Sinh ra bên đồi nương ở huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, anh Thủy từ nhỏ đã theo bố mẹ đi bẻ ngô hái sắn. Cuộc sống của anh chủ yếu xoay quanh căn nhà 3 gian vách nứa xập xệ, mái ngói nứt, dột và những bữa ăn khi đói khi no.
"Mâm cơm chỉ có rau. Chưa kể lúc mất mùa thì ăn ngô, nhai sắn. Có lúc, bố mẹ phải cố vay tiền cho tôi ăn học hết cấp 3", anh Thủy kể.
Tốt nghiệp, Thủy xin làm phụ xe chở nông sản cùng người thân với thu nhập khoảng 1,5 triệu/tháng, song cái nghèo vẫn đeo bám gia đình anh như một thứ "đặc sản". Thủy không còn lựa chọn nào khác, tính sau này cũng chỉ ngồi trên chiếc ghế gắn vô lăng.
May mắn đầu năm 2016, anh được người quen giới thiệu việc làm vệ sinh công cộng ở trung tâm thương mại Sun Plaza (Sa Pa). Anh hào hứng nộp đơn và trúng tuyển. Tháng đầu thử việc, cũng là lần đầu tiên trong đời Thủy được cầm trên tay số tiền lương gần bằng mấy tháng đi phụ xe cộng lại. "Chưa bao giờ tôi được cầm nhiều tiền như thế!" – anh Thủy nhớ lại cảm giác kinh ngạc ngày đầu chặng đường đổi đời của mình.
Sáu năm sau, thu nhập của Thủy tăng gần gấp đôi. Anh có thể gửi 4-5 triệu/tháng về cho bố mẹ để lo phí sinh hoạt và chữa bệnh. Số còn lại, cả gia đình dành dụm để xây một căn nhà cấp 4 khang trang và đẹp đẽ.
"Chất lượng cuộc sống được nâng lên hoàn toàn, thay cho sự lộn xộn trước đây. Bố mẹ tôi ít phải lo lắng về cơm áo gạo tiền, suy nghĩ tích cực hơn. Bản thân tôi cũng có kế hoạch mới để thăng tiến trong công việc", anh Thủy tâm sự.
Nhiều người dân bản xứ như anh Thủy đã thay đổi tư duy và có thêm lựa chọn kể từ khi tập đoàn Sun Group gõ cửa vùng đất Lào Cai. Một số hộ chuyển từ trồng lúa sang trồng rau phục vụ các nhà hàng, khách sạn. Không ít người lựa chọn làm du lịch cộng đồng, xây dựng homestay... Và rất nhiều người dân bản địa có cơ hội làm việc tại những công trình đẳng cấp quốc tế như khu du lịch Sun World Fansipan Legend, khách sạn 5 sao Hotel de la Coupole - MGallery,...
Du lịch Tây Bắc cũng từng ngày khởi sắc. Từ vùng núi hoang vu nghèo khó, Sa Pa đã thức giấc, chuyển mình mạnh mẽ và thu hút sự chú ý của cả thế giới với "điểm phải đến nhiều lần trong đời" Sun World Fansipan Legend. Nhiều năm liền, nơi này nhận các giải thưởng danh giá như "Điểm đến du lịch văn hóa hàng đầu thế giới" (2019, 2020) và "Điểm du lịch có thắng cảnh thiên nhiên hấp dẫn hàng đầu thế giới" (2020) do giải thưởng uy tín bậc nhất của ngành du lịch thế giới - World Travel Awards (WTA) trao tặng.
Không chỉ ở Sa Pa, trong suốt 15 năm qua trên khắp dải đất hình chữ S, tập đoàn Sun Group đã tìm đến những nơi giàu tiềm năng nhưng chưa được khai thác xứng tầm, làm đẹp các vùng đất, đổi thay những cuộc đời sang trang mới tươi sáng, đủ đầy. Giải thưởng "Tập đoàn du lịch hàng đầu châu Á năm 2022" mới được trao cho Sun Group là sự ghi nhận cho hành trình không ngừng nỗ lực, hiện thực hóa giấc mơ góp phần đưa Việt Nam trở thành cường quốc về du lịch của một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam.
Du lịch Việt mới chỉ được hiểu là một ngành kinh tế cách đây 30 năm, khi đất nước ra chính sách mở cửa và hội nhập. Năm 1990 đánh dấu sự khởi đầu thời kỳ đổi mới và đón 250.000 lượt khách quốc tế đầu tiên.
"Hồi đó cơ sở vật chất kỹ thuật cho du lịch hầu như không có gì. Khách sạn 4-5* cũng không có. Ta bắt đầu gần như từ bàn tay trắng, kể cả từ góc độ quản lý nhà nước, kể cả con người", PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch (Tổng cục Du lịch), người đi cùng ngành du lịch từ ngày khởi tạo, cho hay.
Khách quốc tế đến Việt Nam trong giai đoạn ấy, theo ông Lương, là bởi sự tò mò về một điểm đến mới với những chính sách thu hút. Hơn nữa, Việt Nam khi ấy nổi lên là 1 trong 16 trung tâm đa dạng sinh học lớn nhất thế giới, với rất nhiều bãi biển, hang động "rất hay và rất lạ", cùng những giá trị văn hóa, lịch sử mà không phải điểm đến nào cũng hội tụ được. Đó chính là những nhân tố thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của du lịch Việt.
Ông Lương sau đó được giao hoàn thiện bản quy hoạch đầu tiên của du lịch Việt Nam giai đoạn 1995 - 2010 để trình Thủ tướng, bao gồm hệ thống khu du lịch quốc gia. Nhóm nghiên cứu của ông thấy rằng, nếu thiếu các điểm đến mang tầm quốc gia và quốc tế thì Việt Nam không thể hút được khách nước ngoài.
"Các điểm nhỏ lẻ như cái đền này, cái khách sạn kia thì không có ý nghĩa gì cả. Người ta cần một khu vực để có thể nghỉ lâu dài, ở đó và tiếp tục đi chơi, đi khám phá, trải nghiệm. Vậy nên chúng tôi đề xuất 21 điểm có tiềm năng, trong đó có những điểm rất quan trọng, gọi là Khu du lịch tổng hợp quốc gia, cụ thể: Hạ Long - Cát Bà, Vân Phong - Đại Lãnh (Khánh Hòa), Đăng Kia - Suối Vàng (Lâm Đồng) và Phú Quốc", nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch nói.
Nói về Hạ Long - Cát Bà, ông Lương cho rằng ai cũng biết điểm mạnh, tiềm năng vượt tầm khu vực của nó. Hai điểm này được kết nối với nhau vì đó là một thế giới nguyên thủy, đa dạng sinh học. Nhưng sự thiếu hoàn chỉnh về hạ tầng và phát triển đồng bộ vẫn khiến du lịch Hạ Long, Cát Bà là bài toán bỏ ngỏ.
"Từng có nhà đầu tư Singapore đề xuất đầu tư toàn bộ khu du lịch này, bao gồm cả sân bay Liên Khương và giao thông lân cận, với tổng vốn lên đến vài tỷ đô. Nếu không có khách, họ lên kế hoạch xuất khẩu rau của Lâm Đồng sang Singapore. Như vậy, có rất nhiều cái hay cho Việt Nam: vừa có khách du lịch, có điểm đến, vừa xuất khẩu được nông sản giá trị cao. Sau hơn một năm nghiên cứu, những kế hoạch được trình ra Quốc hội" - ông Lương kể.
"Ngay từ hồi đấy, tôi không dùng từ "cường quốc" nhưng những khát vọng trong bản quy hoạch đã là quy mô tầm cỡ châu lục. Cái gọi là khát vọng cường quốc bây giờ thực chất là mục tiêu từ mấy chục năm về trước. Việt Nam không thiếu người có tầm nhìn xa, nhưng du lịch hiện vẫn chỉ đứng ở top khá khá một chút ở trong khu vực, không phải là top đầu về lượng khách, chưa nói về thu nhập", ông Lương chia sẻ thêm.
Chia sẻ quan điểm về tầm nhìn phát triển du lịch của Việt Nam, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), cho biết, kể từ năm 2016, khi Bộ Chính trị đưa ra mục tiêu cho du lịch là "trở thành ngành kinh tế mũi nhọn", ngành này buộc phải chuyển mình, phải thay đổi và buộc phải đưa ra những cách làm để đạt được mục tiêu đó.
Ba năm sau, chúng ta nhìn thấy kết quả đáng mừng. Xã hội dần thay đổi cách nhìn nhận đối với ngành du lịch. Từ một ngành phục vụ, trở thành ngành kinh tế đem lại lợi ích (755.000 tỷ - năm 2019), đóng góp vào tăng trưởng kinh tế (9,2% GDP đất nước) và tạo việc làm cho hàng triệu lao động.
Đến năm 2021, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 4 trong khu vực, dưới Thái Lan, Malaysia và Singapore. Nhưng Việt Nam đã trở mình một cách ngoạn mục khi tăng 8 bậc (xếp thứ 52) về chỉ số năng lực phát triển và nằm trong 3 quốc gia tăng cao nhất trên thế giới, theo báo cáo mới nhất của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).
"Du lịch Việt Nam lúc này không chỉ là ngành kinh tế mũi nhọn nữa mà phải làm sao để trở thành 1 cường quốc du lịch. Chúng ta nên đặt mục tiêu mới cao hơn. Tuy nhiên, mục tiêu này phải được đặt ra làm sao cho có cơ sở và không quá xa vời, có thể trong vòng 5-10 năm, du lịch Việt phải trở thành cường quốc ở khu vực Asean, rồi sau đó mới đến mốc cường quốc của châu lục, rồi mới đến mốc cường quốc du lịch của thế giới", ông Chính cho hay.
"Đại dịch Covid-19 khiến các cơ sở vật chất, dịch vụ bị đóng băng, mai một hoặc suy chuyển. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp du lịch phải đối diện với câu chuyện bi đát như: đóng cửa lâu ngày, mất nguồn thu, ngừng hoạt động và trở thành con nợ của chính bản thân mình, ngân hàng và xã hội", ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh khi nói về những hệ lụy của trận cuồng phong mang tên Covid-19.
Cảnh "chết lâm sàng" của du lịch kéo dài cho đến khi Chính phủ có chính sách mở cửa trở lại ngày 15/3/2022.
"Các doanh nghiệp vừa giải quyết hậu quả, vừa phải "rũ bùn" để đi lên phía trước. Đơn cử như các tập đoàn hàng đầu Việt Nam về du lịch đã biến nguy thành cơ, đứng lên và hồi sinh mạnh mẽ bằng cách không ngừng gia tăng trải nghiệm cho du khách với những sản phẩm đón đầu xu hướng trên thế giới và bứt tốc để thu hút khách quốc tế. Có thể nói đây là một cuộc marathon ngoạn mục của ngành du lịch", ông Nhưỡng nhấn mạnh.
Sự nỗ lực của nhiều cơ quan, tổ chức cùng các doanh nghiệp đã đem lại thành quả đáng mừng. Chỉ trong 8 tháng, lượng khách nội địa đã cao hơn mục tiêu của cả năm 2022 và vượt qua thời kỳ cao điểm năm 2019, với con số 79,8 triệu lượt khách. Trong khi đó, nhiều sản phẩm du lịch đẳng cấp mới đã được các tập đoàn lớn như Sun Group đầu tư và ra mắt ngay trong giai đoạn dịch bệnh, như khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Yoko Onsen Quang Hanh (Quảng Ninh), khách sạn Capella Hanoi (Hà Nội), khu nghỉ dưỡng New World Phu Quoc Resort (Phú Quốc)… với diện mạo và chất lượng tiêu chuẩn thế giới, đảm bảo đón dòng khách quốc tế trở lại Việt Nam.
Sự phục hồi của du lịch Việt không chỉ gây kinh ngạc với thế giới mà còn nằm ngoài dự đoán của những nhà chức trách Việt Nam. Nó khiến một số nhà lãnh đạo tin rằng kinh doanh du lịch đang "ấm lên" theo đà phục hồi và khát vọng đưa Việt Nam thành cường quốc du lịch sắp thành hiện thực.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, khẳng định du lịch Việt Nam đã vượt lên tầm cỡ ngang hàng với các ngành du lịch toàn cầu. Song, so với tiềm năng lợi thế và chiều sâu văn hóa đất nước thì ngành này vẫn chưa phát triển xứng tầm.
"Đáng lý ra còn phải hơn thế nữa. Với những tiềm năng ấy, du lịch Việt Nam xứng đáng là cường quốc du lịch trên thế giới", ông Siêu nói.
Sở hữu đường bờ biển dài trên 3.260km với nhiều bãi biển, vùng núi đẹp, nhưng đến nay, thương hiệu du lịch của ta vẫn chưa ở hạng sang.
Nhìn lại bản quy hoạch du lịch đầu tiên của Việt Nam, ông Lương tâm đắc với Phú Quốc. "Hiện Phú Quốc là 1 điểm đến rất sáng với du lịch Việt nhưng nếu theo quy hoạch trước thì còn sáng hơn rất nhiều. Chúng ta cần biến những điểm đến trở nên thật sự đẳng cấp, để khách quốc tế vào ầm ầm", ông Lương nói.
Theo bản quy hoạch, Phú Quốc phải là điểm đến quốc tế và đẳng cấp. Thậm chí, đảo này cần phải có những khu vực riêng dành cho giới siêu giàu để mang lại giá trị kinh tế và thương hiệu cho đất nước.
"Hòn đảo tuyệt vời như thế phải là nơi cho giới siêu giàu thèm khát", ông Lương đưa quan điểm và cho rằng chúng ta đã bỏ phí quá nhiều tiềm năng.
Không chỉ Phú Quốc, nhiều điểm du lịch hút khách khác cũng thiếu sản phẩm dành cho giới siêu giàu. Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, cho rằng Đà Nẵng "thiếu những dịch vụ đẳng cấp cao nhất dành cho những khách VIP nhất".
Theo ông, thành phố này đã có những nơi sang trọng bậc nhất như InterContinental DaNang Sun Peninsula Resort của Sun Group, song vẫn cần được nhân rộng.
"Nếu muốn nâng tầm, Đà Nẵng phải có các hệ sinh thái đi kèm như du thuyền, trực thăng, phải có nhà hàng, khu mua sắm cao cấp và cũng không thể thiếu những show diễn đẳng cấp. Những điều này chưa có thì ta phải đầu tư thêm. Nguồn lực của ngân sách không đủ thì cần thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước", ông Dũng nói.
Việc đưa du lịch hạng sang, du lịch dành cho giới siêu giàu vào thị trường sẽ giúp doanh thu tăng vượt trội. Điều này đã được nhà nghiên cứu Doug Golla, người đã dành hàng thập kỷ theo dõi sự phát triển của ngành private jet tại Mỹ thông tin trên Forbes năm 2019, chứng minh bằng những con số cụ thể như: Hành khách hạng sang trên mỗi chuyến chuyên cơ tiêu 85.000 USD cho mỗi lần hạ cánh xuống một vùng đất (khoảng 2 tỷ đồng), tức là trung bình vài trăm triệu đồng mỗi du khách bay chuyên cơ. Các nhân vật này sẽ ở trong các phòng khách sạn có giá hàng nghìn đến cả chục nghìn USD mỗi đêm, mua sắm, sử dụng spa hay ăn tối trên bãi biển riêng…
Về vấn đề này, Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch cũng nêu quan điểm: "Chúng ta đừng nghĩ theo hướng giá rẻ là lợi thế của du lịch, cần hiểu rằng lợi thế của Việt Nam là tài nguyên du lịch, và cần phải bảo vệ những tài nguyên đó bằng nhiều cách. Cách đầu tiên là phải định giá tương xứng chất lượng, chứ đừng đòi hỏi giá thấp. Khách du lịch sẽ chỉ chọn những chuyến đi mang lại sự hài lòng với giá tương xứng, còn hơn chọn giá rẻ để phải chịu đựng hành trình kinh khủng".
Ông Chính cho biết thêm, hiện một số doanh nghiệp lớn ở Việt Nam đang bắt đầu nghĩ đến việc thu hút giới siêu giàu. Việc siêu giàu Ấn Độ đến làm đám cưới ở Phú Quốc, Côn Đảo… không còn là viễn cảnh, nhưng vẫn chưa đủ. Giới siêu giàu trên thế giới còn nhiều, và ngày càng nhiều hơn.
"Nếu thu hút được khách siêu giàu, thu nhập từ du lịch sẽ tăng rất lớn và giảm bớt khả năng tác động bất lợi lên môi trường, văn hóa, xã hội do quá tải. Thương hiệu du lịch của Việt Nam cũng sẽ được nâng lên tầm khác biệt", ông Chính nói và cho rằng muốn làm được điều này cần sự phối hợp của các nhà lãnh đạo và doanh nghiệp lớn.
Trên thực tế, những năm gần đây, Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện những sản phẩm cho giới siêu giàu. Các nhà đầu tư lớn đang dẫn dắt xu thế bằng việc cho ra đời những sản phẩm đẳng cấp thế giới, đơn cử như các khu nghỉ dưỡng siêu sang InterContinental DaNang Sun Peninsula Resort, JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay hay mới đây nhất là thương hiệu hàng không chung cao cấp Sun Air của Sun Group, tới đây sẽ là khách sạn 6 sao La Festa Phu Quoc Curio Collection by Hilton tại Phú Quốc cũng của Sun Group.
Đứng say mê ngắm bãi biển Mỹ An (TP Đà Nẵng) cùng những resort sang trọng đẳng cấp thế giới, ông Hoàng Thanh Thuỵ, cựu Bí thư đầu tiên của Quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng, nhớ lại những ngày thành phố này còn nghèo nàn, hoang sơ.
"Bãi biển Mỹ An ngày trước là những bến cá, những đứa trẻ tóc vàng hoe và cây dại xơ xác. Chính quyền Đà Nẵng khi đó đã tìm cách thu hút các doanh nghiệp du lịch đến đầu tư các khu nghỉ dưỡng", ông Thụy kể.
15 hecta bãi cát, phi lao, rau muống biển khi đó nhường chỗ cho biệt thự sang trọng, những tiện ích đẳng cấp thế giới của Premier Village DaNang Resort do Sun Group đầu tư. Nó đã đánh thức tiềm năng du lịch của 1 trong 10 bãi biển đẹp nhất thế giới.
Sau dự án trên, nhiều doanh nghiệp khác tiếp tục đầu tư với hàng loạt resort hiện đại, biến Đà Nẵng trở thành điểm du lịch biển hàng đầu Việt Nam với hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm.
"Đà Nẵng bây giờ rộng ra, cao lên, bề thế, khang trang, hiện đại, hồng hào sắc diện, là nơi đáng đến, đáng sống. Nó đã thay thế cho một Đà Nẵng cách đây chừng 25 năm nghèo đói, tối tăm, lạc hậu", ông Thuỵ nói.
Sự thay đổi đó đã từng bước hiện thực hóa khát vọng biến du lịch Việt Nam thành cường quốc. Song, theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, để giấc mơ đến sớm hơn, cần thêm nhiều doanh nghiệp lớn dẫn dắt.
Bản thân Cầu Vàng là một sản phẩm của doanh nghiệp nhưng đã tạo thương hiệu điểm đến cho Đà Nẵng. Sự ra đời của Cầu Vàng tạo được nguồn khách, tạo được giá trị truyền thông rất cao. Không chỉ làm đẹp điểm đến, doanh nghiệp này đã tích cực đồng hành tổ chức các sự kiện giải trí lớn như Carnival đường phố Sun Fest, tạo sức hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của du khách. Đà Nẵng có Sun Group và cần nhiều thêm các doanh nghiệp như thế để dẫn dắt", ông Dũng nêu ví dụ.
Ông Graham Cooke, người theo dõi sự phát triển du lịch Việt Nam trong 10 năm qua, đánh giá ngành du lịch Việt Nam đã có những phát triển khác biệt so với hầu hết các khu vực trên thế giới.
"Việc tự phát triển sân bay, cảng tàu riêng, chuỗi khách sạn 5 sao đẳng cấp, những khu nghỉ dưỡng hạng sang, điểm đến du lịch chăm sóc sức khỏe, công viên giải trí… thực sự là những thành tích đáng nể của Sun Group. Họ cũng rất coi trọng việc hội nhập toàn cầu khi vừa mới ra mắt hãng hàng không của riêng mình. Đây chính là lý do mà tập đoàn này đã chinh phục du lịch thế giới.
Tôi nhận thấy họ đang rất nghiêm túc thực hiện việc phát triển phong cách sống cho du khách - một phần được xem là quan trọng của du lịch toàn diện ở cấp độ cao. Tôi nghĩ rằng ngay cả ở đất nước của tôi, Vương quốc Anh, cũng có thể học hỏi được công thức thành công này.
Với nhận thức và tư duy vĩ mô của người Việt trong chiến lược phát triển sản phẩm du lịch cao cấp 5 sao, tôi tin rằng, danh tiếng của du lịch Việt Nam sẽ nâng lên tầm cao mới, khi tiêu chuẩn được nâng cao hơn nữa", ông Graham Cooke chia sẻ.