Mùa đông này nếu bạn đến thăm thành phố Rochester ở tiểu bang New York, Hoa Kỳ và thấy tuyết. Hãy coi chừng, vì đó có thể không phải tuyết… mà là phân chim. Những đống bầy nhầy trắng xóa trên khắp vỉa hè này thậm chí còn không phải là phân chim én mùa xuân, đó là phân của những con quạ, hàng chục ngàn con quạ đang xâm chiếm thành phố.
Cứ khoảng đầu mùa đông hàng năm, những đàn quạ ở Bắc Mỹ sẽ bắt đầu di cư. Chúng bay từ Canada để tới vùng tây nam tiểu bang Pennsylvania Hoa Kỳ, nơi có những vùng đất trống, dễ dàng kiếm được ngũ cốc, các loại hạt và thậm chí cả động vật nhỏ.
Trên đường đi, những con quạ sẽ ghé qua New York, nơi chúng thực hiện một màn trình diễn rùng rợn kéo dài hàng tuần lễ. Vào khoảng thời gian này, bạn có thể bắt gặp từ 20-30.000 con quạ bay rợp trời. Cảnh tượng giống như trong bộ phim kinh dị The Birds của Alfred Hitchcock.
Hàng chục ngàn con quạ bay qua thành phố để lại những đống phân trắng bầy nhầy.
Những nhà làm phim Hollywood thích điều đó và thường tới đây khi cần một cảnh quay lũ quạ. Nhưng người dân thành phố Rochester thì không, họ nói rằng những con quạ đem lại cảm giác chết chóc rùng rợn. Chúng là nỗi ám ảnh với trẻ nhỏ, người già và với những bệnh nhân trong bệnh viện khi nhìn ra cửa sổ.
Phân quạ rơi xuống như mưa
Rochester là một thành phố nằm giữa sông Genesee, Kênh đào Erie và Hồ Ontario, ngay phía trên vùng Hồ Finger. Ở đó có các hành lang ven sông nhiều cây cối rậm rạp, thứ mà lũ quạ rất thích.
Có lẽ bởi vậy mà chúng thường chọn đây là nơi dừng chân của mình. Rochester cũng có những khu rừng nằm trong tầm bay hợp lý của lũ quạ, cộng với một nguồn thức ăn dồi dào, ánh sáng ban đêm cho phép lũ quạ cảnh giác với kẻ săn mồi và không khí ấm áp vốn có của đô thị.
Một phần đàn quạ thậm chí đã bỏ hành trình của chúng để định cư luôn ở đây. Chúng còn lan sang các vùng ngoại ô khác ở New York, chẳng hạn như Amsterdam và Watertown.
Richard Miller, một kỹ sư tại thành phố Amsterdam, cho biết quạ thường đậu với số lượng lớn dọc theo bãi đậu xe tòa thị chính. Ông nói có những lúc phân chim rơi từ trên cao xuống "như mưa". "Nói vậy khá thô thiển, nhưng đó là sự thật".
Cứ mỗi mùa đông, hàng chục ngàn con quạ sẽ di cư qua thành phố Rochester, và chúng sẽ ở đây trong vài tuần lễ
Nhà điểu học Kevin McGowan đến từ Đại học Cornell cho biết từ hơn một thế kỷ trước, người dân ở ngoại ô New York đã báo cáo sự xuất hiện của những đàn quạ lớn. Những con quạ bản địa bắt gặp đàn quạ di cư sẽ tạo nên một cuộc tụ họp ồn ã suốt ngày đêm.
Các cuộc tụ họp của loài quạ thường mang mục đích xã hội. "Đó có thể là một cách để quạ gặp gỡ bạn tình tiềm năng hoặc kết nối với những cá thể mà chúng đã lâu không gặp", Kaeli Swift, một giảng viên tại Đại học Washington cho biết.
Có điều, cuộc gặp gỡ của loài quạ lại đem đến phiền toái cho con người. Xung đột chủ yếu xảy ra khi lũ quạ quyết định đậu trên những tán cây lớn trải dọc các con đường trong thành phố. Dịch vụ Động vật Hoang dã của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã phải cắt cử một bộ phận chuyên viên để đuổi chúng đi.
Nghề lạ: Những người chuyên đuổi quạ
Cũng tại Rochester, nhưng là một thành phố tại tiểu bang Minnesota (trong trường hợp bạn chưa biết, nước Mỹ có tới 19 thành phố Rochester như ở New York, được đặt theo tên Nathaniel Rochester, một đại tá tham gia và có công lớn trong Cách mạng Mỹ 1775-1783), Don Yust lái xe chậm rãi dọc theo một con phố có nhiều nhà hàng và quán bar nổi tiếng.
Tại đó, anh phát hiện ra một cái cây đậu đầy những con quạ. Yust là một nhân viên làm việc trong công viên thành phố, nhưng vào ban đêm, anh sẽ tham gia vào một nhóm được gọi là "Đội tuần tra quạ". Thành phố Rochester chi ngân sách cho đội đặc nhiệm này 40.000 USD/năm chỉ để làm nhiệm vụ xua đuổi quạ.
"Tối qua đây là một điểm nóng", Yust nói. Hôm qua họ đã đuổi lũ quạ đi một lần ở đây, nhưng dường như chúng đã quay trở lại đông đủ. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ có hướng dẫn một bộ công cụ cho các đội tuần tra quạ như ở Rochester.
Đầu tiên, Yust sẽ bật một chiếc loa phóng thanh ghi lại một loạt các tiếng gọi của quạ. Nếu những con quạ bay theo chiếc xe, anh có thể lái và dụ chúng ra khỏi thành phố. Nhưng lần này, tiếng loa dường như đã mất tác dụng.
Với thân người dài hơn 40 cm và sải cánh rộng trên 90 cm, quạ được coi là một trong những loài vật thông minh nhất trên thế giới. Chúng ít khi bị lừa quá vài lần nên nếu tiếng quạ kêu mất tác dụng, các chuyên viên của Bộ Nông nghiệp sẽ hướng dẫn Yust sử dụng đèn pha và laser, mục đích là để làm những con quạ chói mắt.
Lần này, ánh đèn đã tỏ ra hiệu quả, nhưng vẫn chỉ có một số ít quạ bay đi khỏi cái cây. Biện pháp cuối cùng mà Yust phải dùng đến là một khẩu súng lục trang bị đạn nổ, nghĩa là đạn chỉ tạo ra tiếng động mà không bắn ra đầu đạn.
Chỉ một vài viên, cả đàn quạ đã bay đi, ngoại trừ một con vẫn đậu lại.
"Thường là vậy, bạn sẽ thấy một số con quạ rất cứng đầu. Chúng sẽ không chịu bay đi bất kể bạn có làm gì đi chăng nữa", Yust nói. "Cứ như kiểu nó muốn nói với tôi. "Tao đã tìm được ngôi nhà của mình cho đêm nay. Hãy để tao yên".
Các phương pháp tương tự cũng đã được sử dụng tại thành phố Rochester ở tiểu bang New York, nhưng họ có kinh phí eo hẹp hơn. Số tiền chi cho hoạt động đuổi quạ ở đây chỉ khoảng 7.000 -21.000 USD/năm.
Theo luật pháp Hoa Kỳ, những con quạ di cư qua các thành phố của họ đều được bảo vệ như một loài chim di cư. Nghĩa là người dân không được phép săn bắn hay làm tổn hại đến chúng, trừ khi họ có được giấy phép của liên bang, từ Cơ quan Bảo vệ Cá và Động vật hoang dã Hoa Kỳ.
Và ngay cả khi bạn đã xin được giấy phép săn bắn, nó thường cũng chỉ có hiệu lực vào ban ngày. Lũ quạ thì chỉ bắt đầu hoành hành trong thành phố sau khi Mặt Trời lặn.
Tại thành phố Rochester của tiểu bang Minnesotans, người ta đã nghĩ ra một cách sáng tạo để kiểm soát bầy quạ. Họ thả vào tự nhiên những con chim săn quạ, chẳng hạn như diều hâu hoặc cú sừng lớn.
Tuy nhiên, với hàng chục ngàn con quạ xâm chiếm thành phố này mỗi năm, việc thả loài thiên địch cũng không có tác dụng trên diện rộng. Đó là lý do họ vẫn phải duy trì Đội tuần tra quạ trong thành phố.
Sally Vehrenkamp, một nữ nhân viên tại Đội tuần tra quạ Rochester với thiết bị laser để đuổi quạ.
Cứ mỗi buổi chiều khi trời chạng vạng tối, họ lại lên đường với những chiếc xe bán tải tản ra khắp thành phố. "Chúng tôi được trang bị tia laser, chúng tôi được trang bị loa gọi quạ, và một khẩu súng bắn đạn nổ", Sally Vehrenkamp, một nữ nhân viên tại Đội tuần tra quạ Rochester cho biết.
Mục tiêu là giúp làm sạch thành phố và biến Rochester trở thành một nơi đáng sống hơn. "Bạn biết đấy, ở trung tâm thành phố có một bệnh viện thuộc hệ thống Mayoclinic thu hút rất nhiều bệnh nhân đến từ khắp nơi trên thế giới", Vehrenkamp nói.
"Nếu cứ để lũ quạ ở đây, các bệnh nhân sẽ thấy thật kinh tởm khi họ bước vào. Họ sẽ phải bước qua hàng đống phân quạ".
Tham khảo Fieldandstream , Npr