Khánh Thi tiếp tục bức xúc, chia sẻ chuyện gây xôn xao của học trò

Long Phạm |

"Chúng tôi không dựng chuyện, quy chụp ai để mà phải sợ. Nếu sai phạm này làm đến cùng được thì tôi càng mừng", Chí Anh chia sẻ.

Sau nhiều lần lên tiếng gây xôn xao dư luận về việc nghi vấn ban tổ chức Đại hội Thể thao Toàn quốc 2018 thiếu minh bạch trong việc chấm điểm thí sinh, ngày hôm qua (18/12), Khánh Thi, Chí Anh và Phan Hiển đã tổ chức gặp gỡ báo chí để làm rõ hơn vụ việc.

Cũng trong ngày hôm qua, Khánh Thi và 7 trọng tài chấm thi, Sở Thể dục Thể thao Đồng Nai, Ban tổ chức Đại hội đã được Tổng cục Thể dục Thể thao mời đến để giải trình về vụ việc.

Khánh Thi: "Họ chỉ xin lỗi vì làm tổn thương chúng tôi chứ không xin lỗi vì làm sai hay đúng"

Chúng tôi tổ chức buổi gặp gỡ báo chí để lên tiếng về những bất cập trong kỳ Đại hội Thể thao Toàn quốc lần thứ 8 vừa diễn ra.

Hôm đó, đài truyền hình VTV có đến ghi hình trực tiếp và thấy rằng kết quả chung cuộc là cặp vận động viên SBD 123 Ngọc An – Tố Uyên (hai học trò của tôi – thi ở nội dung nhảy Rumba) đoạt giải nhất. Số điểm còn hiện lên màn hình lớn và tất cả mọi người đều ra chúc mừng.

Khi về nhà xem lại ti vi, tôi vẫn thấy bình luận viên đọc đi đọc lại suốt chương trình là cặp vận động viên 123 đoạt huy chương vàng.

Khánh Thi tiếp tục bức xúc, chia sẻ chuyện gây xôn xao của học trò - Ảnh 1.

Khánh Thi tại buổi gặp gỡ báo chí, chiều 18/12.

Khánh Thi tiếp tục bức xúc, chia sẻ chuyện gây xôn xao của học trò - Ảnh 2.

Phan Hiển có mặt cùng vợ.

Nhưng kết quả trao cuối cùng lại bị thay đổi sang cặp vận động viên khác được giải. Nó không giống những gì chúng tôi biết và VTV ghi hình trước đó. Chúng tôi thắc mắc tới ban tổ chức thì không nhận được kết quả thỏa đáng.

Hai ngày sau, học trò tôi có gửi đơn khiếu nại và chính tôi là người cầm đơn đó tới gặp ban tổ chức, nhưng họ không tiếp và kêu không có trách nhiệm nói chuyện với tôi. Đó là sự thiếu tôn trọng với một huấn luyện viên kiêm trọng tài như tôi.

Họ đổ lỗi điểm số sai lệch do thư kí tổng hợp điểm nhầm lẫn, nhưng toàn bộ quá trình chấm điểm là trên máy tính rồi chính máy tính cũng tự tổng hợp, nên thư kí chẳng tham gia ở khâu nào để mà nhầm được.

Tới tận ngày hôm nay, tôi và 7 trọng tài chấm thi hôm đó, cùng Sở Thể dục Thể thao Đồng Nai, cũng như ban tổ chức Đại hội đã được Tổng cục Thể dục Thể thao mời đến để giải trình. 

Nhưng họ vẫn đưa ra lí lẽ phi lí và chiêu bài cũ kĩ như mọi lần. Họ vẫn đổ lỗi cho việc nhìn nhầm điểm số của người thư kí.

Đơn khiếu nại của cặp vận động viên bị nhầm điểm số vẫn không được đoái hoài. Chúng tôi chỉ hỏi vì sao lại có sự sai lệch điểm số thôi mà họ vẫn không giải thích được.

Một kỳ đại hội lớn, 4 năm tổ chức một lần như thế không thể có sai sót. Nếu đã sai thì sẽ sai hàng loạt nội dung thi còn lại chứ không chỉ một mình nội dung thi Rumba. Và nếu chấp nhận sai điểm số ở nội dung thi Rumba thì hàng trăm nội dung thi còn lại cũng sẽ sai lệch điểm số tùm lum cho mà xem.

Đại diện bên Tổng cục Thể thao đã gửi lời xin lỗi chính thức tới cặp vận động viên Ngọc An – Tố Uyên, nhưng lại xin lỗi vì đã làm tổn thương chúng tôi, chứ không phải xin lỗi vì đã làm sai hay đúng.

Họ không xin lỗi chúng tôi vì kết quả bị đổi. Họ vẫn khẳng định điểm số cuối cùng là minh bạch, rằng 7 trọng tài chấm đúng, thư kí nhập nhầm. Họ chỉ công nhận kết quả thứ hai.

Khi ban thư kí ngày hôm đó trực tiếp thực hiện lại thao tác nhập điểm số, chúng tôi thấy có sự vô lí hơn cả những gì chúng tôi từng thắc mắc.

Theo lẽ thường, bộ phận thư kí hôm đó chỉ sử dụng một máy tính và một phần mềm quốc tế. Nhưng hôm nay họ lại giải thích rằng, họ sợ có sai sót, nhẩm lẫn số báo danh, nhập điểm chưa đúng nên họ phải thực hiện thao tác bằng tay.

Đó là lí do vì sao họ nhận thêm một chiếc máy tính thứ hai, nhưng chiếc máy tính này lại không được nhận dữ liệu từ máy chủ (tổng hợp điểm của các trọng tài gửi đến) mà chỉ có tác dụng tính lại điểm. Tức là thư kí phải nhìn điểm bằng mắt ở máy chủ rồi mới nhập tay lại lên máy tính kia.

Tôi hỏi mọi người, thời buổi bây giờ mà cứ ngồi nhìn điểm ở máy nọ rồi gõ lại sang máy kia thì bao giờ mới xong? Trong khi đó, cuộc thi diễn ra liên tục, với vài trăm nội dung thi, đòi hỏi phải có điểm nhanh chóng của nội dung này để còn sang nội dung tiếp theo. Với thao tác thủ công như vậy thì có nhập kịp nổi không?

Ông tổng trọng tài nói rằng, sau khi 7 trọng tài chấm xong, ông ta sẽ coi lại điểm số cuối cùng xem có khớp không rồi mới đưa lên màn hình lớn. Nhưng các nội dung thi chỉ diễn ra trong hơn một phút rồi trôi nhanh sang nội dung khác thì tổng trọng tài lấy đâu ra thời gian để kiểm tra điểm số. Nếu điểm số có tổng hợp sai thì trọng tài có nhớ nổi không?

Chỉ sau hơn một phút là điểm chấm được lên online và kết quả được in ra giấy thì trọng tài nhìn kiểu gì để biết sai hay đúng?

Và tại sao chỉ có kết quả của 2/12 nội dung thi được phát online, còn sau đó thì không online nữa? Mãi hai ngày sau mới trả lại kết quả. Sự minh bạch nằm ở đâu? Bây giờ tôi nói tôi yêu chồng, hai ngày sau tôi cặp bồ vẫn được. Tôi được quyền quyết định hết mà.

Thậm chí, ban thư kí còn trả lời rằng, họ nhầm kết quả của cặp vận động viên số 123 với số 83 vì đều có đuôi 3 đằng sau. Nhưng số báo danh thi được xếp từ bé đến lớn nên từ 83 tới 123 còn cả loạt số báo danh khác nằm xen vào thì nhầm kiểu gì? Cách cả quãng xa như thế mà nhầm được là không thỏa đáng. Trả lời như thế là vô lí.

Khánh Thi tiếp tục bức xúc, chia sẻ chuyện gây xôn xao của học trò - Ảnh 4.

Tôi nói lại, tôi không quan tâm kết quả trọng tài chấm, tôi chỉ thắc mắc vì sao tờ kết quả đầu tiên lại bị xé đôi, để thêm tờ kết quả thứ hai. Ban tổ chức trả lời rất lòng vòng.

Chí Anh: "Chúng tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật"

Từ 2006 tới 2014, chúng ta hoàn toàn chấm thủ công trên giấy. Sau khi trọng tài chấm xong, thư kí mới lấy lại giấy để nhập điểm. Hồi còn làm thủ công như vậy chưa hề có sai sót nào, hoặc nếu có cũng chưa phát hiện ra.

Nhưng vì thế giới chuyển sang chấm phần mềm để hạn chế sai sót nên chúng ta cũng phải thay đổi theo. 

Người viết phần mềm chấm điểm này là anh Đặng Tuấn, hiện đang làm trong quân đội và chuyên viết phần mềm tên lửa, vũ khí nên không thể có chuyện phần mềm lỗi hay sai sót. 

Trong mỗi con người, ai cũng có một nỗi sợ, sợ nhiều thứ. Nhiều người làm nghề như chúng tôi khi lên tiếng thế này đương nhiên phải sợ rằng sẽ bị cô lập, không được chấm thi nữa.

Việc tố cáo liên quan trực tiếp đến nghề nghiệp sau này.

Nhưng chúng tôi chẳng sợ hậu quả khi tố cáo, dù nó có lớn thế nào, vì chúng tôi làm đúng, thắc mắc đúng. Sự việc xảy ra có quá nhiều nghi vấn nên chúng tôi mới thắc mắc, chứ chúng tôi không dựng chuyện, quy chụp ai để mà phải sợ. Nếu sai phạm này làm đến cùng được thì tôi càng mừng.

Ai làm sai người đấy chịu. Nếu chúng tôi làm sai, vu khống tổ chức, chúng tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại