Khẩu nghiệp từ đâu ra?
Chúng ta có thân này là do nghiệp. Nghiệp được hiểu đơn giản nhất, đời thường nhất là thói quen.
Nếu ta thường xuyên sống bình an, nhẹ nhàng, thanh tịnh, vô ngã vị tha thì chúng ta tạo nghiệp thiện, được sinh về các cảnh giới thiện lành, được làm chư thiên và làm người hạnh phúc.
Nếu chúng ta thường xuyên tức giận, quát nạt kẻ khác, ức hiếp người khác sẽ tạo nghiệp không lành và có thể sinh về cõi atula (hiểu nôm na, cõi này chỉ biết sân hờn giận, đánh nhau chứ chẳng làm gì ngoài những trạng thái đó).
Nếu chúng ta tham lam, bỏn sẻn, keo kiệt thì tạo nghiệp ác và sinh về cõi dữ là ngạ quỷ. Nếu chúng ta cướp bóc, giết người, ngày đêm làm những việc xấu thì tạo nghiệp rất ác và sẽ sinh về địa ngục.
Trừ những người vô minh quá, còn lại đa phần tin vào luật nhân quả, tin rằng sống tốt được may mắn, sống ác bị gặp nhiều chuyện xấu.
Gieo nhân nào gặt quả đó. Quả chẳng trổ ngày nay thì ngày mai, không kiếp này thì kiếp tới. Nhân quả thật rõ. Nghiệp là luôn đúng.
Tuy nhiên vẫn có những người nghĩ rằng nghiệp chỉ do các hành động của mình gây ra mà không biết rằng nghiệp là do cả 3: thân, khẩu, ý tức do các hành động việc làm cũng như do lời nói và các suy nghĩ.
Ở đây tôi chỉ bàn về khẩu nghiệp, tức các nghiệp do lời nói sinh ra.
Cẩn thận, nói đúng, nói trúng thời điểm
Khẩu nghiệp là nghiệp do lời nói gây ra. Bất cứ những gì ta nói ra đều có tác động lợi hoặc hại, tốt hoặc xấu, xảy ra ngay tức thì hoặc để lại hậu quả sau này.
Khẩu nghiệp lành từ các lời nói tạo ra những kết quả tốt lành, làm lợi cho chính người đó và những người liên quan.
Khẩu nghiệp ác từ các lời nói tạo ra những hậu quả xấu, làm hại cho chính người nói ra và những người liên quan. Khẩu nghiệp còn ảnh hưởng đến cả cộng đồng, cả xã hội.
Nếu chúng ta biết ái ngữ, tức nói lời hay, ý đẹp thì chính mình và những người xung quanh được hưởng.
Người có trí tuệ, có hiểu biết đúng đắn về khẩu nghiệp thường rất cẩn thận khi nói. Họ biết cách nói đúng, nói trúng, cả về nội dung lẫn thời điểm.
Người có trí tuệ biết cách nói để không làm phiền lòng người nghe. Khi thấy một người trong cơ quan hay trong gia đình, nhóm bạn đang làm một việc sai trái họ cũng tìm cách nói khéo léo và nói vào thời điểm hợp lý.
Người có trí tuệ hiểu rõ khẩu nghiệp nên chỉ sử dụng lời nói khi cần thiết, nói để đạt được kết quả mà mình mong muốn mà không làm tổn thương đến người nghe.
Người có trí tuệ thường nói với tâm Phật, tức dùng từ bi hỷ xả để nói. Trước khi nói, thậm chí họ ngồi cho lắng lòng, cho tâm thanh tịnh rồi mới nói.
Bí quyết để không tạo khẩu nghiệp
Chúng ta có thể thực tập 1 cách làm rất đơn giản là hít thở 3 hơi thật nhẹ, thật êm để tĩnh tâm và thư giãn trước khi nói. Lúc đó sẽ bớt đi những lời nói vô ích và không hợp lý, thậm chí là xấu.
Người có trí biết rõ nếu lời mà mình chuẩn bị nói ra có thể mang lại hậu quả xấu thì thường không nói hoặc chưa nói.
Bởi nếu ta nói ra mà ta không kiểm soát được lời nói thì ta tạo khẩu nghiệp xấu. Mà khẩu nghiệp xấu chắc chắn để lại hậu quả xấu, hoặc ngay tức thì, hoặc dài lâu.
Ai cũng muốn nghe những lời hay tiếng đẹp. Ta cũng vậy. Cớ gì ta nói những lời không dễ thương.
Tôi hay tự nghĩ: liệu người nghe có muốn nghe những lời mình nói không. Nếu câu trả lời rằng không thì thường là tôi cố gắng không nói.
Nói ra mà gây hận thù, oán ghét thì chính ta tạo nghiệp xấu. Nghiệp xấu lôi ta trôi lăn trong sanh tử luân hồi với khổ đau triền miên.
Đức Phật có dạy, trong mười nghiệp của con người thì khẩu nghiệp là bốn, tức gần một nửa. Đó là: Chuyện không nói có, chuyện có nói không; Nói lời hung ác; Nói lưỡi hai chiều; Nói lời thêu dệt.
Khẩu nghiệp ác là một trong những nghiệp nặng nề nhất mà chúng ta tạo ra. Ai cũng biết rằng vết thương trên thân thể dễ lành hơn vết thương gây ra do lời nói.
Người có trí tuệ thường nhớ đến 4 khẩu nghiệp xấu nêu trên để tránh.
Vì vậy, người có trí tuệ thực tập chỉ nói sự thật, không bịa chuyện. Họ cũng tập nói những lời nhẹ nhàng êm dịu, dễ nghe.
Họ không nói lưỡi hai chiều, ngồi đây nói trắng đến chỗ khác lại nói đen. Họ thực tập không bịa chuyện, không thêu dệt câu chuyện, không nói sai sự thật. Họ thường không nói những gì mà mình không biết chắc chắn là có thật.
Bệnh từ miệng, họa từ miệng
Tôi vẫn nhớ những câu nói ông nội dạy từ xưa. Đại loại rằng, người trên đời này búa để trong miệng, con người giết nhau là do lời nói ác.
Ông tôi cũng dạy rằng bệnh từ cái miệng do ăn uống mà đem vào, họa cũng từ cái miệng do nói bậy bạ mà ra.
Ông dạy tiếp rằng mở miệng nhiều lời sẽ hao tổn thần khí, lưỡi nói chuyện phải trái, hơn thua, đẹp xấu, khen chê, sẽ dẫn đến tranh đấu, tranh cãi sinh ra lắm chuyện, thậm chí hậu quả nghiêm trọng.
Ông nói chữ nôm, chữ hán nhưng tôi chỉ nhớ nội dung. Nhờ ông nội dạy từ nhỏ nên tôi luôn lưu ý mỗi lời nói của mình. Tránh tối đa khẩu nghiệp ác.
Lớn lên tôi học Phật, học chánh pháp. Và tôi phát hiện ra rằng ngoài 4 khẩu nghiệp nêu trên, chúng ta còn cần lưu ý thêm các nghiệp khác từ miệng như ăn uống lãng phí, ăn uống cầu kỳ, quá đòi hỏi trong ăn uống.
Tôi cũng lưu ý mình khi phê bình người khác, khi chê bai người khác, khi khen người khác. Tôi học được và luôn nhắc mình thực tập không rêu rao lỗi của mọi người, nếu thấy lỗi thì khuyên bảo và nhắc nhở.
4 hạng người nên tránh
Trong kinh, Đưc Phật dạy, có 4 hạng người chúng ta nên tránh trở thành. Đó là những kẻ hay nói lỗi người khác, những kẻ hay nói chuyện mê tín, tà kiến, những kẻ miệng nói ra những lời tốt nhưng tâm lại xấu, những kẻ làm ít kể nhiều. Tôi luôn nhắc mình mỗi ngày.
Người có trí thường ăn uống tiết kiệm. Vậy nên để giữ khẩu nghiệp, tôi thường nhắc mình cùng các bạn bè và người thân ăn bao nhiêu gọi bấy nhiêu thức ăn, ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu, không để thừa.
Dù có giàu đến cỡ nào nhưng nếu không tiết kiệm, tiền của cũng hết. Hơn thế nữa chúng ta cần hiểu rằng tài sản và của cải của kiếp này là do nghiệp lành, do phước đức từ kiếp trước để lại.
Nếu ta chỉ biết tiêu mà không biết kiếm tức tạo các nghiệp lành thì kho của kia chẳng mấy sẽ hết.
Trong kinh Pháp Cú, Đức Phật có dạy rằng, dù nói hàng ngàn lời nhưng không gì lợi ích, tốt hơn hãy nói một câu có nghĩa, nghe xong được tịnh lạc (Pháp cú số 100).
Hoặc không phải vì nói nhiều mới xứng danh bậc trí, an ổn không oán sợ thật đáng gọi bậc trí (Pháp cú 258).
Hoặc không phải vì nói nhiều là thọ trì chánh pháp, người nghe ít diệu pháp nhưng trực nhận viên dung, chánh pháp không buông lung là thọ trì Phật Pháp (Pháp cú số 259).
Tốt nhất là lưỡi, xấu nhất cũng là lưỡi
Nếu chúng có học Phật, biết nghiên cứu và thực hành những lời Phật dạy thì thật là tuyệt vời. Từ hiểu biết đúng đắn, ta áp dụng và cuộc sống và có kết quả ngay tức khắc, ta nhận được lợi lạc đầu tiên.
Viết đến đây tôi nhớ lại câu chuyện bố tôi kể nhiều lần. Chuyện rằng ông phú hộ kia yêu cầu cho giết lợn và chọn phần quí nhất của con lợn để nấu món ăn cho ông ta.
Đầu bếp mang lên cho ông một món ăn với phần quý nhất của con lợn là cái lưỡi. Khi được hỏi tại sao thì người đầu bếp trả lời rằng cái lưỡi là bộ phận quí nhất.
Nhờ cái lưỡi mà con người được nghe những lời êm dịu, nhẹ nhàng, yêu thương và hạnh phúc. Cái lưỡi cũng nói ra nhiều ý tưởng hay, nhiều dự án lớn, nhiều kế hoạch ích nước lợi dân. Nhờ cái lưỡi mà có khi cả xã hội được hưởng lợi.
Một lần khác ông phú hộ lại yêu cầu giết lợn và chọn một bộ phận xấu xa nhất làm cho ông một món ăn.
Đầu bếp mang lên cho ông ta món ăn mà bộ phận xấu xa nhất lại cũng là cái lưỡi lợn. Người đầu bếp giải thích rằng có nhiều lời nói giết chết mạng sống, có những lời nói xấu xa, tàn nhẫn làm tan nát gia đình, làm hủy hoại cả chế độ.
Chuyện bố kể làm tôi ngẫm sâu lắm. Khẩu nghiệp quả thật là rất lớn. Tôi luôn nhắc mình quan tâm khẩu nghiệp để có hành xử đúng, để có cuộc sống thiện lành trong kiếp này và các kiếp mai sau.
Sự thay đổi của người học trò đau khổ
Tôi nhớ rằng, tại các khóa thiền, chúng tôi hay thực tập thiền ca, tức thiền hát. Chúng tôi hát những bài hát rất có ý nghĩa để nhắc mình thực hành mỗi ngày.
Tôi rất thích bài hát sau:
"Lời qua (mà) tiếng lại
Giải quyết chi đâu
Sao không dừng lại?
Kẻo hố thêm sâu
Lời qua (mà) tiếng lại
Đưa ta tới đâu
Sao không dừng lại?
Thở nhẹ và sâu
Lời qua (mà) tiếng lại
Đưa ta tới đâu
Sao không thở nhẹ?
Mỉm cười nhìn nhau."
Khi giận nhau chỉ cần hát bài này. Khi khó chịu, mâu thuẫn bức xúc, chỉ cần hát vào câu. Là tất cả êm xuôi.
Mong muốn của tôi rằng chúng ta nhắc nhau sống bình an thư giãn. Tôi hay nhắn tin cũng như viết trên facebook những câu dễ thương để mọi người đọc là có thể mỉm cười.
Tôi cũng nhắc bạn bè, người thân, đồng nghiệp và học trò "mỉm cười 10 giây" mỗi ngày. Lời khen ngợi, cám ơn, xin lỗi là những thứ tôi muốn mọi người cùng mình thực tập.
Tôi có một người học trò luôn đau khổ, chán chường, thất vọng, đầy tư duy tiêu cực. Tôi hướng dẫn em sống chánh niệm và ái ngữ. Tôi nhắc em mỗi ngày mỉm cười và nói lời hay, ý đẹp.
Chỉ vài tháng sau Tuấn có khuôn mặt tươi tắn, hạnh phúc. Mặt em trở nên sáng sủa và dễ thương. Sự cau có, cằn nhằn biến mất.
Tuấn tự nhiên được rất nhiều người yêu quý. Em thấy đời sống bây giờ khác xa trước. Tuấn như được đổi đời. Tu khẩu đổi hình là câu chuyện có thật của Tuấn.
Mong bạn cùng tôi thực hành ái ngữ và tu khẩu nghiệp thật tốt mỗi ngày nhé!