"Khao khát" bắt giữ các nhà mật mã Liên Xô: Vì sao Hitler thất bại trong "đau đớn"?

Quốc Vinh |

Các sĩ quan mật mã Liên Xô là một trong những tài sản chiến đấu quan trọng nhất trong chiến tranh và Đức quốc đã tỏ ra tuyệt vọng trong nỗ lực bắt giữ họ.

"Bất cứ ai bắt được một sĩ quan mật mã Nga hoặc thu giữ thiết bị mật mã của Nga sẽ được trao tặng huân chương Thập tự Sắt và được phép trở về nhà. Người đó không chỉ được cung cấp việc làm ở Berlin mà sau cuộc chiến còn có cả bất động sản ở Crimea".

Đó là những gì trùm phát xít Adolf Hitler từng hứa hẹn vào tháng 8/1942, trong mục tiêu phá bằng được hệ thống mật mã của Liên Xô. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của người Đức đã thất bại và các phần thưởng đó chưa bao giờ được trao cho một ai, theo RBTH.

Trong Thế chiến II, những sĩ quan phá mã của phe Trục đã tỏ ra bất lực trong việc đọc được tin nhắn bị mã hóa của Liên Xô. Về cơ bản, hệ thống mã hóa này chỉ có thể vượt qua trong tình huống người phá mã có quyền truy cập vào thiết bị mã hóa hoặc biết mật mã.

Tuy nhiên, các sĩ quan mật mã Liên Xô với chủ nghĩa anh hùng và lòng dũng cảm đã không bao giờ thỏa hiệp với kẻ thù.

Trong một bài báo có tựa đề: "Bảo vệ thông tin của đảng Xô Viết trong cuộc chiến Vệ quốc Vĩ đại", chuyên gia mật mã học Dmitry Larin viết rằng, "theo quy tắc, các sĩ quan mật mã của Liên Xô thường mang theo một ống xăng bên mình và một quả lựu đạn trên tay để khi kẻ địch tiếp cận, họ có thể phá hủy các tài liệu, thiết bị".

Cuộc săn lùng các nhà mật mã Liên Xô

Khao khát bắt giữ các nhà mật mã Liên Xô: Vì sao Hitler thất bại trong đau đớn? - Ảnh 2.

Elena Stempkovskaya.

Một cuộc săn lùng các sĩ quan mật mã Liên Xô đã được phát động trong nỗ lực truy cập vào thiết bị và mật mã của họ. Kết quả đã dẫn đến nhiều sĩ quan phía Liên Xô hy sinh.

Nhà sử học người Nga VA Anfilov viết rằng, các chuyên gia mật mã của Đại sứ quán Liên Xô ở Đức là những người đầu tiên bị tấn công. Đó là ngày 22/6/1941 – trong tình cảnh ngặt nghèo nhất - họ đã cố gắng tiêu hủy tất cả những tài sản quan trọng.

"Ngày hôm đó, lực lượng SS của Đức xông vào tòa nhà của Đại sứ quán Liên Xô ở Berlin. Nhân viên mật mã của phái đoàn thương mại Liên Xô là Nikolai Logachev, đã cố gắng chống cự trong một căn phòng và đốt cháy tất cả các tài liệu mật mã.

Khi Đức quốc xã mở cửa, mọi thứ đã quá muộn - tất cả các mật mã đã bị phá hủy. Logachev bị bắt, nhưng sau đó nhân vật này được trao đổi lấy nhân viên của các cơ quan ngoại giao Đức ở Moscow".

Bên cạnh đó, cũng có nhiều câu chuyện về sĩ quan mật mã anh hùng, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ mật mã.

Ví dụ nổi bật trong đó là câu chuyện về cái chết bi tráng của một nữ quản lý hệ thống vô tuyến có tên Elena Stempkovskaya được đăng trên tờ báo của Hồng quân: "Các tay súng tiểu liên của Đức đã tìm đường đến sở chỉ huy tiểu đoàn.

Chúng chú ý đến người điều khiển vô tuyến và chạy đến chỗ cô. Elena nhặt một khẩu carbine ... cô đã giết hai gã người Đức. Nhưng đám lính Đức quốc xã còn lại đã lao vào Stempkovskaya và bắt giữ cô. Đức quốc xã đã tra tấn người phụ nữ trẻ suốt một đêm, nhưng Elena vẫn im lặng. Cô bị chúng chế giễu trên đường phố và chặt tay một cách tàn bạo".

Bí mật của người Nga

Khao khát bắt giữ các nhà mật mã Liên Xô: Vì sao Hitler thất bại trong đau đớn? - Ảnh 3.

Chỉ huy quân đội Liên Xô Georgy Zhukov.


Về cơ bản, cách thức tạo mật mã của người Nga rất đảm bảo. Theo đó, sẽ có từng mật mã riêng biệt cho mỗi thông điệp trên chiến trường và chúng không bao giờ được lặp lại.

Vì không thể truy cập vào hệ thống mật mã, các cường quốc của phe Trục hầu như không bao giờ có thể giải mã được thông tin liên lạc tiền tuyến của Liên Xô trong suốt cuộc chiến.

Mã hóa được coi là cách thức được áp dụng đối với tất cả các thông tin liên lạc bí mật truyền đi trong chiến tranh. Trụ sở quân đội thường nhận được tới 60 bức điện tín mỗi ngày, trong khi các cứ điểm ở mặt trận một ngày có thể nhận tới 400 bức điện tín.

Ở chiến trường, máy mã hóa và điện thoại bí mật đã được sử dụng. Một cỗ máy mã hóa có tên mã M-101 Izumrud (Emerald trong tiếng Nga) đã được tạo ra vào năm 1942. Nó được coi là thiết bị mã hóa đáng tin cậy nhất và được sử dụng để mã hóa các tin nhắn có tầm quan trọng đặc biệt.

Ngoài Izumrud, các sĩ quan mật mã của Liên Xô ở tiền tuyến cũng sử dụng một thiết bị có tên Sobol-P. Theo nhà sử học Dmitry Larin, đây là thiết bị tinh vi nhất để truyền thông tin một cách an toàn và không có thiết bị nào giống như vậy ở nước ngoài.

Thiết bị đầu tiên đã được gửi đến Stalingrad. Những chiếc Sobol-P có thể giúp quân đội liên lạc qua kênh radio thay vì đường dây điện thoại – thứ có thể dễ dàng bị phá hủy hoặc bị chặn bởi kẻ thù - trong khi việc phá vỡ một hệ thống mã hóa giọng nói trên hệ thống liên lạc vô tuyến kín là vô cùng khó khăn.

Trong hồi ký của mình, một số chỉ huy Thế chiến II nổi tiếng từng thừa nhận rằng, họ sẽ không thể chiến thắng trong các trận chiến nếu không có các sĩ quan mật mã.

Chỉ huy quân đội Liên Xô Georgy Zhukov – người được gọi là "Nguyên soái chiến thắng" – từng viết rằng, hiệu quả công việc tuyệt vời của các sĩ quan mật mã đã giúp ông chiến thắng trong nhiều trận chiến.

Trong khi đó, Thống chế Ivan Konev, người đã giải phóng Ukraine, Moldova, Romania, Ba Lan, Tiệp Khắc và cũng tham gia vào các hoạt động ở Berlin và Prague, đã viết như sau trong hồi ký của mình:

"Chúng tôi phải vinh danh các thiết bị và đội truyền thông của mình, những người bảo đảm thông tin liên lạc và luôn có mặt trong mọi tình huống".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại