Trang tin Avia.Pro ngày 22/5 đưa tin, Nga đã phát động một cuộc tấn công bằng tên lửa chiến thuật – chiến dịch (OTRK) Iskander vào sở chỉ huy của Lữ đoàn tên lửa phòng không số 302 của Lực lượng vũ trang Ukraine tại làng Staraya Vodolaga, vùng Kharkiv.
Thời điểm chính xác diễn ra vụ tấn công không được nêu rõ.
Sức công phá của tên lửa đã khiến Thiếu tá Lực lượng phòng không Ukraine Yuriy Ostapenko thiệt mạng, hàng chục binh sĩ Ukraine mắc kẹt trong đống đổ nát. Theo Avia.Pro, thông tin này đã được các nguồn tin địa phương xác nhận.
Đoạn video ghi lại vụ tấn công của Iskander vào sở chỉ huy của Lữ đoàn tên lửa phòng không số 302, lực lượng vũ trang Ukraine. Nguồn: Avia.Pro
Đáng lưu ý, cú va chạm của tên lửa Iskander đã làm hình thành một miệng hố có kích thước 12x15 mét, với sức công phá trên diện rộng. Điều này khiến lực lượng cứu hộ của Ukraine gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nạn nhân.
Theo dữ liệu sơ bộ mà Avia.Pro có được, việc đưa các binh sĩ Ukraine ra khỏi đống đổ nát "gần như là không thể".
Bộ chỉ huy Lữ đoàn tên lửa phòng không 302 đóng vai trò quan trọng trong việc điều phối phòng thủ, phòng không của Ukraine tại Kharkiv. Việc để mất sở chỉ huy và nguồn nhân lực đáng kể được xem là một đòn giáng nặng nề đối với Lực lượng Vũ trang Ukraine.
Trong khi đó, Iskander tiếp tục cho thấy nó là "sát thủ điểm huyệt" của quân đội Nga trên chiến trường, khiến Kiev choáng váng.
Đây là tổ hợp tên lửa tầm ngắn được phát triển từ cuối những năm 1980, ra đời dựa trên nhu cầu xây dựng hệ thống tên lửa có khả năng hạt nhân, cơ động cao trên đường trường và phù hợp với các điều khoản của Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF, trong đó cấm các tên lửa hạt nhân trên bộ có tầm bắn từ 500-5.500km).
Các tổ hợp Iskander đầu tiên được đưa vào biên chế quân đội Nga giữa những năm 2000. Đạn và xe tên lửa do các công ty quốc phòng Udmurtia và Volgograd của Nga sản xuất.
Mỗi bệ phóng cơ động của Iskander có thể mang theo 2 tên lửa trang bị đầu đạn thông thường các loại (từ đạn phá boongke, đầu đạn nổ phân mảnh cho tới đạn xung điện từ EMP) hoặc đầu đạn hạt nhân.
Ngoài phiên bản sử dụng tên lửa đạn đạo, Iskander còn có biến thể sử dụng tên lửa hành trình gọi là Iskander-K.
Iskander được phân loại là vũ khí hạt nhân chiến thuật với độ chính xác cao, sai số vòng tròn (CEP) từ 30-70m, hoặc chỉ 5-7m khi được trang bị hệ thống dẫn đường. Tổ hợp tên lửa này có tầm bắn tối thiểu 50km, tối đa 500km.
Nếu được triển khai ở miền bắc, miền tây hoặc miền nam Belarus, Iskander có thể vươn tới các vùng Baltic, phần lớn lãnh thổ Ba Lan và hầu hết miền bắc Ukraine.
Theo thống kê của hãng tin Sputnik vào tháng 4/2023, trong kho vũ khí của Nga có 162 tổ hợp phòng tên lửa Iskander, 150 tổ hợp trong số này dành cho lực lượng tác chiến trên bộ, và 12 tổ hợp dành cho nhiệm vụ phòng thủ bờ biển của Hải quân Nga.
Số lượng tên lửa thuộc các biến thể khác nhau vẫn được giữ bí mật, tuy nhiên, phương Tây dự đoán Nga có thể nắm giữ hàng trăm tên lửa loại này.