Khai thác gỗ ở Siberia của Trung Quốc
Trong những ngày hè dài ở Siberia, một chiếc xe tải khai thác gỗ đã len lỏi qua khu rừng rậm rạp thông Siberia, thông Scotland và bạch dương để đi đến một xưởng cưa của người Trung Quốc - những người không thể tin vào vận may của mình. .
"Ở đây đều là người Trung Quốc", Wang Yiren, quản đốc người Trung Quốc chỉ vào một vài trong số hàng trăm xưởng cưa đã xuất hiện dọc theo tuyến đường sắt xuyên Siberia trong vài năm qua.
Vừa đáp ứng nhu cầu gỗ lớn của Trung Quốc, vừa mang lại việc làm và thu nhập nhưng nó cũng thúc đẩy Nga trở thành nước đi đầu toàn cầu trong nạn chặt phá rừng, làm trầm trọng thêm mối lo ngại về vấn đề đánh mất kế sinh nhai ở các thị trấn khai thác gỗ khác ở Siberia.
Những gốc cây đổ tại khu vực khai thác gỗ ở Siberia. Nhu cầu gỗ lớn của Trung Quốc đã mang lại việc làm và kinh tế cho khu vực nhưng nó cũng làm tăng mối lo ngại về nạn phá rừng. Ảnh: NYT
Không chỉ vậy, tất cả các sản phẩm gỗ tiêu dùng đều được sản xuất tại Trung Quốc trong khi để bảo vệ những khu rừng còn lại trong nước, Bắc Kinh hạn chế nghiêm ngặt việc khai thác gỗ. Hợp tác kinh tế chặt chẽ với Bắc Kinh được cho là một trong những cách giúp Nga giải quyết khó khăn từ các lệnh trừng phạt quốc tế.
Theo thống kê thương mại của Nga, năm ngoái, xuất khẩu gỗ của Nga sang Trung Quốc đã tăng từ 2,2 tỷ USD vào năm 2013 - trước cuộc khủng hoảng Ukraine - lên 3,5 tỷ USD. Trung Quốc lại tái xuất một phần mặt hàng gỗ của Nga dưới dạng đồ nội thất, cửa, sàn, vật liệu ốp tường và các sản phẩm hoàn chỉnh khác và bán chúng trên toàn thế giới.
Do đó, mặc dù cơn sốt gỗ Trung Quốc đã kích thích nền kinh tế địa phương Siberia nhưng nó cũng gây ra sự bất mãn, bộc lộ những hy vọng và cạm bẫy do một thí nghiệm kinh tế mang lại.
"Tôi đang sống ở thành phố này", thành viên hội đồng thành phố Irina Avdoshkevich nói, "Tại sao chúng tôi phải chịu đựng những bãi rác này, những đám cháy này". Ảnh: NYT
Trong hội nghị thượng đỉnh G20 gần đây tại Nhật Bản, các quan chức Nga và Trung Quốc đã cam kết sử dụng thanh toán bằng đồng nội tệ thay vì USD trong thương mại song phương. Tuy nhiên, do hai quốc gia đã trải qua xung đột biên giới vào năm 1969 và được cho còn tồn tại sự thiếu tin tưởng lẫn nhau nên mối quan hệ hợp tác kinh tế vẫn còn hạn chế.
Đã có những phàn nàn về ảnh hưởng môi trường Siberi do việc chặt phá rừng. Nga luôn là một trong những quốc gia đứng đầy trên thế giới về nạn phá rừng - năm ngoái, diện tích phá rừng là 16,3 triệu mẫu Anh, so với 9,1 triệu mẫu ở Amazon.
Nhưng Nga đã tái khôi phục các khu rừng phía bắc sau khai thác và hỏa hoạn, khiến nó ít bị phá hủy hơn các khu rừng mưa nhiệt đới được sử dụng để phát triển nông nghiệp hoặc trang trại chăn nuôi.
Nhưng đối với những người Siberia - người đã tận mắt nhìn thấy khu rừng biến mất dọc theo Đường sắt Siberia, điều này chưa thực sự khiến họ hài lòng.
Theo bà Avdoshkevich, trong 5 năm qua, có khoảng 100 nhà máy gỗ cưa do người Trung Quốc điều hành đã được mở tại đây. Ảnh: NYT
Trở thành lời nguyền với người bản địa
Kansk là một trung tâm công nghiệp khai thác gỗ với dân số khoảng 100.000 người. Theo bà Irina Avdoshkevich, một thành viên hội đồng thành phố phản đối đầu tư của Trung Quốc, trong 5 năm qua, có khoảng 100 nhà máy gỗ cưa do người Trung Quốc điều hành đã được mở tại đây.
Mọi con đường trong thành phố dường như dẫn đến khu khai thác gỗ, mùn cưa và gỗ chất thành đống.
Điều đặc biệt gây thất vọng cho cư dân Kansk là, các nhà đầu tư đã quyết định không khôi phục xưởng sinh hóa Kansk, một nhà máy thời Liên Xô sản xuất ethanol từ mùn cưa. Loại ethanol này được sử dụng cho mục đích công nghiệp, nhưng nó cũng là một thành phần để sản xuất rượu vodka - một loại đồ uống được người địa phương yêu thích.
"Không có vị của cây lá kim ở đó", nhà khai thác gỗ Nga, Serge Solovyov nói. "Đó là rượu nguyên chất. Pha chút canh và bạn sẽ trở thành một người hạnh phúc."
Kansk, một nhà máy gỗ được điều hành bởi người Nga. Ảnh: NYT
Trước khi nhà máy đóng cửa, "tất cả mọi người trong thành phố đều uống thứ này", ông nói. "Giờ đây thì không còn nữa, thật đáng tiếc."
Ngược lại, dưới sự quản lý của người Trung Quốc, xưởng cưa cũ của Liên Xô trước đây từng cung cấp nguyên liệu cho nhà máy rượu đã bị chất đống bởi mùn cưa. Một vụ hỏa hoạn đã xảy ra vào năm 2017, lan sang một khu dân cư và đốt cháy hơn 50 ngôi nhà, khiến thành phố nhỏ này rất bất mãn với sự đầu tư từ Trung Quốc.
Thành viên Hội đồng thành phố Avdoshkevich cho biết, bà đã yêu cầu cảnh sát địa phương và các giới chức cứu hỏa can thiệp - họ đã nhận lệnh từ chính phủ Nga - nhưng vẫn không thực hiện bất kỳ biện pháp nào để điều chỉnh nhà máy gỗ của Trung Quốc.
"Chúng tôi hiểu rằng chúng tôi cần đầu tư", bà nói, "Nhưng nếu chúng tôi quyết định làm bạn, thì nên bình đẳng. Bạn có lợi và tôi cũng có lợi".
Mảnh vụn gỗ được thiêu hủy ở ngoại ô Kansk. Ảnh: NYT
Trái lại, bà cho biết, các nhà buôn gỗ của Trung Quốc chỉ muốn vận chuyển càng nhiều gỗ về Trung Quốc càng sớm càng tốt mà không xem xét đến việc đầu tư chế tạo ở Nga, càng không quan tâm về vấn đề thiệt hại môi trường.
"Tôi đang sống ở thành phố này", bà nói, "Tại sao chúng tôi phải chịu đựng những bãi rác này, những đám cháy này?".
Trải nghiệm của ông Eduard Maltsev - một người dân địa phương cũng chứng minh cho sự lợi bất cập hại khi Trung Quốc đầu tư các xưởng cưa. Ông đã từng tìm một công việc trong xưởng cưa với thu nhập hàng tháng khoảng 230 USD, một con số khá ấn tượng với người địa phương.
Nhưng mặt khác, ngôi nhà của ông đã bị ngọn lửa năm 2017 thiêu rụi. Người quản lý người Trung Quốc đã nhanh chóng rời khỏi thành phố và Maltsev cho biết ông không nhận được bất kỳ khoản bồi thường nào. Giờ đây, ông chuyển nghề làm một tài xế xe buýt.
Ông Maltsev cho biết ngôi nhà của ông đã bị thiêu rụi bởi ảnh hưởng từ xưởng cưa của người Trung Quốc nhưng ông không nhận được khoản bồi thường nào từ họ. Ảnh: NYT
"Đúng vậy, họ đang tạo ra việc làm, đây là một mặt tích cực", ông nói về người Trung Quốc. Nhưng giống như nhiều người ở các thị trấn khai thác gỗ của Siberia, giờ đây ông tin rằng sự phát triển nhanh chóng về đâu từ của Trung Quốc trong ngành này giống như một lời nguyền hơn là một tin mừng. "Nó mang lại sự hủy diệt và rất nguy hiểm", ông nói.
Trong cuộc phỏng vấn, các quản lý của một số xưởng cưa Trung Quốc nói rằng, người Nga không nên đổ lỗi cho họ về những mặt tiêu cực của sự giàu có mà ngành công nghiệp gỗ Siberia mang lại.
Một chủ xưởng cưa Trung Quốc tên Igor - quản lý một nhà máy gỗ lớn dàn trải trên một vài mẫu đất - cho biết, hầu hết các công nhân Trung Quốc đều có một tên tiếng Nga nhằm thuận tiện trao đổi với người bản địa.
Anh ta đi dép xỏ ngón, mặc quần soóc và ra lệnh cho nhân viên bằng cả hai thứ tiếng: Tiếng Nga và tiếng Trung Quốc.
"Chúng tôi sẽ khai thác toàn bộ", anh nói.
Trong khi, Wang Yiren, người đàn ông Trung Quốc thông thạo tiếng Nga, quản lý một xưởng gỗ gần đó. Wang cho biết, ông đã thuê khoảng 50 người Nga làm việc cho mình.
"Công việc có thể sẽ tiếp tục thêm 5 năm nữa", ông nói về cơn sốt khai thác gỗ của người Trung Quốc, "Sau đó, người Nga sẽ bắt đầu suy nghĩ đến việc này và họ cũng sẽ cấm khai thác gỗ".