Ngày 13/8, Viện KSND TPHCM có quyết định kháng nghị phúc thẩm vụ án Dương Thanh Cường (cựu tổng giám đốc Công ty Bình Phát, Chủ tịch HĐQT Công ty Thanh Phát) lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Trầm Bê (cựu Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phương Nam-đã sáp nhập vào Sacombank) cùng đồng phạm vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Đây là vụ án mà TAND TPHCM đã xét xử sơ thẩm vào tháng 7 vừa qua.
Theo quyết định kể trên, Viện KSND TPHCM kháng nghị theo hướng tăng mức án với ông Trầm Bê và các các bị cáo nguyên là thuộc cấp của ông.
Kháng nghị cũng không chấp nhận án mức án 1 năm tù (cho hưởng án treo) đối với ông Trầm Viết Trung (nguyên Giám đốc Trung tâm xét duyệt tín dụng Ngân hàng Phương Nam) mà TAND TPHCM đã tuyên tại phiên sơ thẩm.
Về dân sự, Viện KSND TPHCM kháng nghị buộc các bị cáo cùng liên đới bồi thường cho ngân hàng, chứ không chỉ riêng bị cáo Dương Thanh Cường chịu trách nhiệm như bản án sơ thẩm đã tuyên.
'Siêu lừa' Dương Thanh Cường hầu tòa vào tháng 7/2020. Ảnh: Tân Châu
Tại bản án sơ thẩm tuyên hồi tháng 7, TAND TPHCM đã phạt bị cáo Dương Thanh Cường 16 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tổng hợp với hình phạt tù chung thân trước đó, buộc bị cáo chấp hành hình phạt chung là chung thân, đồng thời buộc Cường chịu trách nhiệm về toàn bộ thiệt hại vụ án, tiếp tục kê biên 23 sổ đỏ để xử lý khoản nợ 171 tỷ đồng bị cáo vay của Agribank, phần thừa dùng để xử lý khoản thiệt hại 505 tỷ đồng của Sacombank.
Tòa cũng tuyên án 3 năm tù đối với ông Trầm Bê, tổng hợp hình phạt 4 năm tù trước đó (giúp sức Phạm Công Danh gây thiệt hại cho VNCB khoảng 1.800 tỷ đồng), tòa buộc bị cáo chấp hành chung 7 năm tù.
Phan Huy Khang bị phạt 2 năm 6 tháng tù; các bị cáo khác nhận 1 năm 3 tháng tù đến 2 năm tù giam, riêng Trầm Viết Trung lĩnh 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Bản án của TAND TPHCM tuyên hồi tháng 7/2020 nay bị kháng nghị. Ảnh: Tân Châu
Theo nội dung bản án, tháng 10/2007, Dương Thanh Cường đã đứng danh nghĩa Công ty TNHH sản xuất, xây dựng và thương mại Thanh Phát (Cty Thanh Phát) để mua gom 10,5 ha đất nông nghiệp của các hộ dân tại địa bàn xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TPHCM với ý định đầu tư dự án.
Ngày 3/4/2008, Ban Quản lý khu Nam TPHCM có Văn bản số 335/BQLKN-KHĐT nêu rõ “không thể chấp thuận địa điểm đầu tư xây dựng dự án của Cty Thanh Phát do Khu đất nằm trong khu quy hoạch thuộc Ban Quản lý khu Nam TPHCM”.
Dương Thanh Cường biết rõ thông tin diện tích đất 10,5 ha nằm trong khu quy hoạch, đã có Quyết định thu hồi của Nhà nước, không thể sang tên sở hữu cho Cty Thanh Phát.
Đồng thời, trước đó giấy chứng nhận các thửa đất nông nghiệp có tổng diện tích 10,5 ha này đã được Dương Thanh Cường thế chấp tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh 6 (Argibank chi nhánh 6) để vay số tiền 628 tỷ đồng.
Đầu tháng 4/2008, Dương Thanh Cường mang bản photocopy của 23 GCN QSDĐ này đến gặp Trầm Bê (thời điểm này đang là Chủ tịch Hội đồng tín dụng, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phương Nam) đề nghị vay tiền và tài sản thế chấp là 10,5 ha đất của 23 GCN QSDĐ.
Ông Trầm Bê thống nhất cho vay nếu hồ sơ đầy đủ, có tài sản thế chấp và giao cho Sở giao dịch Ngân hàng Phương Nam thẩm định hồ sơ.
Ngày 10/4/2008, Dương Thanh Cường đã ký Văn bản số 19/CV/TP/2008 với nội dung “xin mượn toàn bộ 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng Khu đất để trình UBND phê duyệt dự án, thời gian mượn là 30 ngày” và được Argibank Chi nhánh 6 bàn giao lại 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các hợp đồng chuyển nhượng.
Từ ngày 7/4/2008 đến ngày 5/6/2009, Dương Thanh Cường đã sử dụng 23 GCN QSDĐ này làm tài sản thế chấp để vay và chiếm đoạt tiền của Ngân hàng Phương Nam thông qua 3 hợp đồng tín dụng, số tiền 185 tỷ đồng và sử dụng hết vào mục đích cá nhân.
Tính đến ngày 5/01/2010, tổng giá trị khoản phải thu nợ của Cty Bình Phát là 505 tỷ đồng. Đây cũng là số tiền thiệt hại cho Phương Nam.