Lần đầu tiên ngồi ghế nóng So you think you can dance nhưng đối với Khánh Thi, mọi thứ không có gì quá mới mẻ. Bởi, trước khi đến với cuộc thi này, "Nữ hoàng dancesport" đã cầm cân nảy mực ở rất nhiều cuộc thi khác.
Chỉ là lần này, cô khiến công chúng bất ngờ vì cách nhận xét rất "đường phố". Khi xem xong màn trình diễn của Hoàng Oanh và Gia Huy, người đẹp nhận xét: "Ở ngoài Bắc, người ta dùng từ "con điên". "Con điên" có hai nghĩa, một để chê, hai là để khen.
Nếu thân thì người ta bảo "con điên" này sao mà hay thế. Lúc nãy chị Thi thấy, "ủa sao con điên, thằng điên này nhảy gì mà hay vậy". Hai đứa hôm nay rất điên".
Điều đáng nói là sau đêm thi, tất cả những đoạn video của chương trình đều đã bỏ đi phần nhận xét này của Khánh Thi. Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy, cả Ban tổ chức và giám khảo cũng e ngại dư luận trái chiều khi lời nhận xét này được công khai rộng rãi.
Phần thi của Hoàng Oanh và Gia Huy đã cắt phần bình luận của Khánh Thi.
Trở lại với cách nhận xét của Khánh Thi, xét về ý nghĩa, đó là một lời khen. Nhưng xét về cách sử dụng ngôn từ, mọi thứ có vẻ hơi quá.
Nếu đúng như lời Khánh Thi thì chỉ có những người thân thiết mới dùng từ "con điên" và "thằng điên" khi khen một ai đó trong khi đây lại là lần đầu tiên Khánh Thi gặp hai thí sinh của So you think you can dance. Mối quan hệ giữa họ chưa đủ thân để suồng sã như thế.
Huống gì cô còn phát ngôn trên sóng truyền hình quốc gia, nơi không hề hạn chế đối tượng xem, từ người già đến trẻ nhỏ.
Chúng ta từng thắc mắc tại sao nhiều ca sĩ lên sóng truyền hình toàn hát nhép, dù không phải là chương trình trực tiếp để rồi sau đó chấp nhận lý do: vì chất lượng của chương trình, để hạn chế những tiết mục dở.
Vậy thì tại sao lại phải chấp nhận cho những lời khen dở như thế xuất hiện trong một cuộc thi thoải mái đến như vậy? Có rất nhiều cách để khen một ai đó chứ không chỉ quanh quẩn với từ "điên" như hiện tại.
Vậy mà trong So you think you can dance, có một thực tế không thể phủ nhận là từ MC cho đến ban giám khảo, tất cả đều chuộng từ "điên" đến lạ dẫu cho họ có thể thay thế bằng cách tính từ khác thuyết phục và văn minh hơn.
Và rồi cách họ gọi nhau: "con", "thằng". Đó không phải là cách những đứa trẻ được dạy ở trường học và cũng chẳng phải là điều có thể du di trên sóng truyền hình.
Chẳng biết từ bao giờ, người ta đã quên đi những chuẩn mực giản dị ấy và họ cũng quên luôn câu chuyện về nhà thơ Đỗ Trung Quân trên ghế nóng Sao mai điểm hẹn 2004.
Được giao nhiệm vụ nhận xét về trang phục và giọng hát của thí sinh thật nhanh, gọn, ông đã nói về phần thi của Ngọc Khuê như sau: "Nghe em hát tôi nghĩ rằng em bị điên. Nhưng nghệ thuật Việt Nam cần nhiều người điên như em".
Lời khen đó buông ra, chỉ sau 1 phút 15 giây, dư luận dậy sóng và gây nghẽn mạng toàn quốc. Đứng trước sức ép quá lớn, nhà thơ Đỗ Trung Quân đã chủ động xin rút lui. Câu chuyện đó bây giờ người ta vẫn nhắc.
Ở thời điểm hiện tại với hàng loạt các gameshow xuất hiện mỗi năm, những bà mẹ chồng mang tên dư luận đã có phần dễ tính hơn. Nhờ vậy mà những người cầm cân nảy mực đã có thể thoải mái cả về ngoại hình lẫn cách nhận xét.
Tuy nhiên, vẫn có những chuẩn mực vô hình chẳng ai đủ khả năng để xé rào và xin nhấn mạnh rằng những điều này không hề vô lý. Đừng quên rằng ở cương vị là ban giám khảo trong các cuộc thi, những lời họ nói ra đều có tác động rất lớn đến tinh thần và kết quả của thí sinh.
Lẽ dĩ nhiên, chúng ta không nên lên án quá gay gắt về sự việc lần này bởi mọi chuyện đều có cách giải quyết, nhất là khi người tạo ra sóng gió không phải là một tay mơ.
Khánh Thi là một kiện tướng dancesport, một người phụ nữ nhạy cảm, một bà mẹ có con nhỏ, bấy nhiêu thôi là đã thấy cô thừa tinh tế để nhận ra sự quá lời của mình lúc ấy và sẽ biết cách để tiết chế ngôn từ cho những lần xuất hiện trên truyền hình sắp tới.