Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vừa có chuyến thăm tới Washington và có cuộc gặp mặt người đồng cấp Donald Trump.
Vấn đề quan trọng nhất được thảo luận trong chuyến thăm lần này của ông Erdogan là thương vụ hệ thống phòng không S-400. Đây là yếu tố được đánh giá là có khả năng làm hỏng nhiều khía cạnh trong quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Mỹ.
Nga không phải là một phần trong cuộc đàm phán ở Washington, nhưng kết quả cuộc gặp lại ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ, cựu Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Yasar Yakis nhận định trên tờ Arab News.
Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi cách tiếp cận?
Khi tranh cãi liên quan đến S-400 xuất hiện vào thời điểm năm 2010, Washington đã phản đối dữ dội ý định mua của Ankara với lý do hệ thống phòng không Nga có thể nắm bắt điểm yếu của chiến đấu cơ F-35 thế hệ mới của NATO.
Cùng với đó, việc Thổ Nhĩ Kỳ chuyển hướng sang mua vũ khí Nga sẽ là một mất mát lớn đối với ngành công nghiệp quốc phòng của các quốc gia thành viên liên minh.
Vào thời điểm đó, Tổng thống Erdogan đã phản ứng lại bằng cách dùng ngoại giao "khẩu chiến" với Mỹ, giải quyết vấn đề tranh cãi với đồng minh NATO của mình bằng những phát biểu sắt đá, khiến công chúng trong nước cảm thấy tự hào về việc họ có được một nhà lãnh đạo cứng rắn.
Nhưng vấn đề trở nên khó lường hơn khi làn sóng phản đối thương vụ của Thổ Nhĩ Kỳ tăng cao trong giới chính trị Washington.
Ông Erdogan tin tưởng "người bạn tốt" của ông - Tổng thống Donald Trump - sẽ dàn xếp ổn thỏa đối với làn sóng phản đối Thổ Nhĩ Kỳ ở Mỹ và tìm cách thoát khỏi bế tắc. Tuy nhiên, hy vọng đó đang dần tan biến.
Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ tạm hoãn vấn đề S-400 cho đến sau cuộc bầu cử Mỹ.
Bối cảnh ban đầu liên quan đến S-400 cho thấy Tổng thống Erdogan đã đúng trong cách tiếp cận của mình. Ở đỉnh điểm của các cuộc khủng hoảng Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ cần một hệ thống phòng không đáng tin cậy.
Một số quốc gia NATO đã đồng ý giúp đỡ Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách tạm thời triển khai hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất, nhưng sau đó lại rút về dù Ankara chưa hề muốn trả lại. Do đó, Ankara quyết định rằng họ sẽ không cần phải phụ thuộc vào thiện chí của các quốc gia khác.
Thổ Nhĩ Kỳ loan báo muốn có một hệ thống phòng không. Một số quốc gia gửi đề nghị. Giá thầu của Nga là 8,4 tỷ USD, giá thầu Mỹ là 4,6 tỷ USD, giá thầu Ý-Pháp là 4,4 tỷ USD và giá thầu Trung Quốc là 3,44 tỷ USD. Thổ Nhĩ Kỳ không thể nhận lời đề nghị của Trung Quốc vì các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Ban đầu giá thầu của Nga là cao nhất, nhưng bằng cách thương thảo sang một hợp đồng cho vay, hai nước đã chốt hợp đồng với giá 2,5 tỷ USD. Ngoài ra, một phiên bản mới của S-400 đã được lên kế hoạch sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ theo công thức hợp tác chung.
S-400 từng được Nga chào hàng với giá 8,4 tỷ USD.
Trong bối cảnh đó, Tổng thống Erdogan nghĩ rằng ông có thể sử dụng mối quan hệ chặt chẽ với người đồng cấp Trump để thuyết phục giới chính trị ở Washington rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã làm đúng.
Nhưng ông Erdogan đã không tính đến vấn đề phân chia quyền lực ở Mỹ khi quyền lực của Quốc hội có thể giới hạn hành động của tổng thống. Cả hai nhà lãnh đạo đã làm hết sức mình để vượt qua khó khăn.
Vẫn phải chờ đợi
Theo Washington Post, ông Trump đã gửi một bức thư cho nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ ngay trước cuộc gặp, nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đối mặt với các lệnh trừng phạt nếu họ không dừng việc triển khai tên lửa S-400, cũng như cam kết không mua vũ khí khác của Nga.
Tuy nhiên, tình hình có vẻ không căng thẳng như vậy. Sau khi trở về từ Washington, ông Erdogan tiết lộ rằng, ông đã giải thích rõ vấn đề cho ông Trump, và sau đó nhà lãnh đạo Mỹ đã hiểu lý do đằng sau thái độ của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng vì quá trình luận tội và cuộc bầu cử Mỹ sắp diễn ra, ông Trump phải hành động thận trọng.
Theo nhận định từ cựu Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Yasar Yakis, hai nhà lãnh đạo đã chọn cách giải quyết hợp lý trong bầu không khí khó khăn hiện nay và quyết định chuyển vấn đề này xuống một ủy ban có sự tham gia của ngoại trưởng hai nước, các chuyên gia quốc phòng và tình báo.
"Một phép màu cho vấn đề phức tạp này là không thể xảy ra trong tương lai gần. Moscow sẽ theo dõi sự phát triển với sự chú ý tối đa. Vì Thổ Nhĩ Kỳ đã cam kết trả tiền cho hệ thống này, nên Nga không bị tổn thất kinh tế, ngay cả khi vì áp lực Mỹ mà phải từ bỏ việc kích hoạt hệ thống. Nhưng quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có những rạn nứt", ông Yakis đánh giá.
Trong bối cảnh này, việc triển khai tên lửa S-400 có thể bị hoãn lại cho đến khi quá trình luận tội và bầu cử Mỹ kết thúc.