Chiến khu Quỳnh Lưu thuộc địa bàn bảy xã của huyện Nho Quan và Gia Viễn (Ninh Bình), "đầu não" của chiến khu nằm tại thôn Lũ Phong, xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan. Chiến khu Quỳnh Lưu là trung tâm của Chiến khu Quang Trung - một trong bảy chiến khu của cả nước trong thời Pháp thuộc. Là căn cứ cách mạng của Đảng thời kỳ kháng Nhật và chống Pháp, đồng thời là cái nôi của phong trào cách mạng của tỉnh Ninh Bình.
Năm 1945, chính sách vơ vét thóc, gạo của thực dân Pháp đã đẩy nhân dân ta vào nạn đói "năm Ất Dậu". Toàn tỉnh Ninh Bình lúc ấy có tới gần 38 vạn người chết đói vì không có lương thực.
Trung tâm căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu (1941-1945). Ảnh Internet.
Tổng Quỳnh Lưu có nhiều kho thóc của Nhật và cũng là nơi có phong trào cách mạng sớm nhất của tỉnh Ninh Bình. Sáng ngày 15/3/1945, dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng ở địa phương, hàng trăm quần chúng cứu quốc, có đội tự vệ hỗ trợ đã phá kho thóc ở làng Sưa chia cho dân.
Thắng lợi đó đã cổ vũ quần chúng rất nhiều, mở đà cho ba ngàn nhân dân thuộc bốn tổng Quỳnh Lưu, Vân Trinh, Tam Đồng, Văn Luận (Nho Quan - Gia Viễn) nhất loạt đi phá tất cả các kho thóc trong vùng.
Trước khí thế cách mạng của quần chúng và lực lượng vũ trang non trẻ của ta, bọn hương lý phải bỏ trốn. Phủ trưởng Nho Quan Thái Văn Thịnh vội vã dẫn lính về làng Vũ Phong đàn áp. Lực lượng phá kho thóc làng Quỳnh Lưu đi đến cây đa làng Lũ Phong thì gặp địch.
Đồng chí Trần Kiên, Trưởng Ban cán sự tỉnh kêu gọi binh lính "Người Việt Nam không bắn người Việt Nam", nhưng địch vẫn nổ súng sát hại một tự vệ cứu quốc. Đồng chí Lương Văn Tài xông lên bị tên Phủ trưởng rút súng lục bắt chết.
Căm thù tột độ, bất chấp súng đạn, quần chúng trong đó có cả đồng bào Mường theo đạo thiên chúa ào tới dùng đòn gánh đánh chết gục hai tên chỉ huy là lục Phụng và cai Tý. Tên Phủ trưởng bị đánh, phải cùng binh lính chạy về Nho Quan, bỏ lại cả ô tô, xe đạp và súng đạn.
Noi gương Quỳnh Lưu, nhân dân huyện Yên Khánh đã phá kho thóc ở Nhuận Ốc. Đồng bào theo đạo thiên chúa vùng Phát Diệm cũng theo Việt Minh vùng lên phá kho thóc ở Thượng Kiệm.
Cuối tháng 5/1945. Ủy ban quân sự cách mạng Bắc kỳ quyết định xây dựng Quỳnh Lưu thành trung tâm của Chiến khu Quang Trung (còn gọi là Chiến khu Hòa - Ninh - Thanh) và chuẩn bị cho Trung đội Giải phóng quân Nam tiến.
Ngày 11/8, hai xe cam nhông chở đầy lính Nhật kéo về Quỳnh Lưu hòng phá trung tâm Chiến khu Quang Trung. Trung đội giải phóng quân Ninh Bình mới được thành lập trước đó chưa đầy hai tháng đã cùng tự vệ và nhân dân: Bố trí sẵn sàng chờ địch. Trận đánh diễn ra quyết liệt từ 7 giờ sáng đến 2 giờ chiều.
Địch tổ chức nhiều đợt xung phong nhưng đều bị đánh bật ra. Phối hợp với Quỳnh Lưu, nhân dân quanh vùng đã đánh trống, mõ, thổi tù và uy hiếp tinh thần địch và chặt cây ngả ra đường để chặn xe của chúng. Cuối cùng bọn Nhật phải tìm đường rút về Nho Quan đem theo nhiều tên chết và bị thương.
Khẩu súng tiểu liên Sten của tự vệ Chiến khu Quỳnh Lưu sử dụng cùng với nhân dân phá kho thóc Nhật, bảo vệ cơ sở cánh mạng và cùng nhân dân giành chính quyền ở tỉnh Ninh Bình, năm 1945. Ảnh Văn Nhuận.
Đây là chiến thằng đầu tiên ở Chiến khu Quỳnh Lưu của quân dân ta với vũ khí thô sơ đã đè bẹp được đội quân của phát xít Nhật.
Ngày 17/8, đồng chí Trần Tử Bình mang lệnh tổng khởi nghĩa ở xứ ủy về Ninh Bình. Đêm ngày 17/8, Tỉnh ủy họp ở Quỳnh Lưu bàn kế hoạch chỉ đạo khởi nghĩa toàn tỉnh.
Sáng ngày 19/8, xuất phát từ chiến khu này đội giải phóng quân và quần chúng cách mạng chiếm huyện lỵ Gia Viễn và chiều hôm đó tiến vào Nho Quan. Quân địch sợ hãi phải đầu hàng.
Sau đó tổ chức cướp chính quyền trong toàn tỉnh. Trung đội giải phóng quân của Chiến khu Quỳnh Lưu đã phát triển thành một Chi đội, gồm 6 Đại đội. Từ đấy, cùng với 45 làng chiến đấu của Ninh Bình, Chiến khu Quỳnh Lưu luôn là niềm tự hào của quân dân ta.
Chiến khu Quỳnh Lưu đã đi vào lịch sử của đất nước quê hương trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Khẩu súng tiểu liên Sten của lực lượng tự vệ (sau là Trung đội giải phóng quân) Chiến khu Quỳnh Lưu, mang số đăng ký BTQK3: 113-KL-55 là một hiện vật tiêu biểu hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 3, thu hút đông đảo khách tham quan.