thương chúng hết lòng. Tôi không ân hận về quyết định không sinh con ngày trước, ông trời đã cho tôi cả một gia đình mà nhiều người mơ ước", bà Phương hạnh phúc tâm sự.
Cô giáo nuôi 5 người con riêng của chồng ăn học thành đạt: "Tình yêu của một người mẹ sẽ làm được tất cả"
Báo Pháp luật Việt Nam từng đăng tải một câu chuyện cảm động về bà Nguyễn Thị Thăng ở K7, Thụy Điền, Tân Lập, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, người mẹ nuôi 5 con chồng ăn học, thành đạt. Khi bà lấy chồng, ông đã có đến 5 người con riêng với vợ trước.
5 đứa san sát nhau ở độ tuổi tiểu học, trong đó có 3 trai, 2 gái. Khi bà quyết định lấy ông, cả gia đình, dòng họ đều phản đối, vì sợ bà không thể chịu nổi những khó khăn, vất vả phải đối mặt mà ai cũng có thể lường trước được.
Thế nhưng, bà vẫn kiên quyết lấy ông. Ông với bà nuôi cả thảy 6 đứa con, gồm 5 con riêng của ông và một con gái nuôi của bà.
Chia sẻ với báo Gia đình và Xã hội, anh Mai - một trong những người con đang ở cùng bà, kể: "Ngày đó cuộc sống còn khổ, gia đình đông người. Những bữa cơm độn khoai, độn sắn, bà thường hớt lấy phần cơm cho các con, phần khoai sắn về mình. Thú thật mới đầu chúng tôi cũng sợ, cũng không thích. Về sau thì… mẹ là mẹ của chúng tôi thật sự. Mẹ đẻ chúng tôi xấu mệnh có công sinh, nhưng mẹ lại có công dưỡng dục, nuôi nấng chúng tôi trở thành người".
Bà Nguyễn Thị Thăng trong bữa cơm cùng con cháu (Báo Gia đình và Xã hội)
Đồng lương giáo viên ít ỏi của chồng khi ấy không đủ để mua gạo cho các con. Bà Thăng cứ thế âm thầm làm lụng, đổi công, đổi sức để lấy gạo cho gia đình. Làm hết việc nhà bà lại đi làm thuê cho nhà khác, "để thêm được bát gạo nào thì càng tốt. Chứ các con đang tuổi ăn tuổi lớn mà không đủ no thì tội lắm".
"Cuộc sống khổ cực, vậy mà khi chúng tôi đi học, mỗi tuần mẹ vẫn gửi cho chúng tôi đều đều 3 cân gạo. Như thế, ở nhà chỉ còn lại 1 bát đán (bát đất ngày xưa) độn với những thứ khác để ăn. Chúng tôi thấy cảm kích lắm và tự hứa sẽ thành đạt để không phụ công ơn dưỡng dục của mẹ" - Anh Mai xúc động kể lại.
Cũng vì những hy sinh của mẹ mà cả 6 người con đều quyết tâm học thành tài. Năm 1995 ông nhà mất. Chính tay bà lại chăm lo, dựng vợ, gả chồng cho cả 6 người. Hiện họ đều đã thành đạt.
Giờ đây các con bà đều ở trên thành phố, có nhà cao cửa rộng muốn đón mẹ lên để chăm sóc nhưng bà nhất quyết không đồng ý vì muốn ở lại ngôi nhà nhỏ nơi thôn quê, hương khói cho tổ tiên. Ngày nghỉ con cháu lại kéo nhau về thăm. Gia đình bà năm nào cũng nhận được danh hiệu gia đình văn hóa và là tấm gương cho mỗi gia đình trong xã.
Khi được hỏi để có một đại gia đình đầm ấm và hạnh phúc như thế có khó không? Bà bảo: "Không khó, đơn giản mình hãy luôn làm tròn trách nhiệm của một người mẹ vì mình là mẹ. Tình yêu của một người mẹ sẽ làm được tất cả. Các anh thấy đấy, đến hôm nay tôi luôn tự hào vì con cháu của tôi".